Quyền được an toàn của trẻ

06/04/2018 - 10:25

PNO - Cách đây mấy hôm, để chuẩn bị cho bài kiểm tra một tiết môn công nghệ: tỉa ớt trang trí món ăn, con trai tôi về nói cô giáo dặn con phải mang kéo nhọn dùng trong nấu ăn.

Không thể không cho con mang, chỉ còn cách hướng dẫn con dùng giấy báo, dây thun gói cái kéo bỏ vào bịch ni-lông. Tôi dặn con nhiều lần sau khi làm xong cũng gói y như vậy để tránh mũi kéo nhọn; dặn cẩn thận, tránh bạn, không chạy nhảy khi cầm kéo…

Thế nhưng, chiều, khi ra mở cửa tôi nhìn thấy con cầm bịch ni-lông ban sáng, nhưng cái kéo đâm thủng bịch ni-lông, chĩa ra nhọn hoắt. Tôi lạnh cả người. Tôi nghĩ đến cảnh chiều tan lớp các con ùa ra như bầy ong vỡ tổ xô đẩy xuống cầu thang.

Quyen duoc an toan cua tre
Ảnh minh họa

Tôi nghĩ đến lúc trông thấy ba, con tôi sẽ quýnh quáng chạy ra… Tôi không hiểu tại sao phòng thực hành ở trường không trang bị những dụng cụ ấy cho học sinh? Có phải do sự thờ ơ, tầm nhìn hạn hẹp của những người có nhiệm vụ?

Từ chuyện cái kéo của con, tôi nghĩ đến vụ hỏa hoạn thương tâm vừa xảy ra ở chung cư Carina Plaza. Tôi tự hỏi phải chăng ý thức và kỹ năng lường trước những hiểm họa của chúng ta chưa có? Nhất là trẻ con, chúng đã được trang bị một cách nghiêm túc, chất lượng kỹ năng sống sót trong những tình huống hiểm nghèo chưa? 

Là một giáo viên, cũng là người mẹ có con đi học, hình như tôi nhớ không lầm thì nhà trường chưa hề tổ chức giảng dạy một cách bài bản, nghiêm túc việc nâng cao ý thức và kỹ năng đối phó với những hiểm họa như thế này. Chúng ta chỉ chăm chăm dạy kiến thức cho trẻ, mà quên rằng, kiến thức mênh mông như biển cả, học là phải học cả đời.

Còn có những thứ nếu trong một thời điểm nhất định không được trang bị sẽ không bao giờ còn kịp nữa. Cha mẹ rất nhiều người chỉ nghĩ đến việc con mình học giỏi là được, đậu đại học, có công ăn việc làm là được. Một đứa con 18 tuổi chưa đi được xe đạp, chưa nấu ăn, không biết bơi, không biết sơ cứu… đối với họ không phải là việc lớn. 

Đã đến lúc, con trẻ phải có quyền được học về ý thức đối diện với hiểm họa và kỹ năng đối đầu vượt qua hiểm họa. Phải dạy sao cho thuần thục, nghiêm túc, lúc cần nó sẽ thành một phản xạ tự nhiên để bất trắc có đến sẽ hạn chế tối thiểu sự mất mát, đau thương. Nhất định phải như vậy. 

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI