Sự chuyển dịch ở các cuộc thi nhan sắc

14/10/2018 - 06:00

PNO - Đã có một thời, sắc vóc là yếu tố quyết định ở các sân chơi nhan sắc. Điều đó đang thay đổi khi các nhà tổ chức dần chú trọng đến trí tuệ, mở rộng đối tượng thí sinh và truyền đi những thông điệp tích cực.

Trong gần 100 năm từ khi xuất hiện những cuộc thi sắc đẹp đầu tiên như: Hoa hậu Pháp (1920), Hoa hậu Mỹ (1921), Hoa hậu Đức (1927), yếu tố nền tảng vẫn là vẻ đẹp hình thể của phụ nữ.

Su chuyen dich o cac cuoc thi nhan sac
Các cuộc thi nhan sắc ngày càng chú trọng đến trí tuệ và các giá trị nhân văn

Mãi về sau này, các cuộc thi mới bắt đầu chú ý đến cái riêng của mình qua những chiến dịch tình nguyện, dự án vì cộng đồng, lan truyền thông điệp hòa bình, bảo vệ môi trường... và gần đây là những giá trị mới của thế giới văn minh, đặc biệt là trí tuệ của thí sinh.

Người chiến thắng các cuộc thi lớn như Hoa hậu Thế giới hay Hoa hậu Hoàn vũ hoặc một số cuộc thi cấp quốc gia đáng chú ý như: Hoa hậu Hoàn vũ Mỹ - Miss USA, Hoa hậu Venezuela… thời gian gần đây luôn có trình độ học vấn cao.

Hoa hậu Thế giới 2014 - Rolene Strauss là bác sĩ. Hoa hậu Thế giới 2017 - Manushi Chhillar và Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2016 - Ariska Putri Pertiwi đều là sinh viên y khoa. Hoa hậu Hoàn vũ 2016 - Iris Mittenaere cũng là sinh viên chuyên ngành nha khoa. Hoa hậu Hoàn vũ 2017 - Demi-Leigh Nel-Peters là cử nhân kinh tế. Hoa hậu Venezuela 2016 - Keysi Sayago là kỹ sư cơ khí. Hoa hậu Hoàn vũ Mỹ 2016 - Deshauna Barber là sĩ quan quân đội)...

Trong nước, ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam cũng chú trọng đến trình độ học vấn của thí sinh. Năm 2018, cuộc thi tuyển sinh ở nhiều trường đại học để thu hút những thí sinh chất lượng. Trong đó, có cả thí sinh đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Ý.

Tại vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2018 có nhiều thí sinh đang theo học hoặc đã tốt nghiệp những trường danh giá như: Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao... Nhiều cô gái có thể nói được từ hai ngoại ngữ trở lên. Trong bối cảnh thế giới hội nhập, tri thức, học vấn trở thành yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một cá nhân. Đặc biệt, khi trở thành hình mẫu cho cái đẹp, cho một tổ chức lớn thì yếu tố này thực sự cần thiết.

Các cuộc thi nhan sắc ở hiện tại cũng dần cởi mở hơn với nhiều đối tượng. Chỉ số ba vòng, định kiến về giới… dần được nới lỏng. Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Mỹ, Hoa hậu Ý đã bỏ phần thi áo tắm để cái nhìn về phụ nữ không bị bó buộc qua hình thể, sắc vóc.

Hoa hậu Mỹ còn trao học bổng, khuyến khích thí sinh tiếp tục học hành. Trong khi đó, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Hoàn vũ Mỹ (cùng thuộc một đơn vị quản lý) đưa ra thông điệp để chống miệt thị hình thể (body-shaming). Họ ủng hộ sự khác biệt của các cô gái và quan tâm hơn đến sự hạnh phúc, tự tin của các ứng viên khi họ được là chính mình.

Việc các người đẹp có thân hình không “chuẩn mực” theo những tiêu chuẩn hình thể thông thường hoặc hơi thừa cân nhưng thông minh, nhạy bén có mặt trong top thí sinh xuất sắc của các cuộc thi này phần nào thể hiện rõ thông điệp trên.

Tháng Sáu vừa qua, người đẹp chuyển giới Angela Ponce lên ngôi Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha, đánh dấu cột mốc mới trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc. Với chiến thắng này, Angela Ponce sẽ là người đẹp chuyển giới đầu tiên được thi đấu tại Hoa hậu Hoàn vũ.

Năm nay, cuộc thi Hoa hậu Israel, Hoa hậu Hoàn vũ Mông cổ cũng chấp nhận thí sinh chuyển giới tham gia. Tổ chức Hoa hậu Thế giới cũng vừa cho biết sẽ chào đón thí sinh chuyển giới với điều kiện họ được xác nhận trên giấy tờ là nữ.

Đây có thể xem là bước tiến lớn trong việc công nhận nỗ lực và hướng đến sự bình đẳng dành cho người chuyển giới trong bối cảnh cộng đồng này vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, định kiến.

Mới đây, người đẹp bị bạch tạng - Andreia Muhitu đăng quang Hoa hậu Siêu quốc gia Angola, trở thành đại diện của quốc gia này tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2018, diễn ra tại Ba Lan vào đầu tháng 12. Đây là lần đầu người bị bạch tạng chiến thắng một cuộc thi nhan sắc khi thi đấu với các cô gái bình thường và sẽ bước ra thế giới.

Dù còn những tranh cãi, Andreia Muhitu hy vọng sẽ mang tiếng nói chống lại sự kỳ thị và nạn buôn bán người bạch tạng tại châu Phi. Đây có lẽ cũng chính là thông điệp mà tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia Angola muốn gửi gắm khi trao vương miện cho người đẹp đặc biệt này.

Những sự thay đổi trên có thể xuất phát từ chính các nhà tổ chức hoặc sự biến đổi bắt buộc theo hoàn cảnh. Nhưng dù vì đâu, các cuộc thi nhan sắc, ngoài chuyện xem sắc đẹp là nền tảng căn bản, đã và đang hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp hơn để truyền năng lượng và thông điệp sống tích cực đến mọi người. Hoa hậu giờ đây không chỉ là danh hiệu cho cái đẹp đơn thuần về diện mạo, mà còn đại diện cho trí tuệ, ý thức và mục tiêu sống.

Cái đẹp chỉ thực sự tồn tại bền vững và lan tỏa khi hướng đến số đông, những giá trị lâu dài. Đây cũng là mục tiêu nhiều cuộc thi khác đang hướng tới trong xu thế hội nhập và giá trị con người ngày càng được xem trọng.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI