5 phút giành giật với tử thần của 'Biệt đội cứu người'

29/08/2017 - 13:26

PNO - 5 phút trước khi đến được cổng bệnh viện, cụ ông rơi vào tình trạng ngưng tim ngưng thở.

Giữa đêm khuya, ông Dương Văn Thanh (71 tuổi, nhà ở quận 6, TP.HCM) được gia đình đưa đi cấp cứu vì khó thở đột ngột. Quãng đường di chuyển từ nhà đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương quá xa, giữa đường bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim.

Chỉ còn 5 phút đến cổng bệnh viện, nhưng ông đã ngã gục xuống băng ghế taxi, cơ thể tím tái. Người nhà lay gọi nhưng ông không phản ứng.

Theo nhận định của các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, lúc này bệnh nhân đã rơi vào trạng thái ngưng tim, ngưng thở.

5 phut gianh giat voi tu than cua 'Biet doi cuu nguoi'
Bệnh nhân Dương Văn Thanh, ở quận 6, TP.HCM được hồi sinh nhờ thao tác nhanh nhẹn của Đội phản ứng nhanh Code Blue Bệnh viện Nguyễn Tri Phương


Bệnh nhân nhập viện khi đồng hồ điểm 1g10 sáng 12/8. Đội cấp cứu phản ứng nhanh tên Code Blue gồm các bác sĩ của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương liền tiến hành hồi sức tim phổi cho ông.

Kết quả chụp mạch vành sau đó xác định 3 nhánh mạch máu nuôi tim bị hẹp rất nặng, trong đó một nhánh bị tắc hoàn toàn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tim, từ đó xuất hiện các cơn nhồi máu cơ tim, gây nên tình trạng ngưng tim ngưng thở. 

Các bác sĩ cấp cứu nhanh chóng thực hiện các động tác nhấn tim, bóp bóng giúp thở. Kết quả đo điện tim phát hiện tình trạng vô tâm thu (sóng điện tim là đường thẳng cho thấy tim đã ngưng đập).

15 phút hồi sức tim giúp tim đập trở lại, sự sống được hồi sinh. Ông cụ được đặt nội khí quản giúp thở và được chuyển lên khoa Tim mạch can thiệp để điều trị mạch vành. Tình trạng ngưng tim được xác định là do tình trạng nhồi máu cơ tim cấp ở phần dưới quả tim.

Trong quá trình nằm viện, bệnh nhân nhiều lần lên cơn loạn nhịp tim phải thực hiện sốc điện nhiều lần. Sau khi được đặt 2 stent mạch vành, sức khỏe ông ổn định và được xuất viện.

5 phut gianh giat voi tu than cua 'Biet doi cuu nguoi'
 

Bác sĩ Nguyễn Quang Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết ông cụ rất may mắn khi quả tim ngừng đập chỉ trong vòng 5 phút trước khi đến cổng bệnh viện.

Nếu trễ hơn, khả năng cứu sống rất khó khăn. Bệnh nhân được hồi sức tim phổi nhanh chóng, ngoài quy trình báo động đỏ, còn có vai trò của đội phản ứng nhanh Code Blue của bệnh viện.

Trong đội phản ứng Code Blue luôn có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và 1 nhân viên mang máy sốc điện. Trong vòng 5 phút khi có bệnh nhân nhập viện được phát hiện ngưng tim, ngưng thở, đội Code Blue sẽ xuất hiện để thực hiện hồi sức tim phổi.

Đội phản ứng nhanh Code Blue của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương "ra đời" vào tháng 7/2017, mang theo kỳ vọng sẽ thực hiện việc cứu người một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, không để lãng phí thời gian vàng.

Mô hình  đội phản ứng nhanh cấp cứu nội viện Code Blue hiện nay đang được triển khai tại nhiều bệnh viện tại TP.HCM như: Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương…


Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI