"Ăn đụng" - tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa?

15/09/2016 - 15:57

PNO - Lo thực phẩm chợ không an toàn, ám ảnh các nguy cơ sử dụng chất tạo nạc, thuốc an thần… phong trào “ăn đụng” đang trở thành “đối sách” của nhiều gia đình từ nông thôn tới thành thị.

Quanh năm ăn thịt đông lạnh

Hơn hai năm nay, dù gia đình có đến bốn miệng ăn nhưng gia đình chị Nguyễn Mai Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) gần như không hề phải đi chợ. Ngoài việc “đặt hàng” người thân trồng rau sạch ở quê, chị cũng không mua thịt lợn ở chợ mà tìm đến tận các hộ chăn nuôi. Mỗi khi chọn được con lợn ngon, chị rủ anh em, bạn bè cùng “ăn đụng” - chia nhau để “gánh” hết lượng thịt của con lợn.

Nhóm “ăn đụng” của chị có bốn-năm gia đình. Với con lợn khoảng một tạ, mỗi gia đình nhận một phần khoảng 15-20kg thịt và xương. Tuy không phải trải qua khâu trung gian của người bán tại chợ, nhưng chị Hương cho biết, việc “ăn đụng” chỉ giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm chứ không hề tiết kiệm về mặt chi phí: “Vì là lợn sạch nên giá chúng tôi mua cũng cao, từ 55.000-65.000đ/kg lợn hơi. Sau đó, phải mất thêm 400.000đ thuê người giết mổ".

Để bảo quản thịt sau mỗi lần mổ lợn chung, chị Hương phải đầu tư thêm một chiếc tủ đông mới có chỗ trữ thịt. Mẻ thịt này gần hết, chị lại phải lo tìm mẻ thịt mới. Cũng vì vậy, suốt hơn hai năm qua, hầu như gia đình chị luôn phải ăn thực phẩm đông lạnh. Biết là thịt đông lạnh kém ngon so với thịt tươi sống nhưng vì muốn ăn sạch chị Hương đành chấp nhận.

Nhiều người tiêu dùng đầu tư cả tủ bảo ôn để phục vụ "ăn đụng"

Không chỉ dân Hà Nội, tại nhiều vùng nông thôn, phong trào “ăn đụng” cũng khá rầm rộ vì người dân mất niềm tin vào thực phẩm bán tại chợ. Gia đình chị Lan Anh (Tích Giang, Phúc Thọ) cùng nhóm bạn từ sáu-tám gia đình cũng thường tự mổ lợn vào những ngày cuối tuần. Lợn do họ đặt hàng từ những hộ chăn nuôi, yêu cầu cam kết nuôi lợn hoàn toàn bằng rau, cám, tuyệt đối không sử dụng cám công nghiệp. “Có thời điểm khan hàng, chúng tôi phải tìm một hộ tương đối có uy tín nhờ nuôi, sau đó mang về nhà nuôi thêm mộthai tháng cho “nhả cám”, thải hết những chất độc nếu có rồi mới mổ”, chị Lan Anh chia  sẻ.

Trước nỗi lo thịt bẩn bủa vây, đặc biệt sau khi Bộ NN-PTNT công bố tiếp tục phát hiện thêm hóa chất tạo nạc mới sử dụng trong chăn nuôi, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hội, nhóm “ăn đụng” thực phẩm. Ngoài thịt lợn, các nhóm này còn tổ chức “ăn đụng” thịt trâu, thịt bò. Trên nhóm hội đụng - thực phẩm an toàn, lợn hữu cơ được quảng cáo không sử dụng thức ăn công nghiệp, hóa chất bảo quản, chất tạo nạc…

Mỗi suất “ăn đụng” là 5kg, được bán với giá 710.000đ. Dù giá này đắt hơn hẳn so với giá thịt ở ngoài chợ (vì có cả những phần thịt, xương giá rẻ) nhưng cứ đều đặn từ ba-năm ngày, hội này lại tổ chức mổ một con lợn với khoảng 10 suất “ăn đụng”. Sau khi đăng ký, thịt được cho vào bao hút chân không, chuyển miễn phí đến các hộ trong nội thành Hà Nội.

 An toàn kiểu... hên xui

Hưởng ứng phong trào “ăn đụng” đã nửa năm nay, anh Lê Thanh Tùng (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, việc “ăn đụng” không đơn giản, thậm chí khá vất vả. Vì không gian nhỏ hẹp nên mỗi lần mua lợn, các gia đình không thể mổ tại nội thành mà phải mang về quê giết mổ. “Sau khi mổ, lại phải đóng gói thành các suất sao cho thật đều, tránh việc các hộ tham gia tị nạnh phần ngon, không ngon. Thông thường, chúng tôi không về nhà được ngay nên phải mua nhiều đá, thùng xốp để bảo quản thịt”, anh Tùng nói.

Tuy nhiên, cái khó nhất với việc “ăn đụng”, theo anh Tùng, là tìm được nguồn thịt sạch thật sự. Nhóm “ăn đụng” của anh từng phải bỏ nguyên một con lợn vì có mùi hoi nồng tới mức không thể ăn được. Anh kể: “Đó là con lợn tôi nhờ bạn đặt từ Hòa Bình chuyển về. Khi nấu lên, không những thịt hoi mà trên mặt nước luộc còn đùn ra cả tảng bọt màu nâu rất dày. Không biết thịt gặp vấn đề gì nên các gia đình trong nhóm đều bỏ, không ăn”. Đây cũng là thực tế của không ít trường hợp mua thực phẩm theo kiểu “ăn đụng”.

Khi mua lợn, người mua chỉ nghe qua giới thiệu và… tin là chính chứ không thể kiểm soát được quy trình chăn nuôi có đúng như quảng cáo không. Không chỉ “mù mờ” về nguồn gốc, việc thuê người hay tự mổ súc vật không tuân theo các quy định về vệ sinh cũng là một trong những vấn đề đáng lưu tâm. Nếu xả thịt trên nền gạch, nền đất, bảo quản thịt sau mổ không đúng cách… có thể khiến thịt bị nhiễm khuẩn.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cảnh báo, nếu miếng thịt bị nhiễm khuẩn, sau khi đưa vào cấp đông, một số loại vi khuẩn không bị tiêu diệt mà vẫn sống bình thường hoặc ở trạng thái “bất hoạt”. Sau khi rã đông, vi khuẩn sẽ trở lại hoạt động, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chia sẻ, sai lầm của nhiều người tiêu dùng là không chia nhỏ thịt và đóng gói thành từng túi: “Việc mỗi hôm lấy một ít thịt ra để thái sẽ làm vi khuẩn dễ dàng xâm nhập trở lại, ảnh hưởng đến sức khỏe”. Dù thừa nhận việc sử dụng thực phẩm đông lạnh là xu hướng không thể tránh trong xã hội hiện đại, nhưng BS Hưng vẫn khuyến khích các gia đình nên chọn thức ăn tươi sống, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo độ tươi ngon cho các bữa cơm gia đình.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI