Bác sĩ 9 chuyên khoa phối hợp cứu bệnh nhân bị gan 'chạy' lên ngực

06/05/2019 - 10:00

PNO - Biến chứng từ tai nạn giao thông cách đây hơn một tháng khiến cô H. suýt chết do vỡ cơ hoành phải, thoát vị gan lên ngực, tĩnh mạch chủ bụng tắc hoàn toàn, dập, rách gan, gãy nhiều xương sườn,…

Theo bệnh sử, tháng 4/2019, cô Đ.T.H. (52 tuổi, nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu) bị tai nạn giao thông gãy hai xương cẳng chân phải, tràn máu màng phổi phải, gãy nhiều cung sườn, dập rách gan. Khi đó, cô được phẫu thuật kết hợp xương cẳng chân phải, đặt dẫn lưu màng phổi phải. 

Hơn một tháng nằm viện nhưng cô H. vẫn cảm thấy mệt, khó thở tăng dần, hai chân sưng phù, tím lạnh nhưng vẫn được xuất viện. Vài ngày sau, cô gặp biến chứng khó thở, đau nhức, bệnh ngày càng nặng nên được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cấp cứu với tiên lượng nặng, có thể tử vong bất kỳ lúc nào.

Bac si 9 chuyen khoa phoi hop cuu benh nhan bi gan 'chay' len nguc
Sau mổ, cô H. đang dần hồi phục, sức khỏe ổn định

Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cô H. bị vỡ cơ hoành phải, gây thoát vị gan lên ngực, huyết khối tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ bụng, dập, rách gan hạ phân thùy VI, gãy xương sườn 8,9,10,11 phải, gãy 2 xương cẳng chân phải đã phẫu thuật kết hợp xương.

Ngay lập tức, các bác sĩ của bệnh viện đã tổ chức hội chẩn toàn viện khẩn với sự chủ trì của PGS.TS.BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cùng các chuyên khoa Lồng ngực – Mạch máu, Tim mạch can thiệp, Ngoại Gan - Mật - Tụy, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh, Phẫu thuật tim, Chấn thương chỉnh hình, Phục hồi chức năng thống nhất chia làm 2 ê-kíp phẫu thuật cho cô H.

Đầu tiên, ê-kíp bác sĩ Can thiệp tim mạch đặt lưới lọc vào tĩnh mạch chủ, ngăn cản khối máu đông đi lên tim phổi. Sau đó, ê-kíp Lồng ngực – Mạch máu tiếp tục mổ mở ngực, bụng, khâu tái tạo cơ hoành và đưa các tạng thoát vị về lại khoang bụng. Đồng thời, giải quyết các khối máu đông để lưu thông tĩnh mạch chủ dưới. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Sau hơn 20 ngày, cô H. đã hồi phục sức khoẻ, không còn khó thở, hai chân hết sưng và được xuất viện.

Bac si 9 chuyen khoa phoi hop cuu benh nhan bi gan 'chay' len nguc
Để mổ khẩn cho bệnh nhân, bác sĩ của 9 chuyên khoa đã có cuộc hội chẩn toàn khoa

ThS.BS. Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu của bệnh viện, trưởng ê-kíp phẫu thuật cho biết: “Vỡ cơ hoành do chấn thương rất ít gặp nhưng có tỉ lệ tử vong khá cao, từ 12 - 42%. Vỡ cơ hoành phải thường ít gặp hơn bên trái, nên dễ bị bỏ sót. 

Tĩnh mạch chủ dưới bụng có vai trò dẫn máu từ hai chân và phần dưới của cơ thể về tim, khi tĩnh mạch chủ bị tắc, máu bị ứ trệ dẫn đến hai chân bị sưng phù và có nguy cơ hoại tử. 

Ngoài ra, máu cục trong lòng tĩnh mạch có thể bong và trôi về tim, làm tắc mạch phổi gây suy hô hấp và nguy cơ tử vong cao. Cô H. có cùng lúc hai tổn thương rất nguy hiểm, kèm theo hậu quả của đa chấn thương khác gồm vỡ gan, gãy nhiều xương sườn…tình trạng suy kiệt sau thời gian dài. Nếu không nhanh chóng phẫu thuật khẩn, bệnh nhân sẽ tử vong bất kỳ lúc nào”

Các bác sĩ khuyến cáo, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ cao về chấn thương do tai nạn giao thông. Người bệnh thường nhập viện với tình trạng tổn thương đa cơ quan, biến chứng nặng nề. 

Với những chấn thương đa thương phức tạp, cần chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có nhiều chuyên khoa sâu, giúp chẩn đoán và điều trị chính xác, an toàn, kịp thời. 

Bên cạnh đó, mọi người cần lưu ý khi tham gia giao thông nên chấp hành luật, đội nón bảo hiểm chất lượng để hạn chế tối đa chấn thương trong trường hợp gặp rủi ro.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI