Bác sĩ cảnh báo tai nạn, bệnh tật trong kỳ nghỉ tết

26/01/2019 - 06:00

PNO - Ngày tết, số vụ tai nạn luôn tăng cao tại các bệnh viện. Một vài lưu ý của các chuyên gia y tế để người dân có cái tết trọn vẹn bên người thân, gia đình...

Trao đổi với Báo Phụ Nữ trong những ngày cuối năm Mậu Tuất, chuẩn bị bước sang năm mới Kỷ Hợi, bác sĩ Võ Hòa Khánh - Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM - cho biết, rượu bia trong những ngày tết khiến số vụ tai nạn giao thông (gãy chân, gãy tay, chấn thương sọ não…), tai nạn trong sinh hoạt (bỏng do pháo nổ, pháo bông, vết thương do kiếng cắt, dao cắt…) luôn luôn tăng cao tại các BV.

Sơ cứu cần thiết khi gặp tai nạn, đả thương

Bác sĩ Khánh cho hay, các trường hợp tại nạn gây đa chấn thương, bệnh nhân nên được đưa tới ngay các BV đa khoa như BV Chợ rẫy, BV Nhân Dân 115, BV Nhân Dân Gia Định… sau khi đã được sơ cứu ban đầu.

Bac si canh bao tai nan, benh tat trong ky nghi tet
Sơ cứu trong chấn thương cột sống

Cần lưu ý khi có sự cố xảy ra liên quan đến chấn thương chỉnh hình (gãy tay, chân, vết chém…) phải tìm cách tạo bất động nơi gãy xương và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Bất động bằng cách nẹp gỗ, băng thun…  chỗ gãy tay hoặc chân giúp giảm biến chứng sốc do đau và giảm biến chứng ổ gãy đâm trúng mạch máu và các dây thần kinh quan trọng.

“Cần nằm bất động nếu chấn thương vùng cột sống, gãy xương sườn … để tránh biến chứng liệt, chảy máu phổi… Băng ép vết thương để cầm máu tránh biến chứng mất máu và chuyển bệnh nhân đến cơ sở gần nhất để hồi sức (bù dịch, bù máu, chích kháng sinh…) trước khi chuyển đến BV”, ông Khánh nói.

Đối với các chấn thương kể trên, sau khi sơ cứu như đã hướng dẫn, có thể đưa đến BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM (số 929 Trần hưng Đạo, P.1 Q.5). Trong trường hợp bà con cần thông tin tư vấn trong dịp tết về chấn thương chỉnh hình có thể liên hệ số điện thoại đường dây nóng 0913.630.641.

Nhiều nguy cơ với trẻ

BV Nhi Đồng 2 lưu ý, trong những ngày đầu năm mới, trẻ dễ gặp phải những vấn đề về rối loạn tiêu hóa do việc chế biến và tích trữ thực phẩm ngày tết thường chưa đúng cách. Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý các tai nạn sinh hoạt trong thời điểm trẻ được nghỉ học ở nhà, tự do vui chơi, đặc biệt các trường hợp hóc dị vật do nuốt phải thực phẩm, vật dụng nhỏ, sắc…

Để phòng ngừa rối loạn tiêu hoá, cần duy trì cho trẻ ăn đúng bữa như ngày thường. Cung cấp nước đầy đủ để trẻ tránh mất nước khi đi chơi chỗ đông người, nắng nóng. Hạn chế trẻ dùng nhiều thực phẩm không có lợi cho sức khỏe như bánh kẹo, mứt, nước ngọt, đồ ăn nhiều chất béo… Nên cho trẻ dùng nhiều rau xanh.

Rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến và dùng. Không cho trẻ dùng thực phẩm quá hạn, thiu ôi, thực phẩm hâm lại nhiều lần. Cho trẻ dùng nhiều trái cây và thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, D để tăng cường đề kháng cho trẻ.

Đối với trẻ còn đang bú mẹ phải duy trì tối đa nguồn sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn với các bệnh tật.

Về phòng ngừa tai nạn sinh hoạt, cha mẹ không cho trẻ lại gần nơi có nguồn lửa, thực phẩm đun sôi. Trông chừng giám sát mọi sinh hoạt chơi đùa của trẻ trong những ngày tết vì trẻ thường hiếu động. Không để những vật dụng sắc nhọn gần tầm với của trẻ nhỏ. Nên che chắn cẩn thận những khu vực nguy hiểm như ban công, cầu thang, cửa sổ… phòng tránh trẻ té ngã.

Gia đình cẩn thận khi treo, trang trí trong nhà. Khi cho trẻ chơi bóng bay phải đề phòng vì khi nổ, chất khí bơm trong bóng bay có thể gây bỏng. Không cho trẻ ngậm, thổi  bóng trực tiếp vì những hóa chất công nghiệp tạo màu sắc có thể độc hại, gây nguy hiểm cho trẻ.

Đối với việc phòng ngừa hóc dị vật, phụ huynh cần lấy hết hạt khi cho trẻ ăn trái cây. Cho trẻ ăn thịt gà, thịt vịt, cần xé phay chứ không nên chặt miếng nhỏ. Không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn như: kẹo cứng,  đậu phộng, nho, sơri, các loại hạt, thạch rau câu…

Trẻ nhỏ nên được ngồi thẳng khi ăn, và tất cả các bữa ăn của trẻ phải được giám sát bởi người lớn; dạy cách nhai thức ăn kỹ, tránh việc la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc trong khi ăn.

Bac si canh bao tai nan, benh tat trong ky nghi tet
Để xa tầm tay trẻ các vật nhỏ mà chúng dễ dàng nuốt vào

Tuyệt đối không trao đồng xu và các vật nhỏ cho trẻ. Đặt đồ chơi có bộ phận nhỏ và đồ gia dụng nhỏ ngoài tầm với của trẻ. Nhận thức được hành động của trẻ lớn vì chúng có thể đưa những đồ vật nhỏ cho em.

Đặc biệt, những hạt trân châu trong món trà sữa đang gây “mưa gió” cả phụ huynh lẫn học sinh cũng là một món có nguy cơ cao, nhất là những hạt dai mềm, dễ bám dính có thể làm bít tắc đường thở, gây tử vong trong tích tắc.

Đặc biệt lưu ý, khi trẻ đã bị hóc dị vật, phụ huynh tuyệt đối không được dùng tay cố móc dị vật ra, vì như thế chỉ làm dị vật bị đẩy vào sâu hơn, rất nguy hiểm.

Tổng đài 0283.8295723 của BV Nhi Đồng 2 hoạt động 24/24. Tuy nhiên, khi có vấn đề về sức khỏe, phụ huynh nên đưa trẻ trực tiếp đến BV để được bác sĩ khám và tư vấn trực tiếp.

Xử trí ngộ độc thức ăn

Theo BV Nhi Đồng 1, nếu không trầm trọng, đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy không đáng kể, bệnh nhân có thể được theo dõi ở nhà, uống nhiều nước, dùng các thức ăn nhẹ, dể tiêu hóa. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc có khuynh hướng nặng hơn, nên đến BV để được kiểm tra.

Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, vã mồ hôi, đau bụng dữ dội, nôn ói liên tục, đi tiêu nhiều, phân có nhầy máu là những dấu hiệu đòi hỏi phải được các bác sĩ thăm khám và điều trị ngay. Cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Nếu có thể, nên mang mẩu thức ăn theo để tiện cho việc chẩn đoán và điều trị.

Đừng quên số 115

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nhắc nhở, người dân đừng quên Tổng đài 115 của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM luôn túc trực 24/24h. Số trạm vệ tinh hiện đã lên đến 29 trạm phủ khắp địa bàn thành phố. Tùy theo vị trí người gọi ở đâu, trung tâm sẽ điều phương tiện cấp cứu gần nhất hỗ trợ.

Bac si canh bao tai nan, benh tat trong ky nghi tet
Thể nghiệm xe gắn máy cứu thương tại TP.HCM

Ngoài xe ô tô cứu thương thường thấy, hiện đã triển khai thí điểm loại hình xe cấp cứu 2 bánh tại trạm Cấp cứu vệ tinh 115 của BV đa khoa Sài Gòn, với mong muốn rút ngắn hơn nữa thời gian tiếp cận người dân khi có nhu cầu cần được cấp cứu. Thời gian trung bình để bác sĩ tiếp cận người bệnh là 3-5 phút.

Theo bác sĩ Thượng, trong những ngày nghỉ tết, các BV vẫn duy trì trực trước đến nay. Hơn nữa, những hỗ trợ cấp cứu theo quy trình báo động đỏ vẫn phải bảo đảm trong những ngày nghỉ trong phạm vi từng BV và liên BV.

Cho trẻ tiêm ngừa sởi trước khi du xuân

Bên cạnh đó, bác sĩ Thượng cũng hết sức lưu ý trường hợp trẻ chưa tiêm ngừa sởi thì phụ huynh cần cho trẻ tiêm ngay theo lịch hẹn của trạm y tế.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong số 2.000 ca mắc sởi của thành phố có đến 95% người chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi. Trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 trẻ tại thành phố chưa được tiêm ngừa sởi. Và đây chính là lỗ hổng tiêm chủng khiến bệnh sởi gia tăng nhanh vào cuối năm 2018, đầu năm 2019.

Khó khăn hiện nay là nhận thức của nhiều phụ huynh không nhớ lịch tiêm nhắc của trẻ hoặc làm thất lạc sổ tiêm chủng. Nhiều người từ chối không đưa trẻ đi tiêm nhắc với lý do đã tiêm trước đó… thậm chí không ít trường hợp có tâm lý “anti-vaccine”.

Giải pháp của TP.HCM là tổ chức tiêm vét cho những trẻ chưa chích ngừa đủ mũi sởi trong độ tuổi từ 1-5 tuổi trên toàn địa bàn, không kể thường trú hay tạm trú. Thành phố rà soát toàn bộ trẻ độ tuổi này tại các trường mầm non, mời phụ huynh đưa con em đến trạm y tế để thực hiện tiêm vét. Thành phố cũng lên kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 5 tuổi đến khám bệnh tại BV Bệnh Nhiệt Đới và 3 BV nhi trên địa bàn.

Nghỉ tết, chứ không nghỉ tập thể dục

Bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh BV Nhân Dân 115 cũng lưu ý các bệnh lý đột quỵ trong những ngày vui xuân.

Thứ nhất, cần phòng ngừa tiên phát tai biến mạch máu não bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn Lipide máu, xơ vữa động mạch, rung nhĩ... Bên cạnh việc phải tuân thủ tốt chế độ điều trị đã có, cần ăn uống hợp lý tránh hoặc hạn chế bia rượu, thuốc lá, ăn mặn, thức ăn có nhiều mỡ, ăn ngọt... Và đừng quên, nghỉ tết chứ không nghỉ tập luyện mà vẫn phải duy trì việc tập thể dục thường xuyên.

Thứ hai, phòng ngừa tai biến thứ phát bằng cách tuân thủ chế độ điều trị tùy theo nguyên nhân, tập vật lý trị liệu, săn sóc toàn diện người bệnh ở các trường hợp có di chứng.

Thứ ba, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng gợi ý đến tai biến mạch máu não hoặc tái phát tai biến mạch máu não như nói ngọng hoặc không nói được, yếu hoặc tê nửa người, méo miệng, mờ mắt đột ngột… nên nhập viện sớm để có thể được điều trị tối ưu.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI