Sự "đào thải" khốc liệt

16/05/2016 - 14:25

PNO - Truyền thông thế giới từng đưa tin rất nhiều về bạo lực học đường, vấn nạn không chỉ có ở một vài quốc gia.

Nhật Bản, dù là quốc gia đi đầu về giáo dục nhân cách, vẫn không tránh được thực trạng trên. Bộ Giáo dục - Văn hóa - Thể thao - Khoa học - Kỹ thuật Nhật Bản mới đây công bố số liệu khiến nhiều người phải… giật mình. Báo cáo số trường hợp bạo lực xảy ra ở các học sinh năm 2015 tăng 3.973 vụ so với năm ngoái, đưa tổng số trường hợp lên 122.721 vụ, đạt mức kỷ lục. Bạo lực học đường xảy ra ở tất cả các cấp lớp, dấy lên mối lo ngại trong xã hội vì vấn nạn này không còn là hiện tượng bùng phát mà đã ăn sâu vào thái độ ứng xử của học sinh.

Su
Một nam học sinh bị bạn dùng bạo lực trong khi những bạn khác thản nhiên nhìn cười - Ảnh: NOORIMAGES

Đáng lo ngại hơn là hậu quả của bạo lực học đường. Với nhiều trường hợp, bị bạn bè bắt nạt trở thành nỗi ám ảnh khiến nạn nhân phải chọn cái chết. Đầu năm nay, các nhà điều tra Nhật Bản xác nhận nguyên nhân khiến một học sinh lớp 4 ở thành phố Tomigusuku treo cổ tự tử là vì bị bạn bè hùa vào ức hiếp. Văn phòng phòng chống tự tử Nhật Bản còn thống kê được, trong 40 năm qua, con số học sinh tự tử không ngừng tăng cao. Điều đáng chú ý là ngày 1/9 trở thành ngày đáng sợ với không ít phụ huynh. Đây là ngày các em tựu trường, gặp lại nhau sau thời gian nghỉ hè nhưng cũng là ngày nhiều em đối diện với những lời trêu chọc cay độc, thái độ dồn ép từ những người bạn của mình.

Vì sao lại như thế? Các chuyên gia tâm lý đã tìm hiểu và đưa ra lời giải đáp, đó chính là sự đào thải một cá nhân dám khác biệt, dám đi ngược lại những điều số đông nghĩ hoặc làm. Nhật Bản vốn nổi tiếng với tinh thần tập thể cao độ, mọi việc đều được giữ đúng chuẩn mực và tiếng nói đám đông quyết định tất cả. Trong môi trường học đường, một học sinh có biểu hiện khác biệt sẽ nhanh chóng lọt vào “tầm ngắm” của bạn bè. Em ấy không sớm thì muộn cũng gặp rắc rối.

Chỉ cần có hành vi “lệch chuẩn”, học sinh ấy dễ dàng… mất mạng. Năm ngoái, Kokei - một học sinh cấp II ở Nhật Bản phải nhảy xuống sông vì bị bạn… phạt. Kokei có mặt trong tiệc liên hoan của trường và em nói chuyện vui vẻ với một bạn nữ khá xinh cùng trường. Không ngờ đây lại là tai họa. Những bạn học cùng lớp biết Kokei đã có bạn gái và cho rằng em không có quyền trò chuyện lâu với một ai khác nên đã tự ra quyết định cho em một bài học. Những em này đã ép Kokei nhảy xuống sông, bơi một vòng từ bờ bên này sang bờ bên kia rồi trở lại mới tha cho em.

Kokei sau khi hoàn thành xong vẫn không được buông tha. Em phải tiếp tục bơi, cho đến khi kiệt sức, chết đuối. Người ta vớt thi thể em lên ba ngày sau đó còn những người bạn nhẫn tâm bị bắt giữ. Cái chết của Kokei là hệ quả của lối suy nghĩ lệch lạc, biến tướng từ tinh thần đoàn kết vốn làm nên sức mạnh Nhật Bản. Trước khi xảy ra vụ việc đáng tiếc đối với Kokei, người dân Nhật Bản cũ ng đã bàng hoàng trước cái chết đẫm máu của học sinh Uemura (13 tuổi). Em bị một nhóm học sinh xả dao đâm không thương tiếc. Nguyên nhân vì em khăng khăng không gia nhập nhóm theo “lời mời” của trưởng nhóm. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngay sau đó lên tiếng cảnh báo tình trạng bạo lực học đường nhưng có lẽ, lời kêu gọi không thể ngay lập tức thay đổi được tình hình.

Học giả Asao Naito, chuyên gia về Nhật Bản tại Mỹ có nhắc đến văn hóa Ijime tồn tại trong xã hội Nhật Bản từ khá lâu. Nó thể hiện một xã hội có trật tự và mọi người cùng chung sống trong hệ chuẩn mực nhất định. Bất cứ sự khác biệt nào cũng bị xem là mối nguy hại phá hủy sự ổn định ấy. Đó là lý do vì sao những vụ bắt nạt học đường thường là những vụ một cá nhân tự chống chọi. Văn hóa Ijime ăn sâu vào cuộc sống, từ trường học đến nơi làm việc và trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh mặt tích cực không thể phủ nhận là mặt tối mà chính nạn nhân từng trải nghiệm là người thấu hiểu nhất.

Thiên Như (Theo Japan Update, Japan Times, hrw.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI