Bệnh nhân tử vong có nhiều sai sót từ Bệnh viện An Sinh TP.HCM

14/05/2018 - 13:00

PNO - Khi phát hiện bệnh nhân L.N.Tr. sốc phản vệ, thay vì tiêm bắp thuốc Adrenalin theo như Thông tư 51, thì Bệnh viện An Sinh (TP.HCM) đã tiêm thuốc này dưới da.

Sáng 14/5, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn cấp sở nhằm làm rõ quy trình khám chữa bệnh của nữ bệnh nhân L.N.Tr. (30 tuổi, ngụ P.3, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tại Bệnh viện An Sinh (phường 12, quận Phú Nhuận).

Benh nhan tu vong co nhieu sai sot tu Benh vien An Sinh TP.HCM
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Ảnh: Phạm An

Hội đồng đã phân tích và cùng thống nhất kết luận chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ IV do dị ứng thức ăn. Nguyên nhân tử vong do tổn thương đa cơ quan (tím, phổi, gan) do sốc phản vệ.

Theo diễn tiến sự việc, chiều 18/4/2018, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện An Sinh với chẩn đoán dị ứng thức ăn (phản vệ độ I). Bác sĩ đã xử trí đúng phác đồ theo Thông tư 51/2017/TT-BYT. Nhưng lúc 20g cùng ngày, khi phát hiện sốc phản vệ, thay vì tiêm bắp Adrenalin theo như Thông tư 51, thì Bệnh viện An Sinh đã tiêm thuốc này dưới da cho chị Tr. Tuy nhiên, ở điểm này, hội đồng chuyên môn cho rằng sốc phản vệ do nguyên nhân dị ứng thức ăn, không nghĩ tới do các thuốc điều trị.

Sau đó, diễn tiến người bệnh xấu đi rất nhanh, ngưng thở, ngưng tim. Bệnh viện tổ chức cấp cứu nhưng không hội chẩn liên viện. Đặc biệt, việc rút nội khí quản và ngưng thở máy lúc 23g30 ngày 18/4 bị đánh giá là sớm.

Hội đồng cho rằng việc xử trí phù phổi cấp phù hợp, và nếu có điều kiện nên chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm tim để đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để tìm, xử trí nguyên nhân phù phổi.

Benh nhan tu vong co nhieu sai sot tu Benh vien An Sinh TP.HCM
 

Tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, việc chuyển viện được thực hiện an toàn và có hội chẩn trước khi chuyển. Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện nặng, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch hồi sức sốc. Chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ, tổn thương đa cơ quan là phù hợp phác đồ. Tổ chức hội chẩn nội viện và liên viện kịp thời. Kết quả xét nghiệm độc chất tìm thấy Chlopheniramin, Seduxen là những thuốc Bệnh viện An Sinh đã sử dụng khi điều trị. Liều lượng hai hoạt chất này đúng quy định.

Rút kinh nghiệm chuyên môn ở trường hợp này, theo hội đồng chuyên môn, việc xử trí sốc phản vệ của Bệnh viện An Sinh bằng tiêm bắp Adrenalin thay vì tiêm dưới da theo Thông tu 51.

Bệnh viện nên hội chẩn liên viện sớm ngay sau khi cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn thành công. Cần tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, dù có biểu hiện chống máy, nhưng tình trạng còn nặng. Nên chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm tim đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để tìm và xử trí nguyên nhân phù phổi.

Kết luận trên đã được Sở Y tế TP.HCM báo cáo Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế và sẽ được gửi cho Thanh tra Sở căn cứ trả lời cho gia đình bệnh nhân, đồng thời, giải quyết các vấn đề liên quan theo quy định.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI