Bé 2 tuổi ở Hóc Môn bị tật "chân khổng lồ"

07/03/2017 - 12:29

PNO - Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu - Tạo hình, Bệnh viện Saigon ITO vừa thực hiện một ca phẫu thuật cho một em bé có ngón chân khổng lồ - một tật bệnh hiếm gặp và khó xử lý.

Cháu bé V. V. Q (2 tuổi), ở huyện Hóc Môn, TP.HCM được bác sĩ Nguyễn Xuân Anh chẩn đoán mắc tật ngón chân khổng lồ hay còn biết đến với tên gọi khác là tật phì đại ngón (Macrodactyly).

 Dị tật này xuất hiện do đột biến gen. Ở em bé này, khi sinh ra chưa có dấu hiệu bất thường. Nhưng cùng với thời gian và sự phát triển của cơ thể, 2 ngón chân ở bàn chân trái tăng trưởng vượt trội hơn so với các ngón còn lại.

Và khi em bé gần đến 2 tuổi thì ngón cái và ngón kế ngón cái to hơn gấp 3 lần so với các ngón còn lại. 2 ngón chân này cũng dài ra hẳn và cong lên phía trên bàn chân. Bên trong các ngón chân khổng lồ này, các mô mỡ, xương, gân hay các mạch máu đều phát triển bất thường. 

Be 2 tuoi o Hoc Mon bi tat
2 ngón chân của bàn chân trái phát triển bất thường và cong lên phía trên

Trong khi đó, các ngón ở bàn chân phải vẫn hoàn toàn bình thường. 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết khi đến khám vào cuối tháng 2/2017, em bé vẫn chạy nhảy và đi lại được. Tuy nhiên, sau một thời gian nữa, khi các ngón chân này phát triển lớn thêm thì dĩ nhiên sẽ khiến cho việc vận động trở nên khó khăn. Lúc đó, việc phẫu thuật chỉ có thể là cắt bỏ luôn ngón chân, thậm chí là bàn chân. 

Be 2 tuoi o Hoc Mon bi tat
 

Với trường hợp của cháu bé V. V. Q, do các ngón chân vẫn còn nhỏ nên vẫn có thể tìm cách giữ các ngón chân này lại được. Phương pháp thực hiện đó là cắt bỏ một lóng xương dài ra, lọc bớt mô bệnh lý ở 2 ngón chân sau đó chờ thêm một thời gian nữa để tiếp tục thực hiện cắt lọc.

Be 2 tuoi o Hoc Mon bi tat
2 ngón chân khổng lồ đã chèn ép các ngón chân còn lại

Nói thì đơn giản nhưng thực hiện thì phải tỉ mỉ. Các ngón chân khổng lồ đã chèn ép các ngón chân khác. Khi phẫu thuật, rất khó phân biệt được các mạch máu chính và phụ. Sau khi cắt bỏ bớt phần dị dạng, phẫu thuật viên phải tìm cách phải lọc xương, cắt gọt phần xương cho nhỏ bớt, lọc bớt mô mà không làm tổn thương mạch máu nuôi dưỡng ngón chân… 

Be 2 tuoi o Hoc Mon bi tat
Ngón chân của cháu bé V. V. Q sau ca phẫu thuật vào ngày 28/2/2017

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, ở tật ngón chân khổng lồ này, các ngón chân dị tật sẽ tiếp tục phát triển cho đến giai đoạn người bệnh trưởng thành thì dừng lại. Tuy nhiên, lúc đó mới phẫu thuật là quá trễ và không thể giữ lại các ngón chân. Việc cắt bỏ ngón chân hay một phần bàn chân là giải pháp đơn giản và hữu hiệu nhưng việc giữ lại mới thật sự là có ý nghĩa. Bệnh nhân do đó phải trải qua thêm nhiều đợt phẫu thuật nữa. 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết ông từng tiếp nhận và phẫu thuật cho 4 trường hợp phì đại ngón Macrodactyly. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI