Phụ huynh cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ?

18/10/2021 - 11:07

PNO - Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở trẻ, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong khám sàng lọc, theo dõi sát sức khỏe của trẻ từ 2-3 tuần.

 

Trẻ cần được theo dõi trước và sau tiêm một cách chặt chẽ, đảm bảo an toàn, ảnh minh họa
Trẻ cần được theo dõi trước và sau tiêm một cách chặt chẽ, đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa)

Theo tờ trình về kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 của Sở Y tế TPHCM gửi UBND TP, dự kiến, vào ngày 22/10 trẻ em từ 12-17 tuổi sống tại TPHCM sẽ được tiêm vắc xin. Trước thông tin này, nhiều phụ huynh mừng vì trẻ được bảo vệ trước dịch bệnh, bên cạnh đó cũng không ít người lo lắng liệu sau tiêm ngừa, trẻ có bị tác dụng phụ hay không và nên chăm sóc thế nào cho đúng.

Về vấn đề này, bác sĩ CK1 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi cần được đảm bảo an toàn trong khâu tổ chức tiêm chủng cũng như cha mẹ phải phối hợp chặt chẽ với cán bộ tại điểm tiêm trong việc khám sàng lọc, theo dõi trẻ sau tiêm.

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, các cơ sở tiêm chủng phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật chất đặc biệt là nhân lực, tổ chức khu vực sàng lọc, tư vấn, cấp cứu… để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Trong đó, khám sàng lọc trước tiêm rất quan trọng, cha mẹ nên đi cùng, hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình cung cấp thông tin về sức khỏe và các vắc xin đã tiêm. Ngoài đánh giá của bác sĩ đối với trẻ như tri giác, đo thân nhiệt, quan sát nhịp thở, nhịp tim…, chỉ có cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ mới nắm rõ về lịch sử chủng ngừa của trẻ, tình trạng của trẻ những ngày gần đây bao gồm việc có dị ứng thức ăn hay không, có sốt không, hoặc có đang uống thuốc điều trị bệnh lý gì không… 

Đặc biệt, trẻ có đang mắc bệnh lý nền, đang sử dụng loại thuốc điều trị nào, tình trạng bệnh lý nền kéo dài ra sao, có sử dụng thuốc có thành phần Corticoid hay không.

Bên cạnh đó, bác sĩ cần phải khai thác thông tin thêm trẻ có tiền căn dị ứng thuốc, thức ăn, hay có tiền sử dị ứng với các loại vắc xin ngừa bệnh thông thường hay có từng phản ứng nặng đối với vắc xin khác khi tiêm chủng trước đây không… khi đạt các tiêu chuẩn, trẻ sẽ được tiêm. Trước khi trẻ tiêm chủng, cha mẹ nên yêu cầu bác sĩ ở điểm tiêm cung cấp loại vắc xin để đảm bảo vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép tiêm ngừa cho trẻ. 

Sau khi trẻ tiêm vắc xin COVID-19 xong, tốt nhất nên cho trẻ theo dõi ít nhất 30 phút tại cơ sở tiêm. Lúc này, người lớn cũng nên quan sát trẻ về về nhịp thở, nôn trớ, ban đỏ, thân nhiệt, tri giác, xem chỗ tiêm có sưng, đỏ rát hay không… nếu có bất thường xảy ra, cần báo ngay với nhân viên y tế.

“Quan trọng nhất, sau tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ, nên theo dõi suốt 2-3 tuần, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dinh dưỡng bình thường. Nếu trẻ sốt nhẹ, ớn lạnh, cho trẻ uống paracetamol hạ sốt, giảm đau theo liều lượng bác sĩ hướng dẫn (với trẻ lớn chỉ cần 1 viên). Nếu trẻ than đau nhức chỗ tiêm, ngoài uống thuốc, có thể chườm đá cho trẻ để giảm sưng đau. 

Tuyệt đối không cho trẻ uống aspirin, không được thoa dầu nóng, đắp khoai tây đắp vào nơi tiêm hay sử dụng các phương pháp dân gian khác cho trẻ để tránh nhiễm trùng”, bác sĩ Quy lưu ý.

Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo nhóm trẻ đang mắc bệnh nền, trẻ thừa cân, béo phì, bị tiểu đường… nên được tiêm chủng ở bệnh viện và ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 trước. 

Với người lớn, vắc xin COVID-19 đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nguy cơ chuyển nặng. Mặc dù trẻ em có sức đề kháng tốt hơn người lớn nhưng khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ, ngành y tế vẫn cần phải thận trọng và tính toán kỹ hơn để đảm bảo công bằng vắc xin cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ.

Về công tác tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em, thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết, Bộ Y tế đã giao Viện Pasteur và Viện Vệ sinh dịch tễ ở các khu vực hướng dẫn, xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn cũng như hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương theo địa bàn phụ trách, trong việc tổ chức triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Đến nay Bộ Y tế chưa xác định sẽ tiêm loại vắc xin nào cho trẻ. Tuy nhiên, trong các loại vắc xin COVID-19 đang được lưu hành tại Việt Nam, vắc xin Pfizer hiện đã được thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 - 18 tuổi. Về liều tiêm vắc xin Pfizer, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cũng tương đương liều tiêm cho người lớn, đa phần các phản ứng sau tiêm cũng vậy.

Theo tờ trình của Sở Y tế TPHCM về tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho trẻ, có khoảng 780.000 trẻ được tiêm theo độ tuổi từ 12 - 17 tuổi, tuổi tiêm từ thấp đến cao. Dự kiến, nếu UBND TPHCM thông qua, ngày 22/10 TPHCM sẽ tiêm ngừa cho trẻ. Trước khi tiêm ngừa cho trẻ, cha mẹ hoặc người giám hộ phải ký phiếu đồng ý tiêm chủng. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI