4 loại ma túy mới đang trở thành 'sát thủ' tàn phá giới trẻ

17/09/2018 - 18:52

PNO - 4 loại ma túy mới này có sức tàn phá cơ thể không thua kém các loại cũ. Nguy hiểm hơn, 3/4 loại ma túy mới này vẫn còn nằm ngoài danh mục chất cấm tại Việt Nam.

Nấm thần: kẻ "giết người" chưa có thuốc trị

Nấm thần là loại ma túy mới rộ lên gần đây tại Việt Nam. Với thế giới, chất gây nghiện trong loại nấm này là rất cũ, thậm chí là cổ xưa. Trong tài liệu khảo cổ cho thấy nấm thần được sử dụng trong các nghi thức tôn giáo từ thời tiền sử. Chất gây nghiện trong nấm thần là psilocybin được chiết xuất từ nấm Psilocybe vào năm 1959 và sau đó bị cấm sử dụng vào năm 1965. Chất này bị đưa vào danh mục chất cấm sử dụng vào năm 1995.

4 loai ma tuy moi dang tro thanh 'sat thu' tan pha gioi tre
Nấm thần được trồng, thu hoạch và rao bán rất nhiều trên mạng xã hội tại Việt Nam

Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, loại ma túy này bất ngờ "sống" lại, trở thành trào lưu mới của giới trẻ.

Mới đây nhất, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã tiếp nhận một thanh niên 19 tuổi ở Kiên Giang ngộ độc loại ma túy này.

Bố mẹ của thanh niên này trong một lần xem tivi phát sóng về loại ma túy nấm thần đã tá hỏa khi thấy cậu con trai có những dấu hiệu tương tự. Thanh niên này thú nhận đã bỏ ra 500 nghìn đồng mua nửa tai nấm và sử dụng một lần. Một tuần sau, thanh niên này nhìn thấy nhiều hình ảnh sống động. Nhưng 3 tháng sau, cậu liên tục rơi vào tình trạng khó ngủ, bồn chồn lo lắng, nhức đầu.

4 loai ma tuy moi dang tro thanh 'sat thu' tan pha gioi tre
Nấm thần được chia nhỏ cho vào bao bì để dễ rao bán

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, chuyên gia trong lĩnh vực các chất gây nghiện cho biết: "Nấm thần có tên khoa học là Psilocybe pelliculosa. Tùy theo nồng độ chất psilocybin, người sử dụng sẽ có các triệu chứng như ảo thị, mắt lờ đờ trắng dã, mù tạm thời do đồng tử giãn, bị kích thích thần kinh, vã mồ hôi, nôn ói, rối loạn nhịp tim và huyết áp, mất ngủ…

4 loai ma tuy moi dang tro thanh 'sat thu' tan pha gioi tre
Một cây nấm thần tại Việt Nam

Hiện loại ma túy này chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, thường cai nghiện như khi nghiện ma túy đá. Một trong những lý do khiến nấm thần hết sức nguy hiểm là vì có đến 200 loại nấm khác nhau cùng một họ và đều có chứa chất psilocybin. Mỗi loại lại có mức độ gây độc khác nhau nên dễ gây nhầm lẫn và ngộ độc.

Lá Kratom: ma túy ẩn mình dưới viên thuốc bổ

Đến tháng 1/2018, cây Kratom và các hoạt chất của nó vẫn chưa có trong danh mục cấm tại Việt Nam và trong Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các chất ma túy, chất gây nghiện. Kratom bị cấm sử dụng ít nhất tại 16 quốc gia và tại Mỹ từ tháng 10/2016 vì có đến 36 trường hợp tử vong liên quan đến nó. 

4 loai ma tuy moi dang tro thanh 'sat thu' tan pha gioi tre
Lá Kratom có chứa chất gây nghiện

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển phân tích, sự nguy hiểm của lá Kratom chính là nó ẩn mình dưới hình dạng viên thuốc bổ, được quảng cáo là thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên dùng chữa đau nhức. Điều này gây ngộ nhận là nó… vô hại.

Hoạt chất có trong cây Kratom là mitragynine và 7-hydroxymitragynine (7-HMG), với liều thấp có tác động kích thích, liều trung bình có tác động giảm đau và liều cao gây hiệu ứng khoái cảm tương tự như thuốc phiện, gây co giật, suy gan và dẫn đến tử vong. Khi ngưng sử dụng cũng có hội chứng cai giống hội chứng cai của thuốc phiện. Trên thế giới có ít nhất 44 trường hợp tử vong do sử dụng Kratom.

4 loai ma tuy moi dang tro thanh 'sat thu' tan pha gioi tre
Chất gây nghiện này thường được bán dưới dạng viên thuốc bổ

Đáng lưu ý, Kratom (còn gọi là Ketum) thuộc họ cây cà phê, lại có xuất xứ rất gần với Việt Nam. Loại cây này xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Papua New Guinea và được sử dụng trong y học cổ truyền tại các quốc gia này từ nhiều thế kỷ trước. 

Dân bản địa thường nhai lá Kratom để tăng sự tỉnh táo, tăng khả năng vận động thể chất. Hiện chưa ghi nhận Kratom được phân phối chính thức tại Việt Nam, có thể về dưới dạng hàng xách tay. 

N-Ethylpentylone: độc dược mạnh hơn thuốc lắc

N-Ethylpentylone là loại ma túy mới, nguy hiểm vì nó có hình dạng như một viên thuốc lắc. Nhưng nếu sử dụng như kiểu thuốc lắc là dùng với rượu sẽ gây ngộ độc. Một vụ ngộ độc tập thể 13 người tại New Zealand theo kiểu phối hợp này đã từng xảy ra.

Chất N-Ethylpentylone là dẫn xuất của cathinone nhưng trong khi cathinone và thuốc lắc MDMA là chất cấm thì nó vẫn còn nhởn nhơ bên ngoài. Tác dụng của chất này còn mạnh hơn cả thuốc lắc theo tỷ lệ: 100mg MDMA (thuốc lắc) chỉ mới bằng 30mg N-Ethylpentylone.

4 loai ma tuy moi dang tro thanh 'sat thu' tan pha gioi tre
 

Ma túy N-Ethylpentylone dưới hình dạng những viên thuốc lắc đã được ghi nhận tại Việt Nam theo cảnh báo của Bộ công an vào tháng 7/2018.

Theo Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, thuốc lắc hiện nay không chỉ chứa chất MDMA nữa mà có thể chứa N-Ethylpentylone (mạnh hơn MDMA) hoặc bị lẫn tạp chất là Para-methoxyamphetamine (PMA). PMA là một chất gây ảo giác rất mạnh và rất độc trên hệ thần kinh, làm thân nhiệt tăng rất cao và làm tăng nhịp tim với liều rất thấp. Khi PMA kết hợp với MDMA hoặc với thuốc chống trầm cảm có thể dẫn đến tử vong.

Minh chứng cho sự nguy hiểm của những viên thuốc lắc là một vụ ngộ độc xảy ra với 6 thanh niên tại TP.HCM vào năm 2017. 6 người này cùng uống rượu và sử dụng thuốc lắc. 2 người trong số đó vào viện trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, được cấp cứu - hồi sức thành công. Sau đó, 1 người được cứu sống, 1 người chết não, 4 người còn lại thì bình an vô sự. Lý do cho việc thoát nạn này là 4 người mua thuốc lắc ở một nơi khác với nơi cung cấp thuốc lắc cho 2 người kia.

Cỏ Mỹ: Kẻ giết người nằm ngoài vòng pháp luật

Tháng 7/2018, Bộ Công an cho biết: "Viện Khoa học hình sự và các Phân viện khoa học hình sự tại TP.HCM, Đà Nẵng đã phát hiện hai tiền chất ma túy mới có tên N-Ethylpentylone trong các mẫu viên nén màu hồng và 5FR-MDMB-PICA trong mẫu thảo mộc khô cắt nhỏ. Cả 2 loại ma túy này chưa được đưa vào danh sách chất cấm sử dụng tại Việt Nam".

4 loai ma tuy moi dang tro thanh 'sat thu' tan pha gioi tre
5FR-MDMB-PICA trong mẫu thảo mộc khô cắt nhỏ được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 7/2018.

Theo Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, chất 5FR-MDMB-PICA được tổng hợp tại Đức vào năm 2009 và vẫn còn trong vòng thử nghiệm. Tuy vậy, vào tháng 7/2016, cảnh sát Đức đột kích 1 cửa hàng bán các gói cần sa và tịch thu 216 gói có bao bì màu sắc sặc sỡ với các nhãn hiệu: “AK‐47”, “Dead Man Walking”, “Joker”, “Supernova”. Kết quả phân tích cho thấy có chứa 5FR-MDMB-PICA.

4 loai ma tuy moi dang tro thanh 'sat thu' tan pha gioi tre
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM

Do được tẩm vào các mẫu thảo mộc khô nên 5FR-MDMB-PICA còn được gọi là cỏ Mỹ mới. Chất này cũng được gọi là cần sa tổng hợp vì trong công thức có vòng indol nhưng lại tác động mạnh hơn cần sa.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI