Bác sĩ đông y chỉ cách phẫu thuật thẩm mỹ không cần dùng thuốc tê thuốc mê

26/10/2019 - 16:06

PNO - Giáo sư Nghiêm Hữu Thành - học trò của Giáo sư Nguyễn Tài Thu (nổi tiếng thế giới ở lĩnh vực Đông y) cho rằng hoàn toàn có thể ứng dụng châm tê trong phẫu thuật thẩm mỹ để tránh sốc phản vệ do thuốc tê, thuốc mê.

Nhiều ca mổ u vú, bướu cổ... không dùng thuốc tê, thuốc mê

Bac si dong y chi cach phau thuat tham my khong can dung thuoc te thuoc me
Giáo sư Nghiêm Hữu Thành hướng dẫn kỹ thuật châm cứu cho y, bác sĩ tỉnh Hà Giang

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM sáng 26/10, bên lề hội thảo khoa học Vai trò điều trị bệnh lý cơ xương khớp và các chứng đau bằng cách kết hợp y học cổ truyền và hiện đại, GS.TS.BS. Nghiêm Hữu Thành - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) - cho biết kỹ thuật châm cứu tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể ứng dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ để tránh các trường hợp chết người do sốc phản vệ với thuốc tê, thuốc mê.

Giáo sư Nghiêm Hữu Thành cho biết Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã sử dụng châm cứu, cụ thể là dùng điện châm gây tê trong các ca mổ dạ dày, mổ xoang, mổ bướu cổ, mổ sỏi tiết niệu, mổ u vú…

Kỹ thuật châm cứu để giảm đau, gây tê được thực hiện từ năm 1991, đến nay đã thực hiện cho hàng ngàn trường hợp tại Việt Nam. Chính nhờ châm cứu để giảm đau, gây tê phẫu thuật, người bệnh tránh được nguy cơ tử vong do phản ứng với thuốc tê, thuốc mê. 

Bac si dong y chi cach phau thuat tham my khong can dung thuoc te thuoc me
GS. Nghiêm Hữu Thành hướng dẫn châm cứu cho y, bác sĩ tỉnh Quảng Ninh

Theo phác đồ của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, trong châm tê, chỉ cần dùng thuốc giảm đau hỗ trợ ở liều lượng Diazepam 0,25 mg/kg trọng lượng cơ thể, hoặc Morphin 0,25mg/kg trọng lượng cơ thể. Lượng thuốc này một nửa dùng tiêm bắp trước khi châm, một nửa còn lại dùng tiêm tĩnh mạch trước khi rạch da.

Ai sẽ được châm tê mà không dùng thuốc mê, thuốc tê?

Giáo sư Nghiêm Hữu Thành cho biết các đối tượng sử dụng châm tê trong phẫu thuật hiện nay là những người được xác định không thể dùng thuốc tê, thuốc mê vì bị dị ứng với thuốc hoặc bị suy kiệt, người cao tuổi…

Vì thế, các bệnh viện hoàn toàn có thể ứng dụng kỹ thuật châm tê trong phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng kỹ thuật châm cứu rất khó chuyển giao, chỉ thực hiện được ở bệnh viện tuyến trung ương.

Ngay tại TP.HCM cũng chưa có nhân lực thực hiện được kỹ thuật châm tê phẫu thuật. Ông cho rằng kỹ thuật châm tê phẫu thuật là việc khó nhất của châm cứu, là đỉnh cao của châm cứu.

Bac si dong y chi cach phau thuat tham my khong can dung thuoc te thuoc me
Giáo sư Nghiêm Hữu Thành (bên trái) và thầy của mình - Giáo sư Nguyễn Tài Thu

GS.TS.BS. Nghiêm Hữu Thành là học trò xuất sắc kế tục sự nghiệp của GS.TS.BS. Nguyễn Tài Thu - bậc thầy châm cứu của Việt Nam và thế giới.

GS. Nghiêm Hữu Thành có nhiều thành tựu xuất sắc về cả châm cứu chữa bệnh cũng như phương pháp châm tê phẫu thuật. Ông là chủ biên của 5 quyển sách giáo trình đào tạo về châm cứu, trong đó có “Quy trình Khám chữa bệnh chuyên ngành châm cứu”– quyển sách đầu tiên có giá trị pháp lý, chuẩn hóa về kỹ thuật của ngành châm cứu Việt Nam.

Ông là một trong những chuyên gia bậc nhất Việt Nam hiện nay về châm tê phẫu thuật, châm giảm đau, cấy chỉ và phương pháp đại trường châm.

Bac si dong y chi cach phau thuat tham my khong can dung thuoc te thuoc me

Kỹ thuật điện châm 

Châm cứu là gì? Châm cứu được định nghĩa là tạo ra một kích thích vào huyệt để tạo nên trạng thái cân bằng âm dương, nghĩa là phục hồi trạng thái sinh lý, loại trừ trạng thái bệnh lý, đưa cơ thể trở về bình thường.

Dùng điện châm tức là dùng máy điện tử tạo xung điện ở cường độ thấp với các dải tần số khác nhau kích thích vào huyệt nhằm mục đích điều khiển sự vận hành khí huyết nhanh mạnh, để đưa trạng thái cơ thể trở lại cân bằng và ổn định, hết bệnh tật.

Điện châm thay thế cho thủ pháp vê tay kích thích huyệt, giúp làm dịu cơn đau nhanh chóng. Do vậy điện châm ra đời đáp ứng được mục đích điều khí của châm cứu một cách nhanh mạnh mà không đau đớn.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI