Khát vọng sống: Cô trò nhỏ cứng đầu

17/03/2016 - 09:19

PNO - Cha mất vì bệnh ung thư, mẹ mất sức lao động vì bệnh, em gái mắc bệnh tim bẩm sinh, bản thân Phạm Thúy An cũng bị dị tật đến 61%.

Khat vong song: Co tro nho cung dau
Phạm Thúy An đã được ghi tên lên bảng vàng Trườ ng ĐH Cần Thơ

Bù lại, chính những đặt để trớ trêu của số phận đã tạo cho cô sinh viên nhỏ nhắn một nghị lực phi thường, vượt qua mọi rào cản để ghi tên lên bảng vàng những sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Cần Thơ.

Từng bị đề nghị chuyển ngành học

Hẹn gặp Thúy An tại trường vào một sáng đầu xuân, chúng tôi nhận ra ngay cô bé trong nhóm bạn cùng trang lứa bởi dáng đi khập khiễng, xiêu vẹo. Thân hình nhỏ bé cùng đôi tay co quắp, đôi bàn chân không lành lặn của An liêu xiêu bước khiến chúng tôi không khỏi thương cảm. Nhưng thứ cảm xúc tội nghiệp hoàn toàn bị đánh bật khi An đứng trước mặt chúng tôi nở nụ cười tươi rói. Cô gái không hề rụt rè mà tự tin và nhẹ nhàng, hồn nhiên như ánh nắng sớm mai.

Cả khi kể lại câu chuyện buồn của mình, An vẫn nhẹ tênh như hiểu đó là số phận: “Cha em mắc bệnh ung thư đã qua đời. Mẹ bị u nang nên cũng không có sức khỏe để làm việc. Em gái em mắc bệnh tim dễ bị kích động. Em từ khi sinh ra, hai tay, hai chân như một khối thịt dính lại, không có ngón. Từ lúc còn là trẻ sơ sinh, em đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để bác sĩ tách khối thịt ra thành hình dáng các ngón tay. Lúc đó, mẹ em lo sợ di chứng của thuốc mê và các cuộc phẫu thuật sẽ làm đầu óc em lơ ngơ sau này. May quá, khi lớn lên, em vẫn bình thường”.

Đến gần ba tuổi, cô bé An vẫn chỉ có thể ngồi một chỗ, không thể tự đi đứng. Ba mẹ thấy cơ thể con như vậy nên cũng chẳng hy vọng gì. Rồi An thấy bạn bè chạy nhảy và tự bắt chước đứng lên, lần mò bước đi. Số lần té ngã không sao đếm hết, đến khi hai đầu gối chai, tay chân chật kín những vết trầy thì cô bé An mới có thể tự đứng trên đôi chân của mình.

Đến tuổi đi học, những khó khăn, bất tiện mỗi lúc càng nhiều. “Khó khăn lớn nhất của em không phải tập cầm bút, viết chữ mà là ba mẹ hầu như phải bỏ dở mọi việc để đưa đón em đi học. Vậy là em lén tập chạy xe đạp. Đến năm lớp 3, em đã có thể tự đạp xe đi học cách nhà năm cây số”, Thúy An nhớ lại.

Khat vong song: Co tro nho cung dau
Mỗi ngày An vẫn đạp xe đến trường để xóa bỏ khoảng cách với những người bình thường

Với một bàn chân bị lật ngược không đủ sức chống đỡ, tứ chi không có đủ ngón để cầm nắm nên những ngày trời mưa đường trơn trượt là vô số lần An té ngã: “Té ngã ở đâu thì em sẽ đứng lên từ chỗ đó. Em biết mình thiệt thòi nhưng không thể cứ giậm chân tại chỗ rồi ngửa mặt trách ông trời bất công. Em cố gắng để khẳng định bằng năng lực, xóa bỏ khoảng cách với những người có thân thể bình thường”. Tốt nghiệp phổ thông loại giỏi, đỗ vào ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Cần Thơ, rồi trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất trường với kết quả học tập 3,6/4 là những khẳng định đầu tiên của An.

PGS- TS Trần Nhân Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học Trường ĐH Cần Thơ viết trên trang cá nhân: “Đầu năm học 2013, bộ phận công tác sinh viên Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học họp gấp với tôi để xem xét một trường hợp đặc biệt: có một sinh viên có tật đăng ký học, không biết nhận em học được không? Lúc gặp An tôi hết hồn. An bị thương tật 61%, một chân bị quẹo ngang, lại không có ngón tay, ngón chân thì làm sao học? Nói chính xác hơn, An có một ngón tay út bình thường và chín ngón tay như “cục dư”.

Có ý kiến cho rằng ngành công nghệ sinh học cần nhiều đến sự khéo léo, chính xác của đôi tay và đề xuất tôi nên đề nghị lên hiệu trưởng cho chuyển An qua học một ngành khác không có thực hành thí nghiệm thì thích hợp hơn. Tôi nói lại với An thì em trả lời rất to: “Em không muốn chuyển đi đâu hết. Em muốn học công nghệ sinh học. Em cầm kim cấy được. Em cầm pipette được!...”. Nghe tiếng kêu thất thanh của An mà tôi đau nhói trong tim”. Sự kiên quyết năm đó của An khiến thầy cô trong viện chào thua. Từ đó đến nay, cô gái đã không làm ai phải thất vọng.

Khat vong song: Co tro nho cung dau

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI