Sau vụ lật tàu ở Quảng Ninh, chuyên gia đề nghị sử dụng AI và Big Data để cảnh báo dông lốc cấp tốc

20/07/2025 - 13:19

PNO - Sự cố nghiêm trọng lật tàu tại Quảng Ninh đặt ra nhiều thắc mắc liên quan đến công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là hiện tượng dông lốc.

Cứu hộ cứu nạn tàu lật ở Quảng Ninh - ảnh: Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh
Cứu hộ cứu nạn tàu lật ở Quảng Ninh - Ảnh: Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh

Sau vụ lật tàu ở Quảng Ninh, đại diện Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh cho biết, khi phát hiện ổ mây dông, thời tiết nguy hiểm bất thường, Đài Khí tượng Thủy văn Tỉnh Quảng Ninh đã ngay lập tức phát tin cảnh báo, gửi đến các cơ quan chức năng theo quy định, để thực hiện các phương án chỉ đạo, ứng phó.

Cụ thể hơn, đã có 4 bản tin phát ra vào lúc 15g30 chiều 18/7, 4g30 ngày 19/7, 11g45 ngày 19/7, 13g30 ngày 19/7.

Các bản tin này đều cảnh báo, trong mưa dông cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sét, lốc, gió giật mạnh và sạt lở đất, có thể làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, công trình giao thông, cơ sở hạ tầng và gây nguy hiểm cho tính mạng người dân.

Trước đó, Cục Khí tượng Thủy văn đã có phản hồi liên quan đến công tác dự báo, cảnh báo. Theo đó, đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo hệ thống quan trắc và thông tin liên lạc phục vụ công tác dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới/bão, gió mạnh, sóng lớn và các thiên tai đi kèm.

Nhận định về công tác dự báo dông lốc, ông Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo cho hay, với cơn dông lốc trên diện rộng chiều qua, cơ quan có thẩm quyền ở cả trung ương lẫn địa phương đã đưa ra những cảnh báo về khả năng có dông sét để người dân chuẩn bị.

“Dông sét rất khó dự báo chính xác. Vậy dự báo mà cơ quan dự báo của Việt Nam đưa ra trong trận dông sét ngày hôm qua là hợp lý vì thực ra chỉ có thể dự báo tới mức đó” - giáo sư Vũ Thanh Ca nêu quan điểm.

Chuyên gia Vũ Thanh Ca - ảnh: NVCC
Chuyên gia Vũ Thanh Ca - Ảnh: NVCC

Trong những năm vừa qua nhà nước đã nỗ lực đầu tư để nâng cấp hệ thống cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn nên chất lượng dự báo ngày càng tốt hơn. Dù vậy, ông cho rằng, vẫn có thể nâng cao công tác dự báo cực ngắn về dông lốc để cảnh báo có chiều sâu, cụ thể hơn, từ đó giúp người dân có thể phòng ngừa hiệu quả hơn.

Ông chia sẻ, từ năm 1993, Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NCAR) đã xây dựng và vận hành phần phềm nhận dạng, theo dõi, phân tích và dự báo cực ngắn dông sét (Thunderstorm Identification, Tracking, Analysis and Nowcasting) viết tắt là TITAN. Phần mềm này sử dụng dữ liệu của các radar số hóa, nối mạng để nhận dạng, theo dõi, phân tích và dự báo cực ngắn (từ 30 phút tới 1 giờ) các cơn dông sét với độ chính xác rất cao.

“Chú ý rằng thời gian từ 30 phút tới 1 giờ trong phòng chống thiên tai do dông sét gây ra là thời gian cực kỳ quan trọng, giúp giảm tổn thất rất nhiều” - ông lưu ý.

Hiện nay đã có các thuật toán trí tuệ nhân tạo sử dụng Big Data với độ chính xác cao hơn. Các phần mềm áp dụng AI và Big Data trong dự báo cực ngắn dông sét đang rất phổ biến trên thế giới.

“Trong khi đó, ngành khí tượng thủy văn luôn nổi tiếng mà một trong những ngành có thu nhập rất thấp và sinh viên học ngành đó ra trường rất khó tìm việc làm. Vì vậy, ngày càng ít sinh viên giỏi chọn học ngành này” - ông nêu thực tế.

Do đó, trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ông Vũ Thanh Ca cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nên quan tâm, đầu tư hơn nữa cho ngành khí tượng thủy văn. Cụ thể như tiếp nhận, đào tạo nhiều sinh viên giỏi và các cán bộ giỏi của ngành có thể tập trung nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ để có thể đưa ra những bản tin dự báo, dự báo cực ngắn và cảnh báo với độ chính xác cao, giúp giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI