Không chỉ cần lòng tốt

04/03/2016 - 11:11

PNO - Con người cần một định chế xã hội để bảo vệ cái tốt, cái đúng và ngăn chặn được sự lợi dụng lòng tốt trong xã hội.

Đầu tuần này, một vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra ở thủ đô. Chiếc xe hơi chạy tốc độ cao, lấn tuyến đã đâm vào hai ông cháu đi xe máy và một người phụ nữ khiến cả ba nạn nhân đều tử vong. Bé gái mới sáu tuổi, đang được ông đưa đi học, nhưng đường đến trường của em đã không bao giờ trọn vẹn. Điều khiến mọi người phẫn nộ là khi tai nạn xảy ra, cháu bé bị thương nặng nhưng vẫn còn sống, nhiều xe đi ngang đã tìm cách né tránh không muốn đưa bé đi bệnh viện.

Cuối cùng, đứa bé sáu tuổi ấy phải trải qua cơn hấp hối trên một chiếc xe tải, trước khi được chuyển sang xe cứu thương, và đã chết. Hẳn cơn đau bé phải chịu đựng là rất kinh hoàng. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi biết về vụ tai nạn này. Và, cũng như tất cả những chuyện ồn ào khác trên truyền thông, nhiều người lại lên giọng, tạo thành một làn sóng phê phán thói vô cảm của con người hiện đại, phê phán những kẻ ngoảnh mặt trước một hoàn cảnh đau lòng.

Đúng là sự né tránh của những người lái xe, từ taxi đến xe riêng, khi nhìn thấy nạn nhân - là một chuyện đáng phê phán. Đúng là sự chậm trễ của các phương tiện cứu thương, của các lực lượng gìn giữ an toàn giao thông, xử lý tai nạn giao thông - là chuyện đáng buồn, đáng phê phán. Đúng là người ta quan tâm đến vụ tai nạn vì ngẫu nhiên chứng kiến, vì tò mò, vì muốn bình luận, chứ không phải vì muốn cứu người - là chuyện đang xảy ra, có thật, đáng phê phán. Nhưng, nếu chỉ ngồi đó nói về thói vô cảm thì cũng là một kiểu vô cảm mà thôi!

Khong chi can long tot
Ảnh minh họa: Internet

Khách quan mà nói, việc cứu người bị nạn, việc đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đến bệnh viện… cần có những hiểu biết, những kỹ năng nhất định. Không phải cứ thấy người ngã xuống là ào vào vác bỏ lên xe chở đi. Có những trường hợp chỉ có thể giữ cho nạn nhân ổn định tư thế, chờ xe cứu thương, nhân viên y tế mang theo thiết bị chuyên dụ ng mới có thể chuyển nạn nhân đi được. Cứu người, không chỉ cần lòng tốt mù quáng, nếu không thì có khi là giết người chứ chẳng phải cứu người.

Vậy nên, xin đừng vì thiếu hiểu biết mà đóng vai anh hùng. Điều cần thiết là phải có một hệ thống sơ cấp cứu thường trực, kịp thời; có kênh thông tin khẩn cấp hiệu quả ; có trang thiết bị và khả năng xử trí đối với những tình huống liên quan đến sinh mạng của con người. Có thể, phải bắt đầu từ khả năng… vượt qua được các loại kẹt xe để đến hiện trường kịp lúc, khi nạn nhân còn có thể cứu được. Điều cần thiết hơn, ngoài những chuẩn mực khắt khe về kiến thức an toàn giao thông đối với những người điều khiển xe cộ, là việc trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân, song song với ý thức cộng đồng và các quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội.

Mặt khác, không nên chỉ xem những vụ dàn cảnh va quẹt xe, đánh ghen, đòi nợ, để rồi cướp giật, trấn lột... chỉ là một thủ đoạn của bọn bất lương, mà phải nhìn nhận đó là một hiện tượng đang "góp phần" làm sứt mẻ lòng tin xã hội, lòng tốt của con người. Cộng hưởng với cái xấu đang tràn lan, những vụ lộn xộn, thậm chí tai nạn xảy ra trên đường phố, đã không còn làm dấy lên trong mọi người sự thương cảm hay phẫn nộ, mà chỉ có nỗi sợ hãi. Người ta không biết tin ai, không biết đó có phải là tai nạn hay không, ai là người thực sự bị nạn?...

Nhiều người tốt đưa nạn nhân vào bệnh viện đã bị nhận lầm là kẻ gây tai nạn, bị hành hung. Nhiều người xông vào can thiệp chuyện giữa đường mà không ngờ rằng mình đã tiếp tay cho kẻ gian… Một khi đã không tin được vào người khác, người ta chắc chắn chọn cách “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, né đi cho yên thân. Lòng tin xã hội đã bị xói mòn đến mức người ta khó có thể tin nhau được, nói gì đến việc cứu người, giúp người trong cơn hoạn nạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI