Bác sĩ kể lại giây phút không mượn được thuốc giải độc cho bé trai ngộ độc sừng tê giác

01/08/2019 - 18:30

PNO - Để khử chất độc gây ra tình trạng tím xanh đầu ngón tay của cậu bé sau khi uống bột sừng tê giác, ngay trong đêm các bác sĩ liên hệ với bệnh viện bạn để tìm thuốc Xanh Methylen nhưng bất thành.

Đỏ mắt tìm không ra thuốc giải độc

Ngay khi bé trai N.K.A.D. (22 tháng tuổi, ở huyện Củ Chi, TP.HCM) được đưa vào cấp cứu vì các đầu ngón tay, ngón chân chuyển sang xanh tím sau khi uống bột mài từ sừng tê giác để chữa co giật; các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 chẩn đoán chính xác bé bị ngộ độc Methemoglobin.

Kết quả xét nghiệm máu phát hiện nồng độ Methemoglobin rất cao, lên đến 30% (trong khi bình thường nồng độ chất này trong hồng cầu từ 0% - 3%).

Bac si ke lai giay phut khong muon duoc thuoc giai doc cho be trai ngo doc sung te giac
Xanh Methylen là loại thuốc giải độc cho tình trạng nhiễm độc Methemoglobin nhưng không phải nơi nào cũng có

Chính chất độc Methemoglobin khiến máu không vận chuyển được oxy đi nuôi cơ thể nên các đầu ngón tay, ngón chân của bệnh nhi chuyển sang màu xanh tím và đối diện nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Thuốc giải độc Xanh Methylen có loại bôi ngoài da không dùng để uống hoặc tiêm vào người khi giải độc Methemoglobin. Loại Xanh Methylen để giải độc Methemoglobin là loại truyền tĩnh mạch, được sản xuất với độ tinh khiết chuẩn của đường truyền tĩnh mạch.

Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, để giải chất độc Methemoglobin trong cơ thể chỉ cần tiêm thuốc Xanh Methylen 1% với liều lượng 1-2 ml cho mỗi kg cân nặng của bệnh nhân.

Nhưng hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam không có sẵn thuốc Xanh Methylen để tiêm tĩnh mạch dù loại này khá rẻ tiền.

Để kịp thời cứu bé N.K.A.D., các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 quyết định cầu cứu một nơi duy nhất tại TP.HCM luôn sẵn có loại thuốc giải độc này. Tuy nhiên, bệnh viện này từ chối cung cấp vì loại thuốc giải độc này do họ tự pha chế, không được nhập khẩu chính thức nên không thể "phân phối" cho bệnh viện khác.

Dùng phương án B thành công: lọc máu cứu bệnh nhi

Lúc này, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 như "ngồi trên đống lửa" vì sức khỏe cậu bé 22 tháng tuổi rơi dần vào tình trạng rất xấu do thời gian ngộ độc kéo dài lâu.

Bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhớ lại: "Người nhà cho bé uống bột mài từ sừng tê giác của một người bạn từ lúc trưa. Đến chiều, bé D. bắt đầu co giật. Khi nhập viện, bé D. đã rối loạn tri giác, nồng độ oxy trong máu giảm dưới 80% (dưới 85% đã nguy hiểm tính mạng).

Bac si ke lai giay phut khong muon duoc thuoc giai doc cho be trai ngo doc sung te giac
Chăm sóc cho bệnh nhi tại khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2

Phương án B được thực hiện ngay lập tức. Các bác sĩ quyết định lọc máu để cứu bé D.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Lộc – Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - nhớ lại: Nếu có sẵn thuốc Xanh methylen, việc giải độc cho bé D. rất nhanh chóng và đơn giản. Nhưng vì không tìm ra thuốc giải độc, các bác sĩ buộc phải lọc máu cho cậu bé.

Các bác sĩ đã rút máu và truyền máu không ít hơn 4 lít vì bệnh nhi ngộ độc Methemoglobin rất nặng (nồng độ Methemoglobin trong máu từ 50% - 70%). Cậu bé cũng được thở máy, truyền dịch duy trì dấu hiệu sinh tồn. Than hoạt tính được sử dụng để hấp thu bớt các độc chất trong cơ thể bệnh nhi. 

5 ngày sau khi được lọc máu và áp dụng thêm nhiều phương pháp điều trị khác, tình trạng ngộ độc của bé D. dần cải thiện. Bé không còn thở máy, môi, các đầu ngón tay, chân hồng hào trở lại, hoạt động chức năng cơ quan bình thường và được chuyển đến khoa Nội Tổng hợp để theo dõi và điều trị tiếp.

Bac si ke lai giay phut khong muon duoc thuoc giai doc cho be trai ngo doc sung te giac
Thuốc giải độc Xanh Methylen dạng tiêm truyền tĩnh mạch

Một bác sĩ chuyên khoa nhi của một bệnh viện lớn tại TP.HCM cho biết: Sở dĩ các bệnh viện không có sẵn thuốc Xanh Methylen loại tiêm truyền vì các trường hợp nhiễm độc Methemoglobin rất hiếm gặp. 

Khi đi nước ngoài, bản thân bác sĩ này cũng tranh thủ xách tay thuốc Xanh Methylen về để dùng cho bệnh nhi. 

Các mức độ nhiễm độc Methemoglobin

- Nhiễm độc mức độ nhẹ (MetHb 15% - 30%):

+ Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt.

+ Da ngón tay, vành tai và niêm mạc có màu xanh tím.

+ Vài giờ sau nhiễm độc, đôi khi sau một đêm toàn bộ các triệu chứng trên biến mất.

- Nhiễm độc mức độ vừa (MetHb 30% - 40%):

+ Da và niêm mạc có màu xanh tím rõ rệt.

+ Bệnh nhân cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, buồn ngủ.

+ Mạch lúc đầu nhanh, sau đó mạch chậm. Huyết áp thường không thay đổi.

+ Xét nghiệm máu thấy trong hồng cầu có tiểu thể Heinz, tốc độ lắng hồng cầu giảm nhẹ.

+ Khám thấy gan to và bệnh nhân cảm thấy đau khi ấn vào vùng gan, đồng tử kém phản xạ với ánh sáng.

- Nhiễm độc mức độ nặng (MetHb 50 - 70% hoặc hơn):

+ Đau đầu dữ dội, chóng mặt, nôn, thở dốc, co giật không ngừng, ỉa đái dầm dề.

+ Da và niêm mạc có màu xanh tím thậm hoặc tím đen (rất nặng).

+ Trong hồng cầu có thể thấy rõ 2 - 3 tiểu thể Heinz hình tròn có màu tím đen khi nhuộm máu bằng dung dịch tím methylen 1%.

+ Bạch cầu tăng, công thức bạch cầu chuyển trái, trong máu bilirubin tăng cao.

+ Một số trường hợp thấy dấu hiệu suy thận do hậu quả của tan máu kèm theo là tác động của chất độc lên thận.

+ Khám thấy gan to và đau khi ấn vào vùng gan, mạch nhanh, huyết áp trong giai đoạn cấp tăng, tiếp theo huyết áp giảm.

+ Bệnh nhân có thể tử vong do ngừng hoạt động hô hấp và tuần hoàn.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI