Bé nuốt tăm, nuốt xu: Vỗ lưng, nội soi gắp ra hay... chờ

25/05/2018 - 11:30

PNO - Khi phát hiện trẻ nuốt phải dị vật, phụ huynh thường có tâm lý hoang mang, khẩn thiết đề nghị bác sĩ phải lấy ngay dị vật ra khỏi cơ thể con mình.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào can thiệp lấy dị vật cũng là tốt cho trẻ.

Tại sao lúc soi, lúc mổ, lúc lại chờ?

Tại khu khám bệnh trong ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, chị N.T.X., (35 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đưa con trai 5 tuổi đi khám vì phát hiện bé nuốt một viên sỏi hồ cá. Trái với sự mong đợi của người nhà rằng con sẽ được nội soi lấy dị vật ra ngay, bác sĩ lại yêu cầu chị X. đưa bé về theo dõi hai ngày, hy vọng viên sỏi sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể theo cơ chế tự nhiên.

Dù bé chưa có biểu hiện đau bụng nhưng vợ chồng chị rất lo lắng, sợ rằng viên sỏi cứng như thế sẽ làm tổn thương đường tiêu hóa non nớt của con. Điều chị X. lăn tăn nhất là tại sao không lập tức cho bé nội soi để gắp dị vật ra ngay mà phải chờ đợi.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng từng tiếp nhận một trường hợp bé gái 4 tuổi nuốt phải cây tăm. Kết quả chụp x - quang cho thấy vị trí cây tăm nằm trong dạ dày bé và các mô xung quanh đang có biểu hiện nhiễm trùng.

Trường hợp này được bác sĩ thực hiện kết hợp cả nội soi và phẫu thuật (soi gắp dị vật ra và phẫu thuật làm sạch chỗ bị áp xe). Cha mẹ bệnh nhi cũng thắc mắc tại sao đã phẫu thuật làm sạch ổ áp xe thì không lấy luôn dị vật ra mà trước đó lại còn nội soi gắp dị vật cho thêm rắc rối và phức tạp.

Be nuot tam, nuot xu: Vo lung, noi soi gap ra hay... cho
Khi con nuốt dị vật, phụ huynh cần bình tĩnh phối hợp cùng bác sĩ để tìm ra giải pháp tốt nhất cho bé


Thêm một trường hợp nữa là bé P.A.T., 3 tuổi, ngụ tại H.Bình Chánh, nuốt đồng xu. Đồng xu đã xuống tới tận ruột non của bé và nằm im ở đó. Cha mẹ đưa bé đi khám và yêu cầu nội soi lấy đồng xu ra ngay nhưng bác sĩ lại bảo không soi được, yêu cầu về nhà theo dõi, sau ba ngày bé không đi cầu ra đồng xu thì phải mổ để lấy dị vật ra.

Đó là những trường hợp điển hình khi trẻ nuốt dị vật vào đường tiêu hóa nhưng cách xử trí và điều trị của mỗi bé lại khác nhau. Tại sao có trẻ nội soi được, có bé phải vừa nội soi vừa mổ hở, có bé thì theo dõi? Để giúp các bậc cha mẹ yên tâm phối hợp cùng bác sĩ trong quá trình xử trí dị vật đường tiêu hóa cho trẻ, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Công Khánh - Phó khoa Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã giải đáp những khúc mắc này.

Phụ huynh bình tĩnh phối hợp cùng bác sĩ

Theo bác sĩ Khánh, 80% các dị vật đường tiêu hóa thường gặp không cần can thiệp, chỉ 20% phải xử trí để lấy dị vật ra. Dị vật đường tiêu hóa bắt buộc phải can thiệp để lấy ra nếu to hơn 2cm, sắc nhọn, độc hại. Nội soi dị vật tiêu hóa cũng được chia làm hai nhóm.

Ở vùng hầu họng có thể dùng ống soi cứng hoặc ống soi tiêu hóa; ở vùng thực quản - dạ dày - tá tràng, bác sĩ sẽ lấy dị vật bằng ống soi tiêu hóa. Những dị vật đã đi xuống ruột non thì không soi được, lý do là ống soi thông thường chỉ dài 1,2m, không đủ để đưa xuống tận ruột non. Nếu bắt buộc lấy dị vật ở ruột non ra thì phải phẫu thuật.

Một số bé, khi dị vật nằm ở vùng dạ dày, tá tràng, bác sĩ chỉ định kết hợp cả hai kỹ thuật nội soi và mổ hở. Điều này áp dụng với bệnh nhi nuốt dị vật kích thước rất nhỏ, nhọn, đang gây áp xe nhiễm trùng. Bác sĩ phải nội soi để gắp dị vật ra trước, sau đó mới phẫu thuật làm vệ sinh ổ nhiễm trùng.

Khi phát hiện trẻ nuốt dị vật, nếu bé không có biểu hiện tím tái, ho sặc thì phụ huynh tuyệt đối không nên làm bất cứ thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực gì cả. Người lớn càng không nên xử trí bằng cách móc họng cho trẻ ói ra vì có thể gây trầy xước niêm mạc họng của bé, có nguy cơ làm dị vật lọt vào sâu hơn. Hãy đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ xác định vị trí dị vật và đánh giá tình hình.

Nếu dị vật có khả năng đào thải qua đường tự nhiên, không gây nguy hiểm, bác sĩ sẽ yêu cầu cha mẹ theo dõi bé trong vòng ba ngày. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng được dặn dò cách nhận biết các dấu hiệu tắc ruột khi trẻ nôn ói, đau bụng để kịp thời đi khám. Cũng có một số bé, sau khi nuốt dị vật dù đã đi tiêu được ra ngoài nhưng cha mẹ không nên chủ quan, cần đưa bé đi bệnh viện để kiểm tra, vì trên quá trình di chuyển trong đường tiêu hóa dị vật đó có thể gây ra các tổn thương và biến chứng.

Trâm Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI