Bác sĩ cảnh báo: Đau tức ngực - dấu hiệu bệnh nguy hiểm

11/11/2016 - 07:14

PNO - Các bác sĩ khuyên, nếu có các cơn đau ngực kéo dài, lặp đi lặp lại, cần đi khám sớm. Trong trường hợp cơn đau đột ngột gia tăng cũng phải vào viện ngay vì đó thường là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm.

Bên cạnh những bệnh lý về tim mạch, đau tức ngực còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác.

Theo ThS-BS Phan Thái Sơn - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đau tức ngực là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải đi cấp cứu, chiếm gần 30% số bệnh nhân của khoa này. Bác sĩ Sơn cho biết, để xác định chính xác bệnh lý, bên cạnh việc xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, còn căn cứ vào độ tuổi, tiền sử bệnh, triệu chứng đi kèm… Với người dưới 30 tuổi, không có tiền sử tim mạch hay huyết áp, đau tức ngực thường do bệnh lý ngoài tim mạch.

Bệnh lý ngoài tim mạch gây tức ngực gồm có: đau dây thần kinh liên sườn, viêm sụn sườn, chấn thương, co cơ vì vận động quá sức… Chị Nguyễn Thu Thủy, 35 tuổi, nhân viên kế toán tại Q.3, TP.HCM bị nhói tức ngực nên đi khám, đo điện tâm đồ nhưng không phát hiện bệnh. Tình trạng đau ngực của chị càng tăng khi chị tham gia một lớp tập yoga.

Bac si canh bao: Dau tuc nguc - dau hieu benh nguy hiem

Chị Thủy đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược, các xét nghiệm, chụp chiếu cho thấy tim mạch của chị bình thường. Bác sĩ cho biết chị bị đau tức ngực do dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân đau ngực do dây thần kinh liên sườn thường cảm thấy đau trong các kẽ liên sườn lan ra theo tư thế vận động.

Trong các bệnh lý gây đau tức ngực, nguy hiểm nhất vẫn là bệnh tim mạch. Bác sĩ Nguyễn Thái An - Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết: “Đối với bệnh nhân bị đau tức ngực, cần quan tâm tới hoàn cảnh khởi phát cũng như cường độ đau. Chúng tôi xác định bệnh nhân đau cấp tính hay mãn tính. Đau cấp tính xảy ra đột ngột, dữ dội. Đau mãn tính thường âm ỉ, kéo dài. Nếu đau một chút rồi hết thì không đáng ngại, nhưng đau 15-30 phút cần phải lưu tâm”.

Trong các bệnh lý về tim mạch, nếu cơn đau kéo dài dưới 15 phút, có thể bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim nhẹ, còn đau trên 30 phút có thể là biểu hiện nhồi máu cơ tim. Các kiểu đau của mỗi bệnh lý cũng khác nhau. Đau nhói ngực kèm hồi hộp và toát mồ hôi là triệu chứng của tim; đau khó thở (muốn ngất) là kiểu đau của bệnh động mạch chủ (động mạch chính nuôi tim).

Hướng lan của cơn đau cũng rất quan trọng. Bệnh lý mạch vành thường đau ngực trái lan sang cánh tay trái, rồi lan lên cằm (thậm chí bị cứng hàm). Bệnh lý động mạch chủ thường đau từ ngực lan ra sau lưng rồi xuống bụng. Nếu bị phình động mạch chủ, u trung thất, bệnh nhân thường đau ngực âm ỉ.

Đau tức ngực còn là biểu hiện của bệnh lý ở phổi nên cần hết sức lưu ý. Khi bị chấn thương dẫn tới tràn dịch phổi, bệnh nhân sẽ đau tức ngực kèm theo sốt và khó thở. Một số người đau tức ngực, đi khám phát hiện bị u phổi. Ở những trường hợp này, khi u phổi nằm trong nhu mô phổi, triệu chứng chưa có. Đến khi khối u xâm lấn ra màng phổi, người bệnh mới thấy đau âm ỉ, hít mạnh sẽ đau hơn. Khi khối u di căn vào xương, ngoài đau tức ngực, còn kèm theo đau cột sống.

Các bác sĩ khuyên, nếu có các cơn đau ngực kéo dài, lặp đi lặp lại, cần đi khám sớm. Trong trường hợp cơn đau đột ngột có khuynh hướng gia tăng cũng phải vào viện ngay vì đó thường là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm, không điều trị kịp thời sẽ đe dọa tính mạng.

Khi bệnh nhân tới khám đau tức ngực, bác sĩ sẽ kiểm tra da, cơ xương, tim, phổi, màng phổi để ưu tiên truy tìm các bệnh lý đe dọa tính mạng bệnh nhân. Sau khi loại trừ những bệnh lý kể trên, bác sĩ sẽ hướng tới các bệnh lý như đau dây thần kinh liên sườn, đau dây thần kinh do zona.

Nếu vẫn không tìm ra bệnh, bệnh nhân được điều trị nâng đỡ về tâm lý. Một số người cảm thấy đau không phải do có bệnh mà chỉ vì ngưỡng chịu đau của họ thấp hơn bình thường.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI