Quản lý đô thị: Còn những góc nhìn rất buồn cười!

02/03/2016 - 07:49

PNO - "Nhà quản lý khi nhìn vào thực trạng hàng rong, buôn thúng bán bưng không nên bằng con mắt duy kinh tế mà phải bằng hiểu biết văn hóa..."

Hàng năm, cứ mỗi lần hội họp, trong báo cáo của các địa phương địa phương lại xuất hiện cụm từ "dân nhập cư" khi phân tích về khó khăn trong công tác giải tỏa lòng lề đường, xây dựng văn minh đô thị. PGS-TS Xã hội học Trần Hữu Quang cho rằng cách nhìn nhận đánh giá như vậy là sai. Kỷ luật đô thị mới là chuyện cần nhìn lại.

* Thưa PGS-TS Trần Hữu Quang, thành phố vẫn đang loay hoay với thực trạng hàng rong, họp chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường, nguyên nhân “vì dân nhập cư” có thực sự là lý giải thuyết phục?

- Tôi thấy nhìn nhận nguyên nhân như vậy là sai. TP.HCM là thành phố trẻ, phát triển được như thế này cũng là đóng góp của hàng triệu người từ các tỉnh thành khác đến. Có rất nhiều người giỏi, người giàu chứ. Tâm huyết, chất xám, của cải vật chất họ đem đến thành phố cần phải trân trọng chứ không nên mang cụm từ “dân nhập cư” vào các báo cáo nguyên nhân thực trạng lòng lề đường. Lộn xộn, nhếch nhác, lấn chiếm là do kỷ luật đô thị không nghiêm. Bao che, đánh giá sai đối tượng mới dẫn đến “bắt cóc bỏ đĩa”.

* Theo ông, cách nhìn nhận đối tượng lấn chiếm lòng lề đường hiện nay có gì sai?

- Thứ nhất, nhà quản lý khi nhìn vào thực trạng hàng rong, buôn thúng bán bưng không nên bằng con mắt duy kinh tế mà phải bằng hiểu biết văn hóa để từ đó thượng tôn quyền sống của người dân. “Những cô hàng xén” vốn là tập quán, văn hóa xã hội lâu đời tại Việt Nam. Khi xử lý phải nắm bắt được bản chất đối tượng vi phạm thuộc nhóm này là những người nghèo khổ, tha hương mưu sinh lập nghiệp. Cơ quan quản lý có nghĩa vụ giải thích, hướng dẫn thấu tình đạt lý cho họ chứ không phải giằng co, thu gom vật dụng hay thậm chí sử dụng bạo lực.

Về lâu dài, quy hoạch khu vực hàng rong cụ thể mang ý nghĩa an sinh xã hội để quản lý văn minh hơn, khai thác du lịch từ việc này. Muốn vậy cần giao cho cơ quan chuyên trách, quy trách nhiệm lãnh đạo. Đó là chuyển khó khăn (thực trạng lấn chiếm) thành lợi thế (nét văn hóa). Thứ hai, đối với nhóm lấn chiếm lòng lề đường là hộ kinh doanh, công ty thì phải kiên quyết xử phạt thật nghiêm. Song song với hai biện pháp này, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng ở tốc độ nhanh nhất. Đó là các bãi đậu xe, các tuyến đường trên cao, tàu điện ngầm.

Quan ly do thi: Con nhung goc nhin rat buon cuoi!
Ảnh mang tính minh họa: Internet

* Thưa ông, như vậy cơ quan quản lý cần phải chạy đua cùng lúc với nhiều trọng trách mới có thể giải quyết thực trạng lấn chiếm lòng lề đường, một chuyện mà hầu hết mọi người coi là nhỏ?

- Đúng vậy nhưng phải làm. Chứ như thời gian qua tôi thấy cũng kỳ lắm. Tôi đơn cử vấn đề này thôi là thấy buồn cười, đó là việc viện lý do “địa bàn hành chính” hay “địa bàn giáp ranh”. Cụ thể như trường hợp một đối tượng ăn trộm ở phường này rồi chạy qua phường khác, cơ quan chức năng tại phường xảy ra sự vụ kêu than vậy là khó bắt, do địa bàn phức tạp. Nói vậy sao dân thông cảm được. Quản lý đô thị là sự liên thông chủ động của các cấp chứ. Giải quyết thực trạng lấn chiếm lòng lề đường cũng vậy, không thể đưa ra cái lý do “người bán hàng rong bỏ chạy từ phường này qua phường khác” để biện hộ cho việc kỷ luật đô thị yếu kém được.

* Theo ông, thực tế hiện nay thành phố có thể tự quyết ngay những vấn đề nào để chuyển biến văn minh đô thị?

- Cần phải tăng nặng mức xử phạt. Đây là phương pháp mà các quốc gia phát triển đã áp dụng. Đây cũng là lý do mà tại sao nhiều người Việt qua đến Singapore thì văn minh đột xuất, chấp hành nghiêm các quy định, nhưng chỉ cần đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì lập tức xả rác, vứt tàn thuốc thoải mái xuống đường. Tôi đồng ý rằng mức xử phạt tại địa phương dù thế nào cũng không được vượt quá mức xử phạt mà các nghị định của chính phủ và điều luật mà Quốc hội ban hành.

Nhưng thực tế rất mâu thuẫn ở chỗ, tại sao cái chuyện đường một chiều, hai chiều thì thành phố quyết được, đường nào bốn mét, năm mét thành phố quyết được, nhưng tăng mức xử phạt thì đề xuất rồi để đó? Quan điểm cá nhân tôi cần phải tăng mức xử phạt nặng hơn để người dân tuân thủ, từ đó mới tạo ra hành vi tự giác.

* Xin cảm ơn ông!

Vinh Quốc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI