Bác sĩ có quyền cắt bỏ thận của bệnh nhân trong trường hợp nào?

06/09/2019 - 07:00

PNO - Câu chuyện bà Lê Thị N. (55 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa) bị mất quả thận sau ca mổ sỏi thận tại Bệnh viện Việt Đức đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì những lập luận trái chiều.

Bà N. cho rằng bà không được bệnh viện thông báo cắt bỏ thận, trong khi bệnh viện nói rằng thận của bà N. mất chức năng, phải xử lý cắt thận vì không thể tán sỏi. Để hiểu rõ hơn về những tình huống bác sĩ có quyền cắt bỏ một bộ phận nào đó mà không cần thông báo cho bệnh nhân hay không, bệnh nhân có được những quyền gì khi nằm trên bàn mổ... phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh - Tổng thư ký Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam xoay quanh vấn đề này. 

Bac si co quyen cat bo than cua benh nhan trong truong hop nao?
Giáo sư Trần Ngọc Sinh

Phóng viên: Thưa giáo sư, những trường hợp nào bắt buộc phải cắt bỏ thận? 

Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh: Tùy theo tính chất bệnh tật, có trường hợp có thể chỉ mổ bảo tồn (thí dụ: mổ lấy sỏi thận, bảo tồn thận). Chấn thương thận rất thường gặp trong cấp cứu, nhưng đa số có thể điều trị bảo tồn không cần mổ. Chỉ mổ khi có dấu hiệu chảy máu không cầm được và đe dọa tính mạng.

Có trường hợp phải cắt bỏ cơ quan hay bộ phận bị bệnh (thí dụ  sỏi thận phức tạp, sỏi thận biến chứng nhiễm khuẩn nặng, mủ thận không thể bảo tồn, ung thư thận giai đoạn không thể bảo tồn…). Nhiều bệnh có chỉ định cắt thận toàn phần như: ung thư thận (giai đoạn 2 trở lên), ung thư niệu quản - đài bể thận, sỏi thận phức tạp biến chứng thận mủ nặng… 

Tuy nhiên, có một nguyên tắc là cần gửi thận cắt bỏ cho Khoa Giải phẫu bệnh xem về mặt vi thể, tổn thương có đúng với nhận định của bác sĩ lâm sàng không, cần lưu trữ lại mẩu thận bị cắt bỏ ở Khoa Giải phẫu bệnh. 

* Thưa ông, về chuyên môn, một quả thận mất chức năng, thận ứ nước có phải buộc phải cắt bỏ hay không?

Bac si co quyen cat bo than cua benh nhan trong truong hop nao?
Bà Lê Thị N. không biết gì về chuyện mình chỉ còn một quả thận trong suốt 4 năm qua

- Nếu quả thận “mất chức năng” không gây hại cho sức khỏe hoặc có thể kiểm soát được bằng thuốc thì nên để yên, không can thiệp ngoại khoa. 

Thầy chúng tôi - giáo sư Ngô Gia Hy vẫn thường dạy: “Thận nước chưa hẳn là thận chết”. Thật vậy, khi giải tỏa bế tắc (mổ lấy sỏi), thận có thể phục hồi chức năng một phần hay hoàn toàn. Trong bài giảng, chúng tôi khuyến cáo các học viên chuyên khoa tiết niệu cần cẩn thận với chẩn đoán “thận mất chức năng”, tức không phải ung thư, chỉ nên quyết định cắt thận khi có sự đe dọa biến chứng nặng như: nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng, chảy máu khó cầm…

Nói chung, bác sĩ còn cần phải bàn luận giữa lợi và hại khi phải mổ bảo tồn hay cắt thận “mất chức năng” và có thể không làm gì nếu nó tồn tại vô hại. 

* Khi thực hiện, phẫu thuật viên có quyền cắt bỏ thận hoặc một bộ phận nào đó của bệnh nhân mà không có sự đồng ý của họ hay không? 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, điều 61 quy định rõ:

- Mọi trường hợp phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa đều phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc đại diện của người bệnh.

- Người bệnh, trước khi phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa, nếu người bệnh bị mất năng lực hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, phải được người đại diện hợp pháp của người bệnh đồng ý bằng văn bản trong quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.

- Lúc này, bác sĩ cần lập ra phương án điều trị và mời người bệnh đến giải thích sự cần thiết, lợi ích của phương pháp điều trị, đồng thời nói rõ nguy cơ khi mất bộ phận đó và những nguy hiểm, rủi ro của cuộc mổ. Dù là tiểu phẫu hay thủ thuật nhỏ cũng phải giải thích tường tận. 

Sau đó, khi có sự đồng ý của người bệnh bằng văn bản, bác sĩ mới có quyền tiến hành các loại thủ thuật và phẫu thuật.

Và sau khi chẩn đoán bệnh nhân cần phải can thiệp ngoại khoa (từ trung phẫu trở lên), bác sĩ điều trị phải lập kế hoạch và phải được trưởng khoa chuyên môn và ban giám đốc bệnh viện (hoặc trưởng phòng kế hoạch tổng hợp được giám đốc bệnh viện ủy quyền) phê duyệt.

Ngoài ra,  nếu người bệnh có các bệnh khác kèm theo thì phải bác sĩ các chuyên khoa liên quan cuộc mổ khám và có văn bản cho phép như: Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Tai mũi họng, Khoa Tim mạch, Khoa Nội tiết, Nội phổi… 

Khi giải thích rõ cho người bệnh nên có thêm những người trong gia đình để tăng sự thấu hiểu vấn đề. Nếu đã giải thích nhưng bệnh nhân quyết định từ chối cuộc mổ, tức là từ chối điều trị. Quyết định từ chối phẫu thật cần được thể hiện trong hồ sơ bệnh án. 

* Thưa ông, trường hợp trong ca mổ khẩn cấp, không kịp thông báo cho người nhà thì xử lý thế nào?

- Trường hợp bệnh cấp cứu, bệnh nhân không có thân nhân đi theo (tai nạn giao thông), bệnh nhân phải vào viện không giấy tờ tùy thân không khả năng tự quyết định (hôn mê)… Khi cần can thiệp y khoa nói chung hay phải phẫu thuật thì bác sĩ điều trị vẫn tuân thủ các thủ tục như trên, phần thân nhân sẽ do giám đốc bệnh viện hoặc người thay mặt ký, cần ghi rõ thời điểm đó không có mặt thân nhân.

Điều 61 “Luật Khám bệnh, chữa bệnh” có quy định: Trường hợp không thể hỏi ý kiến của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh và nếu không thực hiện phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định tiến hành phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa. Đối tượng nào cho phép ký thay cũng được quy định rạch ròi qua điều 13 với 2 khoản 1 và 2.

* Thưa ông, có trường hợp bác sĩ đã thông báo mà bệnh nhân hoặc người nhà không để ý hoặc không nhớ hay không?

- Đây là chuyện hoàn toàn có khả năng xảy ra vì trong lúc nguy cấp, người bệnh vốn không có hiểu biết về y khoa, nên có thể không hiểu về cách điều trị của bác sĩ. Lúc này, nên trao đổi cho rõ hoặc thêm một bước thông báo lần nữa trước khi quyết định. Vì vậy, nên có thân nhân bên cạnh khi bác sĩ thực hiện việc giải thích. 

Ở một số bệnh viện hiện đại, luôn có hình thức ghi âm hoặc ghi hình các quy trình này để tránh những xung đột về sau. Và luôn kèm theo văn bản đồng thuận của bệnh nhân hay thân nhân hợp pháp lưu vào bệnh án. Nếu chưa thông báo rõ ràng các nội dung điều trị, không có hồ sơ lưu trữ, bác sĩ và bệnh viện phải nhận phần lỗi.

Bac si co quyen cat bo than cua benh nhan trong truong hop nao?
Các ca mổ cắt thận và ghép thận của giáo sư Trần Ngọc Sinh

* Trường hợp cắt bỏ thận, có gì khác với cắt bộ phận khác của cơ thể không, thưa giáo sư?

- Nếu phải cắt thận, càng phải có chứng minh rõ ràng hơn: thận còn lại có khả năng đảm nhận chức năng không? Nếu thận còn lại dự kiến không đảm đương nổi mà phải cắt thận thì phải nói rõ cho bệnh nhân biết và chuẩn bị hỗ trợ bằng lọc máu hoặc ghép thận về sau.

Quá trình hành nghề gần 40 năm, tôi phải cắt nhiều quả thận, trong đó có trường hợp khi cắt thận xong phải lọc máu định kỳ. Tất cả đều phải có kế hoạch, bệnh nhân và thân nhân đều biết trước.

Cũng cần nói thêm, khi những diễn tiến trong cuộc mổ không như dự kiến, cần thay đổi phương án phẫu thuật thì phẫu thuật viên phải báo cáo cho phẫu thuật viên cấp trên (trưởng khoa hoặc thầy mình, hoặc giám đốc bệnh viện và xin ý kiến); đồng thời có thể phải tạm ngừng cuộc mổ để thông báo cho thân nhân rõ.

Bệnh nhân chắc chắn hôn mê nên chỉ có thể thông báo cho người nhà. Nếu không có thân nhân, phải báo cho lãnh đạo hoặc người trên cấp của mình về chuyên môn. Bác sĩ đàn anh hoặc lãnh đạo bệnh viện sẽ là người làm chứng cho mình, rằng đây là ca khó, phải cắt thận.

Trường hợp không làm việc thông báo này được vì quá khẩn cấp (chảy máu ồ ạt), phẫu thuật viên phải hoàn toàn nhận lấy trách nhiệm khi giải thích sau đó.

* Xin cảm ơn giáo sư. 

Một số dấu hiệu khiến bạn nghĩ ngay đến bệnh thận:

- Phù toàn thân.

- Rối loạn đi tiểu: tiểu nhiều, tiểu ít, không tiểu.

- Thay đổi màu sắc nước tiểu: tiểu máu, tiểu đục.

- Đau vùng hông lưng.

Xét nghiệm tìm bệnh thận:

- Xét nghiệm nước tiểu: tổng phân tích. 

- Xét nghiệm máu: créatinine máu, uré máu.

- Siêu âm thận.

 Hiếu Nguyễn(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI