80% cơ sở y tế lưu trữ vắc-xin không đảm bảo

18/07/2016 - 12:52

PNO - Ngày 17/7, sở Y tế TP. HCM công bố kết quả kiểm tra công tác an toàn tiêm chủng năm 2016 tại 10 cơ sở y tế trên địa bàn TP.

Ngoài các phòng khám tư, ngay cả bệnh viện lớn, trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) uy tín cũng sai phạm.

Kế hoạch kiểm tra kéo dài từ ngày 19/5 - 16/6/2016 tại hai bệnh viện (BV) nhà nước (gồm BV Nguyễn Tri Phương, BV Hùng Vương), ba BV tư (BV Vạn Hạnh, BV An Sinh, BV Gaya Việt Hàn), hai phòng khám tư (phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ, phòng khám đa khoa Nancy), hai TTYTDP quận Thủ Đức, Gò Vấp và TTYTDP TP.HCM. Nội dung kiểm tra bao gồm: hồ sơ pháp lý, điều kiện nhân sự tham gia tiêm ngừa, tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, biểu mẫu và tài liệu chuyên môn, dây chuyền lạnh, bảo quản vắc-xin, thực hành tiêm chủng.

Tại phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ, đoàn kiểm tra phát hiện trong hộp thuốc cấp cứu để chống sốc cho bệnh nhân sau tiêm của phòng khám này chứa thuốc hết hạn sử dụng. Cụ thể là thuốc hydrocotison và adrenaline - vốn là hai loại thuốc cơ bản nhất dùng cho những ca bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin. Đã không có thuốc chống sốc, phòng khám này cũng không có quy trình hướng dẫn xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế. Ngoài ra, quy trình xử lý sự cố nếu mất điện thực hiện không đúng. Nhân viên sắp xếp vắc-xin trong tủ lạnh chưa đúng.

80% co so y te luu tru vac-xin khong dam bao
Bảo quản tốt vắc-xin còn là đạo đức nghề y

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện tủ lạnh đang trữ vắc-xin Engerix B (ngừa viêm gan siêu vi B) và Adacel (ngừa bệnh bạch hầu) ở ngăn cuối cùng nhưng ở 0 độ C, thay vì phải dưới 0 độ C. Bệnh nhân đến chích ngừa chưa được thực hiện phiếu khám sàng lọc theo hướng dẫn của Sở Y tế. Nhân viên chích ngừa ghi chép sổ quản lý vắc-xin từ nhiệt độ giao - nhận chưa đúng. Phòng khám Nancy cũng sắp xếp vắc-xin chưa đúng, treo rèm không đảm bảo vô khuẩn khi tiêm chủng, quy trình xử lý sự cố mất điện không đúng.

Đặc biệt, các BV tư không thực hiện khám sàng lọc đúng theo quy định. Đơn cử như tại BV An Sinh, đoàn kiểm tra phát hiện khu tiêm chủng không có nhiệt kế trong 3/10 tủ lạnh để theo dõi chất lượng vắc-xin. BV này cũng chưa thực hiện khám sàng lọc theo quy định. BV Vạn Hạnh thiếu một số phương tiện cấp cứu khi có phản ứng sau tiêm, chưa xây dựng các bước sẵn sàng cấp cứu nhi. Nhân viên y tế chưa thực hiện khám sàng lọc, không có bảng theo dõi nhiệt độ hàng ngày. Quy trình xử lý sự cố khi mất điện chưa đúng. BV Gaya Việt Hàn cũng chưa khám sàng lọc, quy trình xử lý sự cố khi mất điện chưa đúng. BV này chưa có quy trình vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc-xin đúng về xuất - nhập và tồn kho. Nhân viên y tế sắp xếp vị trí vắc-xin trong tủ lạnh chưa đúng quy định.

Ngoài các cơ sở tư nhân, ngay cả các BV lớn cũng sai phạm. Điển hình là BV Nguyễn Tri Phương bảo quản chung vắc-xin tiêm chủng mở rộng với vắc-xin dịch vụ. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện tủ lạnh bảo quản vắcxin chưa đạt yêu cầu, nhiệt độ tại thời điểm kiểm tra lên đến 2-8 độ C, cao hơn giới hạn quy định. Tại BV Hùng Vương, diện tích phòng tiêm không đúng quy định, bốn bàn tiêm bố trí trong một phòng (quy định một phòng tiêm diện tích tối thiểu là 8m2/bàn tiêm). Đoàn cũng phát hiện một tủ lạnh không thực hiện bảng theo dõi nhiệt độ, một tủ lạnh bảo quản vắc-xin nhưng nhiệt độ tại phòng tiêm lên đến 13 độ C. Dù là BV đông trẻ chích ngừa nhưng chưa hướng dẫn chăm sóc, theo dõi phản ứng sau tiêm. Sổ tiêm chủng của trẻ chưa đóng dấu cơ sở tiêm chủng và hẹn ngày tiêm tiếp theo.

Đáng báo động nhất là hệ thống TTYTDP vốn là cơ sở y tế tiên phong trong tiêm chủng cũng sai phạm. TTYTDP Q.Thủ Đức vi phạm đơn thuần do thiếu một số phương tiện cấp cứu, chưa có phòng cấp cứu chuyên biệt, chưa điền tên đầy đủ ở phiếu khám sàng lọc, chưa có quy trình tiếp nhận - vận chuyển - bảo quản - cấp phát vắc-xin. Trong khi TTYTDP Q.Gò Vấp không có khu vực theo dõi sau tiêm, nhiệt độ ở hai tủ lạnh bảo quản vắc-xin chỉ là tủ lạnh gia đình, nhiệt độ lên đến 14 độ C và 16 độ C.

Tủ lạnh và phích bảo quản vắc-xin có nấm mốc, kho vắc-xin bị ánh sáng mặt trời chiếu vào. Nhân viên ghi chép sổ quản lý không ghi lô, hạn dùng vắc-xin. Đặc biệt, nhân viên tiêm chủng cũng không ghi tên vắc-xin tiêm chủng, ngày hẹn tiêm vào sổ tiêm cho trẻ. Đáng buồn nhất là TTYTDP TP.HCM - nơi cung ứng vắc-xin cho các cơ sở lại dùng nhiệt kế chưa chuẩn để theo dõi vắc-xin…

Đoàn kiểm tra kết luận: tất cả các cơ sở có đầy đủ hồ sơ pháp lý, đủ điều kiện tiêm chủng, nhân viên tiêm chủng đều có giấy chứng nhận an toàn tiêm chủng.Tuy nhiên, đến 40% cơ sở không đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, có 40% cơ sở không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, 70% cơ sở không đảm bảo về thực hiện, ghi chép đầy đủ thông tin theo mẫu phiếu khám sàng lọc. Và đến 80% cơ sở xảy ra sai phạm về dây chuyền lạnh mà cụ thể là tủ lạnh bảo quản vắc-xin. 60% cơ sở sắp xếp vắc-xin không đúng quy định (vì theo quy định, vắc-xin sống để gần nguồn lạnh, vắc-xin bất hoạt và loại khác thì để xa dần nguồn lạnh. 12% cơ sở không có nhiệt kế trong tủ lạnh. 37% cơ sở không thực hiện bảng theo dõi nhiệt độ hàng ngày, 25% cơ sở có vắc-xin tiêm chủng mở rộng bảo quản chung với vắc-xin dịch vụ. 37% cơ sở vệ sinh tủ lạnh không tốt, tủ còn đọng nước, bụi bẩn, nấm mốc...

Ngoại trừ vụ ba trẻ sơ sinh sau tiêm vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B tử vong ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị vào tháng 7/2013 đã được xác định rõ nguyên nhân do nhân viên y tế tiêm nhầm thuốc sản khoa, thì hầu hết các ca tử vong sau khi tiêm chủng đều không ghi nhận do vắc-xin gây ra. Nhiều hội đồng chuyên khoa được lập ra và nhiều kết luận cũng cho rằng do trẻ mắc bệnh bẩm sinh như tim mạch, hô hấp, Down hay thậm chí không tìm ra nguyên nhân thì nghĩ do cơ địa! Còn nhân viên chích ngừa đều được tập huấn và có giấy chứng nhận hẳn hoi, cơ sở cũng bảo quản tốt vắc-xin và tiêm chủng đúng quy trình.

Nghe kết luận, một số gia đình cho rằng cái chết mang tính hên xui, một số cha mẹ thì cảm thấy oan ức và chỉ biết than khóc. Còn nhân viên y tế, qua nhiều sự vụ liên quan đến vắc-xin nhưng dường như vẫn còn thờ ơ vì chưa xảy ra với họ.

Kết quả kiểm tra công tác chích ngừa của Sở Y tế vừa qua là tiếng chuông báo động khi hầu hết các cơ sở bị kiểm tra công tác tiêm chủng đều “đụng đâu sai đó”. Dù những sai phạm có thể chưa gây chết người nhưng liệu vắc-xin đã chích cho hàng triệu trẻ từ bấy lâu nay có có an toàn? Vắc-xin có còn chất lượng để ngừa bệnh? Và nếu một trẻ bị tử vong do vắc-xin không được bảo quản tốt, có lẽ lại đổ thừa do cơ địa.

Võ Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI