Bé gái 14 tuổi bị ung thư cổ tử cung không thể điều trị

17/04/2019 - 13:31

PNO - Lần đầu có kinh nguyệt nhưng kéo dài nhiều ngày, kèm theo mệt mỏi, đau nhức, bé T. được người nhà đưa đi khám mới biết em bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không thể điều trị.

Lần đầu có kinh nguyệt nhưng kéo dài nhiều ngày, kèm theo mệt mỏi, đau nhức, bé T. được người nhà đưa đi khám mới biết em bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không thể điều trị.

Có kinh nguyệt lần đầu nhưng suốt 2 tuần liên tục không hết, bên cạnh đó, da em T.T.B.T. (14 tuổi, nhà ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương) ngày càng xanh xao, tái nhợt, em đau bụng ngày một nhiều. Đầu tháng 4/2019, em T. gần như kiệt sức, gia đình đưa em vào bệnh viện tại tỉnh khám, bác sĩ nghi ngờ em bị ung thư nên chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Qua thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu phát hiện em bị ung thư cổ tử cung, khối u quá to, xâm lấn hoàn toàn cơ tử cung, lan ra chu cung 2 bên, xâm lấn bàng quang, xâm lấn xuống gần hết âm đạo trên 10cm, gây dãn niệu quản, thận ứ nước.

Be gai 14 tuoi bi ung thu co tu cung khong the dieu tri
Bệnh của em T. quá nặng khiến bác sĩ Tiến rất xót xa.

Các bác sĩ chỉ định mổ khẩn cho em T. nhưng thất bại do bệnh của em được phát hiện quá trễ, khối bướu quá to không chỉ “chiếm” toàn bộ tử cung, còn bám vào vách chậu, hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ bụng tạo thành khối. Thế nên, sáng 17/4 bác sĩ chuyển sang xử lý bằng sinh thiết.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết: “Đây là trường hợp rất hiếm gặp, bệnh nhi còn quá nhỏ tuổi nhưng khối u to gây chèn ép, di căn và bám chặt vào nhiều cơ quan, bệnh không đáp ứng điều trị. Em còn quá nhỏ nên chúng tôi cảm thấy rất xót xa”.

Theo bác sĩ Tiến, tại Mỹ ung thư cổ tử cung trong độ tuổi từ 15  đến 19 chỉ có 14 trường hợp/năm, với tỉ lệ 0,15/100.000 phụ nữ. Nguyên nhân chính có thể do những bệnh nhân này nhiễm HPV, nhiều khả năng nhiễm từ mẹ lúc chu sinh, còn yếu tố di truyền thì rất hiếm, đến nay vẫn chưa xác định được yếu tố di truyền trong ung thư cổ tử cung. 

Be gai 14 tuoi bi ung thu co tu cung khong the dieu tri
 

Người ta chỉ thấy một số người trong gia đình có vấn đề liên quan đào thải HPV, tức người nhiễm HPV nhưng không chuyển thành nhiễm mạn tính. Những người không đào thải được HPV sẽ bị nhiễm mạn tính và tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. 95% trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ đã quan hệ tình dục do lây nhiễm HPV. Để biết chính xác nguyên nhân vì sao bệnh nhi bị mắc loại ung thư này quá sớm và tiến triển đáng sợ đến như vậy vẫn là câu hỏi lớn với các y bác sĩ.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo bệnh ung thư đặc biệt là ung thư phụ khoa không chừa bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào. Vì vậy, chị em phụ nữ cần trang bị cho mình kiến thức để phòng ngừa, chẩn đoán phát hiện sớm ung thư phụ khoa. Trẻ em gái từ 12 tuổi nên được tiêm ngừa vắc-xin HPV để phòng bệnh. 

“Người dân, nhất là phụ huynh nếu thấy con em có những dấu hiệu như kinh nguyệt bất thường, rong kinh, rong huyết, đau bụng, tiêu tiểu khó khăn, mệt mỏi, sụt cân, bụng to dần,… phải đến cơ sở y tế tìm ra nguyên nhân để kịp thời xử lý”, bác sĩ Tiến nói thêm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI