Tiêu trừ đàm ẩm

13/03/2017 - 21:24

PNO - Trong Ðông y, đàm ẩm là sản phẩm bệnh lý, dễ gây thêm những chứng bệnh mới chứ không chỉ có ho khạc ra đàm.

Nguồn gốc sinh đàm ẩm là do tân dịch ngưng tụ mà thành, gây ra hen suyễn, lợm giọng, nôn mửa, tức ngực, sốt, ho, sôi bụng, miệng khô, ăn kém…

Đàm ẩm sinh bệnh

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TP.HCM: “Đàm ẩm sau khi hình thành sẽ theo khí đi đến tạng phủ làm ảnh hưởng sự vận hành khí huyết, sự thăng giáng của khí, gây ra nhiều chứng bệnh ở khắp cơ thể”.

Phạm vi gây bệnh của đàm rất rộng, biến hóa của bệnh cũng phức tạp. Có thể phân chia: đàm thấp, đàm táo, đàm nhiệt, phong đàm. Người bệnh có các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt; táo bón, đau họng; đau xương, ho ra đàm lỏng; người yếu, mệt mỏi…

Tieu tru dam am

Nghiêm trọng hơn, có thể đột nhiên khò khè, miệng méo, mắt lệch; lưỡi cứng không nói được, hôn mê, sùi bọt mép (động kinh) nếu mắc phong đàm. Ngoài ra, khi mắc bệnh màng phổi ứ nước (Đông y gọi là huyễn ẩm), người bệnh bị đau mạng sườn, ho khó thở, đau liên sườn; đau người, nặng nề; mặt, tay chân phù; sợ lạnh.

Các vị thuốc trừ đàm chũng chia năm loại: táo thấp hóa đàm, nhuận táo hóa đàm, thanh nhiệt hóa đàm, trừ hàn hóa đàm, trừ phong hóa đàm. Táo thấp hóa đàm do tỳ dương không mạnh, vận hóa thất thường, thủy thấp đình lại, tích tụ thành đàm.

Từ đó xuất hiện các chứng: đàm trắng dễ khạc, lợm giọng, ngực tức, chân tay mỏi mệt, chóng mặt hồi hộp, rêu lưỡi trắng, trơn dính, mạch hoãn. Điều trị bằng các vị thuốc đắng ấm để táo thấp như: trần bì, bán hạ phối hợp với phục linh.

Bài thuốc dễ làm

Lương y Nghĩa lưu ý: Khi dùng các bài thuốc trừ đàm phải chú ý: khi ho và đàm có thiên hướng ra máu thì không nên dùng các bài thuốc ôn táo trừ đàm. Khi ho và đàm do ngoại cảm thì phải phối hợp thuốc tuyên phế giải biểu với thuốc trừ đàm. Ngoài ra, còn có những vị thuốc dễ dùng để trị chứng đàm trong họng là: cắt vài lát gừng mỏng và một lát cam thảo cho vào nước sôi uống mỗi ngày.

 
Tieu tru dam am

Lấy hai-ba lát gừng tươi và bốn-năm hạt lười ươi (còn gọi là an nam tử) cho vào nước sôi, thêm ít đường phèn hoặc mật ong, uống hàng ngày theo cách uống từng ngụm. Bài thuốc này trị đàm quánh trong cổ họng không nói được, viêm họng hạt, ho hen, khàn tiếng. Cũng có thể dùng thạch nha đam chừng 1/2 lá, thêm ba lát gừng tươi và một-hai muỗng cà phê mật ong để chữa đàm nhiệt, táo bón, hoa mắt, nhức đầu, khó ngủ.

Tieu tru dam am
Hạt lười ươi

Nhiều người cũng truyền tai nhau cách chưng hành tím ăn mỗi ngày sẽ giúp tiêu đàm trong họng, nhung lương y Nghĩa cho rằng, nếu dùng mỗi mình hành tím thì chỉ giúp ra mồ hôi, thông mũi chứ không làm tan đàm được. Phải kết hợp hành tím với gừng chưng lên, ăn mỗi ngày một lần, liên tục trong 7-10 ngày.

Với những thông tin khuyên nên kiêng ăn cam, uống sữa, kem đá lạnh, đậu xanh, dưa giá, khổ qua, nước cốt dừa… vì cho rằng đó là những thứ tạo ra đàm; lương y Nghĩa khẳng định: “Các chống chỉ định này không có cơ sở, không cần kiêng khem gì cả. Chỉ cần dùng những bài thuốc đơn giản, dễ làm, nam nữ già trẻ đều ứng dụng được. Riêng phụ nữ có thai và trẻ nhỏ thì cần có sự tư vấn của thầy thuốc”.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI