Những kẻ "ngáo đá" cuồng loạn: "Ủ" ngáo đến bao giờ?

03/10/2016 - 17:30

PNO - Sau khi đề án cai nghiện tập trung phá sản, đã có một thời gian người nghiện đổ về các quận huyện, gây án tràn lan, tiêm chích công khai.

Tuy nhiên, tất cả biện pháp xử lý sau thời điểm đó cho đến nay chỉ là bị động và đối phó. Cùng với thực tế ma túy đá tuồn vào TP.HCM ngày càng rẻ, không thể không lo sợ một kịch bản xấu lúc “ngáo đá” đã lên đến hàng chục ngàn “con”

"Ngáo" về đời, "đá" đế thăm

Suốt một tuần “vật vờ” theo các con nghiện trẻ có, già có ở khu vực chợ Hóc Môn, chúng tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. 3 giờ sáng, sau khi rời khỏi quán cơm tấm Nghĩa trong chợ Bà Điểm, chúng tôi ngồi trò chuyện với Th. (34 tuổi), một con nghiện có thâm niên 5 năm hít ke, ba năm “đập đá”.

Xen giữa tám năm “đi mây về gió” ấy, Th. kể đã tự nguyện cắt cơn tới... sáu lần. “Sao cắt hoài mà không đứt vậy?”, tôi hỏi với giọng hài hước. Th. trải lòng: “Em vào Nhị Xuân ba lần, ba lần cai tại gia. Lần đầu đi cai “ke”, ở tới ba tháng là thấy mình hết cảm giác ham muốn cũ rồi. Cán bộ động viên, nếu quyết tâm đoạn tuyệt thì về phụ gia đình buôn bán, kinh doanh. Nhưng em vẫn cố gắng “trừ hao” thêm hai tháng nữa mới “về đời”. Đến ngày về, vừa bước ra khỏi cổng Nhị Xuân, “da gà, da vịt” tự nhiên nổi rần rần” (ý nói cảm giác nghiện xuất hiện-PV).

Nhà Th. có một tiệm tạp hóa, gia đình khá giả. Gần trưa Th. từ Nhị Xuân về tới nhà thì đầu buổi chiều anh em bằng hữu “thiên đình” đã tới thăm hỏi. Mỗi người có một cách thể hiện tình cảm riêng. Người thì bảo: “Mày cai được, mừng cho mày; bữa sau tao cũng ráng đi cai”; người thì “đến phụ giúp mày coi ngó hàng hóa, sợ mới “về đời” còn bỡ ngỡ”...

Trong chục người đến thăm, lần nào cũng có hai, ba người “quá tình cảm” bỏ quên lại vài đoạn “ống hút”. Không chỉ các “bạn tốt” này, còn có cả các “đại lý thân thiết” từng “bán hàng” cho Th. từ hồi chưa đi cai. Biết Th. về, “nhân viên” đại lý cũ “vô tình” ghé vào mua lon nước ngọt rồi kể bâng quơ: “Nè, bạn đi có mấy tháng mà “hàng” xuống giá quá trời. Giờ vài trăm ngàn, cả xóm “chơi” xả láng. Mà bạn bỏ được là hay lắm nha!”.

Không hiểu sao, cái cụm từ “hay lắm nha” nghe thấy... kỳ kỳ. Nghe xong “da gà” lại nổi toàn thân. Mấy ngày sau mọi chuyện đâu lại vào đấy, ý chí “cắt cơn, cai nghiện” coi như gửi lại... mặt đất. Th. cai “ke” như vậy, cai “đá” cũng một kịch bản ấy.

Nhung ke
Chuẩn bị "hàng" tại khách sạn trước khi "phê" tập thể

“Thằng cháu em ở nhà xem Tom và Jerry, có đoạn con chuột đi trên trần nhà. Em xem chung với nó. Đêm đến ngồi nghe nhạc “đập đá” một mình tự nhiên em thấy cái trần nhà nghiêng dần, nghiêng dần xuống, em nhảy một cái lên luôn. Lúc tỉnh dậy em thấy mình trong bệnh viện, khâu mấy mũi trên đầu. Mẹ em ngồi bên cạnh vừa khóc vừa kể lại là nghe tiếng em cười, tiếng động mạnh trong phòng, khi chạy vào thì thấy em bất tỉnh. Chắc lúc đó em “ngáo”, Th. kể. Vòng luẩn quẩn cai-nghiện của Th. bi hài tương tự chuyện một con nghiện khác ngụ quận 4 chúng tôi từng gặp ở Bố Lá.

“Lần đầu em đi cai về, người yêu đi lấy chồng. Thằng bạn thân qua động viên. Nó nói cái gì cũng hợp lý, bản thân mình cũng quyết tâm làm lại cuộc đời. Trước khi về, nó gửi lại cho một cái áo mới với cái “nỏ” (bình “đập đá” - PV) mà hồi xưa hai đứa chở nhau lên tận Lái Thiêu đặt làm riêng”, con nghiện kể. Và chắc chắn không cần phải nghe hết, ai cũng hình dung ra kết thúc hành trình đi cai của con nghiện sau khi “kỷ niệm cũ ùa về”.

Chia sẻ những chuyện này với một số bác sĩ chuyên điều trị cắt cơn, giải độc và các điều tra viên án “ma túy” kỳ cựu, chúng tôi đều nhận được cái gật đầu chia sẻ dưới góc độ phân tích tâm lý.

Tình hình thực tế cho thấy, hoàn cảnh, môi trường đang dần trở thành yếu tố quyết định đến tâm lý cai nghiện. Nhiều con nghiện sau khi đi cai về thì... tái nghiện vì ma túy đá được tiếp thị đến tận nhà, thậm chí qua điện thoại, mạng xã hội, các đối tượng mua bán tổ chức sẵn địa điểm cho con nghiện đến chơi.

Ông Trần Hữu Nghĩa, Phó phòng y tế cơ sở xã hội Nhị Xuân, người có thời gian nhiều năm gần gũi, tìm hiểu cuộc sống người nghiện ma túy đá cho biết: “Càng ngày, những bệnh nhân sử dụng ma túy đá có dấu hiệu “ngáo” càng tăng, cả về số lượng lẫn biểu hiện bị phá hủy nhân cách.

Có trường hợp khi vào cơ sở cắt cơn, người nhà phải dùng băng keo loại lớn quấn quanh người như xác ướp để ngăn không cho tấn công người khác. Có trường hợp khi dẫn vào đã được đội sẵn nón bảo hiểm loại xịn nhất vì “ngáo” lên thường húc đầu vào tường.

Khi chúng tôi đến Nhị Xuân, cơ sở vừa tiếp nhận một trường hợp “ngáo đá” ngụ quận 5. Gia đình của con nghiện người Hoa, khi thấy con có biểu hiện nói nhảm về thiên tai, chính trị, nghĩ là bị “ma” nhập nên chạy đi tìm thầy cúng. Thầy chưa đến nơi, hàng xóm láng giềng đã tụ tập kín cổng và gọi báo công an phường.

Mẹ của “ngáo đá” ban đầu nhất định không cho cảnh sát khu vực khống chế con đi test ma túy, nhưng khi nghe nhiều người thuyết phục cũng phải đồng ý. Trước khi để công an áp giải con đi, người mẹ xót con vẫn phải “thòng” anh cảnh sát khu vực một câu xanh rờn: “Nó mà không phải nghiện tui gửi đơn kiện mấy chú lên... Bộ Công an” (!).

Mấy ngày sau, cả gia đình chở nhau lên phường tha thiết đề nghị được xác nhận quý tử “không có nơi cư trú ổn định” để đưa gấp vào Nhị Xuân theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP.

Loay hoay và bất lực

Rạng sáng ngày 5/12/2014, từ những chuyến xe bít bùng của trung đoàn cảnh sát cơ động, những chiếc xe máy lọc cọc của bảo vệ dân phố cùng công an khu vực ngã tư An Sương và nhiều hẻm “ống hút” khác xuất hiện.

Hàng trăm con nghiện trước đó lang thang tiêm chích công khai, nằm vật vờ trước nhà người dân bị thu gom vào cơ sở điều trị. Nhiều người trong số này liên quan đến các vụ cướp giật, trộm cắp. Những đầu mối mua bán, phân phối “ke”, “đá” khi ấy cũng buộc phải “bán xới” ra khỏi thành phố, thậm chí qua cả Campuchia.

Trong bối cảnh 2014, cả hệ thống chính trị với sự đồng thuận của người dân đã triển khai biện pháp cấp bách cần thiết như vậy vì đề án cai nghiện tập trung không hiệu quả. Chỉ sau ba tuần tiến hành thu gom đưa người nghiện đi cắt cơn, sàng lọc địa chỉ cư trú, áp dụng cai nghiện tại gia, cai nghiện cộng đồng, tỷ lệ tội phạm cướp giật, trộm cắp đã được kéo giảm đến mức thấp nhất.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, đó là thời điểm một ký ma túy đá thông thường được con buôn trong thế giới ngầm định giá xấp xỉ một tỷ đồng, hàng xịn có lúc lên tới 1,2 tỷ đồng. Tỷ lệ “đá” trên tổng số ma túy bị thu giữ từ các vụ án khi ấy vẫn chưa vượt ngưỡng 50%.

Theo thống kê mới nhất mà phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM thu thập vào ngày 29/9/2016, tức sau 21 tháng kể từ khi ra quân theo Nghị định 221, các quận huyện trên địa bàn thành phố đã thu gom được 6.183 người nghiện ma túy.

Trong số này, tỷ lệ người nghiện ma túy đá là 3.374 người, vượt ngưỡng 50%. Tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, trong số 2.956 người nghiện lang thang, có đến 1.865 người nghiện ma túy đá, chiếm 63,1%.

Trong số 1.865 người nghiện ma túy đá, thì “độ tuổi vàng” của xã hội (từ 18-39 tuổi) chiếm hơn 90%. Tỷ lệ nữ nghiện ma túy đá cũng tăng mạnh. Đây mới chỉ là những phân tích trên nhóm đối tượng con nghiện theo diện “không có nơi cư trú ổn định”.

Nếu đối chiếu chéo với tổng số 22.000 người nghiện mà thành phố vừa công bố, cùng với tỷ lệ ma túy đá chiếm 87% tổng số ma túy bị thu giữ từ đầu năm 2016 đến nay, càng thấy rõ nguy cơ bùng phát “ngáo đá” cận kề đến mức độ nào.

Chúng tôi có buổi làm việc tại Công an quận 12, một trong bốn quận huyện gian nan nhất về việc chuyển hóa các điểm nóng ma túy và thu gom người nghiện lang thang (Hóc Môn, quận 12, Bình Tân và Bình Chánh).

Không khác tình hình chung là mấy, đại úy Lê Đức Túy, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 12 cho biết: “Từ đầu năm 2016 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 khởi tố khoảng 40 vụ án ma túy, trong đó án liên quan đến ma túy đá chiếm 70%. Qua quá trình trinh sát và tiếp nhận kết quả giám định ma túy đá cho thấy, hầu hết ma túy đá hiện nay đều là ma túy đá tự chế, tỷ lệ methamphetamine và amphethamine ngày càng giảm, các tạp chất độc hại tăng.

Người nghiện thấy “phê” và “sốc” nhanh sau khi sử dụng, nhưng trong “đá” hiện nay là lưu huỳnh, axí t, các loại hóa chất dùng trong sản xuất nhựa nên thời gian phá hủy thần kinh ngày càng rút ngắn. Có trường hợp người nghiện mới sử dụng đến lần thứ hai đã xuất hiện các triệu chứng “ngáo”. Các đối tượng mua bán ma túy đá hiện nay chủ yếu tìm nguồn cung giá rẻ từ phía Bắc chuyển vào, chỉ 200-300 triệu đồng/ 1kg".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công an quận 12 là đơn vị triển khai quyết liệt và có hướng đi khá tinh nhuệ khi bóc gỡ các chuyên án ma túy. Cụ thể, song song với việc truy xét các đầu nậu để khởi tố hành vi tàng trữ, mua bán chất ma túy, Công an quận 12 cũng tiến hành thu gom tất cả các con nghiện.

Nhung ke
Nhóm thanh niên dùng ma túy đá bị bắt tại Q.12, TP.HCM

Tuy nhiên, đại úy Lê Đức Túy cũng cho rằng, các bất cập trong việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiện nay cần sớm điều chỉnh để các địa phương có thể “làm mà không phải sợ”.

Bên cạnh đó, cũng có một thực tế: các trạm y tế phường không đủ cơ sở và nhân lực để xác định tình trạng nghiện. Có trạm y tế chỉ một bác sĩ, mà phường thì có lúc lên đến cả trăm người nghiện, xác định sao cho kịp? Nhiều thông tin cơ sở cho thấy, con nghiện còn “né” cai nghiện bắt buộc” bằng cách tự nguyện đăng ký điều trị methadone vì coi đó là “thuốc chống lên cơn” trong thời gian đợi có ma túy để sử dụng.

Lý giải hoàn toàn hợp lý về việc “linh hoạt” Nghị định 94, đại úy Túy dẫn chứng, trong trường hợp gia đình xác nhận người nghiện “không có nơi cư trú ổn định” và công an phường tiến hành đưa người nghiện đi xác định tình trạng nghiện, rõ ràng có thể áp dụng Nghị định 221 đưa đi cai nghiện bắt buộc. Nhưng thực tế không như vậy, trong vấn đề này, “yếu tố” gia đình đủ để chi phối tinh thần Nghị định 94.

Không chỉ tại quận 12 mà rất nhiều trường hợp ở các quận khác, khi gia đình lên thăm người nghiện đang cắt cơn ở Nhị Xuân, thấy con than khóc nhớ nhà, vật vã vì lên cơn cộng thêm vài lời hứa trong cơn “ngáo” lại làm “nước mắt chảy xuôi”, viết đơn trình bày người nghiện có nơi cư trú ổn định, đề nghị cơ sở Nhị Xuân trả về cai nghiện tại gia hoặc tại cộng đồng.

Thậm chí công an phường động viên, góp ý còn “dính đơn” kiện, đơn “dọa”. Trong trường hợp khó lường nhất và cũng có nguy cơ nhất, đó là người nghiện bộc phát bệnh hoặc cơ thể đã hết sức đề kháng dẫn đến tử vong thì sự việc ngay lập tức đi theo chiều hướng khác.

Trên đây mới chỉ là những yếu tố “khó” và “rối” mà các cơ quan chức năng nhìn thấy và chia sẻ nhằm góp sức vào nhiệm vụ chung của thành phố. Có một vấn đề phát sinh còn khó đến mức “không tưởng” nữa mà khi đi vào chi tiết hành lang pháp lý, chúng tôi mới thấy.

Tháng 9/2016 vừa qua, Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong các phần điều chỉnh có nêu “phòng y tế của các cơ sở có chức năng tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, trong thời gian lập hồ sơ để tòa án nhân dân xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Một luật sư (xin giấu tên) khi được chúng tôi tham khảo ý kiến lắc đầu ngao ngán vì không có luật nào cho phép phòng y tế quản lý, tạm giữ công dân. Đó là chưa nói đến cơ sở vật chất của nhiều trạm y tế còn chưa đủ đáp ứng nổi nhu cầu cấp thuốc BHYT.

Những gì bất khả thi trên thực tế đã rõ, chỉ còn câu hỏi chưa cơ quan nào có thể trả lời, đó là: trong số 11.000 người nghiện ma túy vẫn ở địa phương theo Nghị định 94, mà số đông là nghiện ma túy đá, có bao nhiêu trường hợp đã, đang và sẽ bất chợt lên cơn “ngáo”? Câu hỏi ấy đã đến lúc phải trả lời cho tương lai thành phố và cũng để bánh xe “cai nghiện” không phải lăn trong bị động như những năm về trước.

Con nghiện "đá" trẻ hóa chóng mặt

PV: Một số địa phương gặp khó trong việc xác định tình trạng nghiện. Qua công tác trao đổi phối hợp, tiếp nhận học viên, ông có thể chia sẻ thêm ?

Ông Phạm Chí Bình, Phó giám đốc cơ sở xã hội Nhị Xuân:

Khi tiếp nhận học viên từ các quận huyện, nhiều cán bộ địa bàn cũng nói rằng Nghị định 94 còn bất cập trong thời hạn cai nghiện tại gia và cộng đồng. Để xác định tình trạng nghiện thông qua kết quả test, với những người đã rơi vào biểu hiện ngộ độc nặng, mất kiểm soát hoàn toàn, mà chúng ta thường gọi đơn giản là “ngáo đá” thì gần như các trạm y tế địa phương không thể.

* Vì sao lại như vậy ?

- Nhiều trường hợp có biểu hiện như trên cần đến ba ngày, thậm chí có trường hợp cá biệt cần cả tuần để xác định tình trạng nghiện. Khi bị “ngáo đá”, người nghiện khỏe bất thường, có thể hất văng ba-bốn người khỏe mạnh.

* Những trường hợp như vậy cắt cơn, giải độc tại cơ sở trong bao lâu thì hết?

- Riêng tình trạng “ngáo đá” không có mốc thời gian cố định. Có người sau khi cắt cơn một tháng bỗng nhiên “ngáo” lại. Có người ba tháng. Người nghiện thường gọi tình trạng đó là bị “trô” (retro - giật ngược - PV). Tình trạng này đang xuất hiện ngày càng nhiều với độ tuổi ngày càng trẻ. Chỉ trong năm nay, người nghiện ma túy đá lang thang độ tuổi 18-22 đã bằng 56% của cả ba năm trước cộng lại.

* Có ý kiến cho rằng nên giao cho cơ sở như Nhị Xuân hoặc thành lập thêm đơn vị tương tự chia sẻ áp lực xác định tình trạng nghiện cho địa phương. Ông nghĩ sao về điều này?

- Trong nhiều cuộc họp của lãnh đạo các cấp, vấn đề khó trong Nghị định 94 đã được nhắc đến rất nhiều. Kiến nghị và phương án không thuộc nhiệm vụ của cơ sở như chúng tôi. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu cần thiết chia sẻ áp lực xác định tình trạng nghiện với các địa phương, Nhị Xuân hoàn toàn đủ sức.

 

BS Nguyễn Ngọc Quang, giám đốc trung tâm giá định pháp y tâm thần TPHCM:

Đừng tự tiện khống chế “ngáo đá”!

Tình trạng “ngáo đá” là khi người nghiện ma túy tổng hợp đã bị rối roạn tâm thần cấp. Biểu hiện thường thấy là ảo thanh và ảo giác. Ảo giác đe dọa đi cùng ảo thanh mệnh lệnh. Người bị “ngáo đá” lúc này hình dung ra những tư thế, hành động của người đối diện mà họ thấy nguy hiểm cho bản thân.

Những âm thanh xuất hiện trong đầu lúc này thúc đẩy họ chống lại nhanh nhất và mạnh nhất mà bình thường gần như không thể. Vì vậy, ở nơi công cộng, tuyệt đối nên tránh xa ngay lập tức những người có các biểu hiện quơ tay, vung chân hoặc nói nhảm một mình.

Nên mừng hay lo?

Quận 8 là một trong những địa bàn phức tạp nhất về tội phạm mua bán ma túy trên toàn thành phố. Rất nhiều chuyên án lớn do Công an thành phố và Bộ Công an đã bóc gỡ, trong đó nhiều đối tượng đầu vụ ở quận 8. Sáng 21/6, các phòng nghiệp vụ Công an thành phố đã đồng loạt kiểm tra chín khách sạn trên địa bàn này, phát hiện gần 100 người sử dụng ma túy.

Theo thống kê, từ đầu năm 2016 đến nay, không có người nghiện lang thang nào trong địa bàn này bị thu gom cai nghiện bắt buộc. Con số này nói lên hai vấn đề: Thứ nhất, con nghiện từ các quận huyện khác tìm đến quận 8 để sử dụng ma túy. Thứ hai, tất cả người nghiện tại quận 8 đều cư trú ổn định.

Vinh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI