16 cuộc chiến tìm con: "Bác sĩ có nhầm không? Em vẫn có thai?"

07/04/2017 - 17:41

PNO - Nghe bác sĩ thông báo có thai, chị sững người không nói được gì, điện thoại rớt xuống nền nhà, bể nát màn hình… Chị tự nói có phải là mơ không, nước mắt chị trào ra vì… sắp được làm mẹ.

Lần đầu cảm giác được ốm nghén

Tháng 6/2016, chị Trinh tiếp tục được các bác sĩ Vũ Quan Ngọc, Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM châm cứu Đông y thêm khoảng 12 ngày để chuyển phôi trữ đông. Chuyển phôi nhưng chị không hy vọng! Chị trở về nhà trong tâm thế… chuẩn bị tinh thần sẽ đi chuyển phôi lần thứ 17. Nhưng…

Lần này một nhân viên của bệnh viện điện thoại thông báo chị có thai. Chị không tin. Chị hỏi đi hỏi lại “Chị ơi, chị có nhầm người không?”, “Chị… chắc không? Vì em không thể có thai được!”.

Những câu hỏi dồn dập khiến nhân viên thông báo cũng bị thiếu tự tin, họ phải đọc đi đọc lại hồ sơ, họ tên chị, họ tên chồng chị, nhóm máu, chứng minh nhân dân, ngày chị chuyển phôi,…

Nghe hạnh phúc gọi tên mình, chị sững người không nói được gì, điện thoại rớt xuống nền nhà, bể nát màn hình. Hơn 10 phút sau chị mới có thể định thần, gọi lại cho phòng khám xin lỗi vì đã im lặng, nhưng chị bất ngờ quá, hạnh phúc quá không thể biết gì xung quanh.

Chị cười: “Cứ như là bị chết ngất, tôi không còn thấy được gì, chỉ nghe bên tai là mình có thai. Tôi có thai rồi, tôi đã có thai, tôi như được nhấc bổng lên, sung sướng lắm, tôi không biết nói làm sao để tả lại cảm giác lúc đó.”.

16 cuoc chien tim con:
 

Đậu thai đã là cả hành trình mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng dưỡng thai chờ sinh nở với chị Võ Trinh (33 tuổi, ngụ TP.HCM) càng gian nan hơn. Chị phải cùng con vượt qua 6 cuộc thử thách, có lúc dường như cả chị và con đều đối mặt với tử thần.

Nhưng hai chiến binh mạnh mẽ này luôn đồng hành cùng nhau vượt qua tất cả.Sau bao nhiêu đau khổ và nước mắt, chị Trinh đã có được cảm giác của thai nghén. Thế nhưng đây chỉ mới là mở đầu cho chuỗi thách thức của người phụ nữ mạnh mẽ này.

Mang thai với chị không một phút dễ dàng. Mẹ con chị một lần nữa trở thành những chiến binh, cùng nhau chiến đấu suốt 38 tuần để được ở bên nhau.

Khi chắc mình có thai, chị hạn chế vận động, luôn nghỉ ngơi và đặt sức khỏe mình lên trên tất cả. Chị đang ôm trong lòng một báu vật mà chị đã chấp nhận đánh đổi rất nhiều trên hành trình tìm lại thiên chức của một người mẹ.

Cứ ngỡ khó giữ được con

Hai tuần đầu thai bình thường, đến tuần thứ ba chị ra máu, ra máu nhiều khiến chị rơi vào tình huống dọa sảy thai. Chị phải liên tục uống thuốc, tiêm thêm thuốc dưỡng thai loại mạnh nhất, tốt nhất để giữ con.

Nhớ lại 2 lần hụt hẫng vì mang thai ngoài tử cung, chị lo lắng không yên, vừa cầu nguyện vừa nói với con: “Phải cố lên, mẹ khó khăn lắm mới ôm con trong bụng, vì vậy con phải cùng mẹ chiến đấu.”

Đến tuần thứ 12, thai nhi được đo độ mờ da gáy. Kết quả cho thấy, nhiễm sắc thể thứ 18 của thai có vấn đề, thai có khả năng dị tật toàn thân, nguy cơ phải bỏ thai. “Nghe bác sĩ thông báo, tôi choáng váng nhưng vẫn còn có thể giữ bình tĩnh, tôi hỏi bác sĩ có chắc chắn không, khó khăn lắm tôi mới có thai. Nếu chưa chắc chắn 100% thì tôi không bỏ thai. Còn 1% hy vọng tôi vẫn phải giữ lại con mình. Bác sĩ khuyên tôi nên đợi đến tuần thứ 16 chọc ói làm xét nghiệm mới có thể biết chính xác được. Lúc đó, nếu đúng như kết quả ban đầu thì phải dừng thai kỳ.”, chị Trinh nói.

Các bác sĩ gợi ý chị nên gửi mẫu máu sang Mỹ để họ phân tích, xét nghiệm NIPT (Tầm soát trước sinh không xâm lấn) nhằm xác định bệnh của thai nhi trong 10 ngày. Vì tại Mỹ có đủ điều kiện và thiết bị để thực hiện điều này. Kết quả cho thấy, tỉ lệ dị tật thai là rất thấp. Chị Trinh quyết định tiếp tục bên con.Vừa điều trị Tây y, chị vừa điều trị Đông y và thai chịu hợp tác, phát triển ngoan trở lại. Từ đó, ý thức được sự khó khăn và nguy cơ khi mang thai của mình, tần suất khám thai định kỳ mà chị Trinh đặt ra tăng lên. Cứ 1, 2 tuần chị đi khám thai một lần.

16 cuoc chien tim con:
 

Vừa tạm bình tâm, đến tuần thứ 16 của thai kỳ, bất chợt chị lại bị nhau tiền đạo trung tâm. Bánh nhau che kín cổ tử cung, thường gây chảy máu nhiều. Với nhau tiền đạo trung tâm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà thai nhi rất dễ tử vong (40% nguy cơ). Trường hợp của chị, nếu gặp biến chứng sẽ xuất huyết và có thể mất mẹ hoặc con.

Thai được 30 tuần tuổi, một lần nữa chị Trinh phải cầu cứu bác sĩ Ngọc vì những cơn gò dọa sinh non cuồn cuộn kéo tới. Chị Trinh nhớ lại: “Trải qua rất nhiều khó khăn tôi đều bình tĩnh giải quyết, nhưng khi những cơn gò dọa sinh kéo tới, tôi khủng hoảng lắm, rất là sợ. Con tôi còn quá nhỏ, các dấu hiệu sinh thì khá rõ rệt. Tôi không biết phải làm thế nào. Nằm dưỡng ở bệnh viện không yên, tôi nhờ chồng đến cầu cứu bác sĩ Ngọc. Uống thuốc bác sĩ Ngọc kết hợp truyền thuốc dưỡng của Tây y. Tôi giữ thai đến tuần thứ 38.”.

Đây cũng là giai đoạn chị Trinh hồi hộp chờ gặp mặt con.Sợ gia đình biết  khuyên chị bỏ thai, chị không dám nói với ai mà âm thầm chịu đựng. May mắn, tuần thứ 22, bánh nhau tự “đi lên” chứ không chùng xuống nữa. Hai mẹ con chị thoát nạn. Nhưng lúc này, các bác sĩ lại phát hiện cổ tử cung chị quá ngắn, em bé lại sụt xuống khá nhiều. Nếu thai tiếp tục sụt xuống, chị buộc phải khâu eo cổ tử cung để tránh nguy cơ thai bị rơi ra ngoài.

Mẹ đánh đổi đau đớn… để con chào đời

Lần duy nhất bước vào phòng mổ chị vui mừng khôn xiết vì ít phút nữa thôi con chị sẽ chào đời, ít phút nữa thôi người phụ nữ với khát khao làm mẹ mãnh liệt, bất chấp mọi hiểm nguy sẽ được ôm con vào lòng. Thế nhưng, khó khăn chưa buông tha chị, chị phải sinh mổ nhưng thai nhi lại ẩn xuống quá sâu về phía âm đạo, cuộc mổ bắt con phải trải qua nhiều nguy hiểm và gian truân.

“Ngày 24/2/2017, bác sĩ nói tôi phải chuẩn bị tâm lý cho sự đau đớn và khó khăn. Vị trí em bé nằm quá sâu về phía âm đạo, bác sĩ siêu âm cũng khó để thấy phần đầu, phải thêm hai bác sĩ nam hỗ trợ mổ để đẩy bé ngược lên phía trên mới bắt con ra được. Tôi không cảm thấy đau, không thấy sợ, mà tôi mong đợi gặp con, vuốt tay lên bụng tôi nói với con cố lên, đây sẽ là cuộc chiến cuối cùng của mẹ con mình.

Nằm ở phòng mổ, tôi cảm nhận được tất cả những thao tác của bác sĩ, bụng tôi bị nhồi nhiều lần, tôi biết các bác sĩ đang cố gắng lắm. Tôi thì tập trung hết sức để cảm nhận con mình đang ở đâu. Sau một thời gian dài, bé khóc, tôi khóc, cả bác sĩ mổ cho tôi cũng khóc. Tôi đã có con, bé trai 2,9 ký, tôi không còn biết gì cả ngoài hạnh phúc tột cùng. Tôi đã có con rồi!”, chị Trinh xúc động.

Chị sung sướng đến quên hết xung quanh, nằm với con cả đêm không ngủ, nói chuyện với con nhiều đến nỗi sản phụ chung phòng phải nhắc nhở vì quá ồn ào.

Đến bây giờ, khi nhắc lại thời khắc đó, đôi mắt chị ánh lên niềm hạnh phúc lớn lao, chị ôm chặt con vào lòng khiến thằng bé tỉnh ngủ, chớp chớp đôi mắt bé bỏng nhìn mẹ.

Chồng chị đứng ngay bên cạnh, thấy niềm hân hoan của vợ, anh cũng rưng rưng.Sau lần thành công này, chị Trinh cho biết thời gian tới, chị sẽ tiếp tục thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm một lần nữa để chàng trai bé bỏng của chị được làm anh.

Chị cũng muốn nhắn gửi đến những người phụ nữ đang tìm con rằng: “Tôi không muốn khoe về chiến tích của mình, tôi chỉ muốn nói sau khó khăn sẽ là niềm hạnh phúc tuyệt vời, các chị đừng bao giờ bỏ cuộc. Trên hết, chị em mình phải tin tưởng và thực hiện tốt những hướng dẫn của bác sĩ. Đừng đổ lỗi cho bác sĩ sau những lần thất bại, họ đang làm hết sức để giúp mình. Tôi mong rằng chị em phụ nữ chúng ta ai cũng có được những thiên thần bé bỏng.”

Phạm An

Bài 3: Đông Y - mở lối thêm cho bệnh nhân hiếm muộn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI