1.000 tỉ mua trực thăng chữa cháy cho TP.HCM: Thông tin ngược

12/04/2016 - 07:19

PNO - Trong cuộc trao đổi với PV báo Phụ Nữ TP.HCM cùng ngày về đề xuất mua trực thăng chữa cháy, 2 lãnh đạo PCCC TP.HCM lại có thông tin cuối cùng.

Trước thông tin về việc trong buổi họp báo ngày 8/4, Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM thông tin về việc vừa trình lên Hội đồng Nhân dân TP HCM xem xét kế hoạch mua trực thăng chữa cháy, mỗi chiếc trực thăng trị giá khoảng 1.000 tỉ đồng, chia sẻ với báo Phụ nữ TP.HCM chiều 11/4, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM đã phủ nhận thông tin này.

Theo Đại tá Bửu: "Trong buổi họp báo chiều 8/4 vừa qua, một số báo có một số ngộ nhận về vấn đề thông tin PCCC đã có đề xuất với lãnh đạo TP về việc trang bị trực thăng, tôi phải nói rõ rằng chúng tôi chưa có báo cáo với lãnh đạo TP mà đây là căn cứ vào thông tư 60 của Bộ Công an".

"Lời của anh Châu phát biểu, đó là do một số phóng viên ngộ nhận. Bởi anh Châu nói rằng, nếu bây giờ mà trang bị máy bay trực thăng thì phải có cả nghìn tỉ mới đạt hiệu quả, phải tính toán tới vấn đề đào tạo, bảo trì bảo dưỡng, hoạt động lái như thế nào... thì anh Châu cũng đã phân tích điều đó".

1.000 ti mua truc thang chua chay cho TP.HCM: Thong tin nguoc
Buổi tổng diễn tập trực thăng giải cứu người mắc kẹt trên sân thượng tòa nhà Diamond Plaza (quận 1, TP.HCM) ngày 14/8/2013 (Ảnh: internet)

Thông tư có quy định là sẽ trang bị máy bay trực thăng đối với 2 TP là đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP.HCM) khi đảm bảo điều kiện cần và đủ: chuẩn bị về hạ tầng, bảo trì bảo dưỡng, sân bay, đào tạo nguồn nhân lực thì khi đó sẽ có một chủ trương, lộ trình để trang bị máy bay trực thăng cho nó phù hợp.

"Đối với TP.HCM, tôi cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng, là một chủ trương từ thông tư của lãnh đạo và cấp trên, đây là việc cần thiết để trang bị", Đại tá Bửu nhận định.

Tuy nhiên để trang bị như thế nào thì cần phải có lộ trình, có những nghiên cứu thật kỹ về hạ tầng, đào tạo nhân lực đến các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, tới các chức năng nhiệm vụ hoạt động trong kiểm soát" - Đại tá Bửu lập luận.

Ông Bửu tái khẳng định rằng: "Chúng tôi phải có nghiên cứu thật đầy đủ để có báo cáo trình lên lãnh đạo cấp trên để có chủ trương trang bị. Còn việc thời gian như nào, kinh phí ra sao thì chúng tôi phải làm việc kỹ và có báo cáo cụ thể đối với loại phương tiện đặc thù để bảo vệ cho địa bàn TP.HCM.

Tôi cũng khẳng định rằng, việc trang bị máy báy trực thăng để cứu nạn, cứu hộ đối với 1 TP lớn như TP.HCM là một việc làm cần thiết và quan trọng. Chúng tôi hết sức quan tâm đến việc này".

Giám đốc PCCC TP.HCM thông tin: "Có một số nhà tư vấn cũng đã đến làm việc, trao đổi với chúng tôi. Tuy nhiên để có báo cáo lên TP thì các cơ quan tham mưu chúng tôi phải có nghiên cứu thật kĩ, thấu đáo, để làm sao khi trang bị máy bay thì phải đảm bảo việc vận hành và khai thác như thế nào cho hiệu quả".

Việc trang bị trực thăng chủ yếu là để thực hiện cứu nạn, cứu hộ, đối với các nhà cao tầng có thể ứng dụng trong việc chữa cháy rừng, trong các khu vực dân cư đông đúc, hẻm sâu,... đây là việc làm cần thiết, còn khai thác thế nào cho hiệu quả, vừa tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, vừa khai thác, vận hành cho hiệu quả thì cần phải có lộ trình thích hợp.

"Phải có một nghiên cứu, phương án tối ưu nhất. Trên cơ cở đó chúng tôi mới báo cáo về mức đầu tư theo hướng nào cho phù hợp", Đại tá Lê Tấn Bửu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM cùng ngày về vấn đề này, Đại tá Trần Thanh Châu, PGĐ Cảnh sát PCCC, lại cho rằng ông đã thông tin: "Ủy ban chưa có dự án, tôi đã trả lời hôm đó (họp báo 8/4 - PV) rồi".

Ông Châu cho biết, đơn vị đã đề xuất rồi nhưng chưa được duyệt vì chưa có dự án. "Hiện đang đề nghị dự án khác, đấy là dự án quy hoạch ngành của phòng cháy", PGĐ Cảnh sát PCCC cho hay.

Theo ông: "Giải quyết việc cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy nhà cao tầng thì ai chẳng muốn nhưng mà bây giờ còn vấn đề về kinh phí".

Mỹ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI