Giáo dục và phản giáo dục

30/08/2014 - 06:10

PNO - PNO - Thấy những gì diễn ra trong ngành giáo dục hiện nay mà đau đớn lòng. Nhưng đó chính là quả của cái cây đã được gieo trồng không đúng cách từ quá lâu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáng nọ, tôi đến trường X. (xin phép không nêu tên cụ thể) để xin chuyển trường cho con. Bảo vệ nhẹ nhàng mời tôi vô phòng giám thị ngồi chờ thầy hiệu trưởng đang họp giao ban đầu tuần.

Tình cờ ngồi đấy vài phút mà thấy nhiều thứ không muốn thấy. Nói như Nguyễn Du: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Khoảng 2 phút đầu, có ba nữ và hai nam sinh đi trễ lễ chào cờ. Đó là hành vi vi phạm nội quy cần xử lý theo quy định nhà trường. Các em được giám thị cho ngồi làm kiểm điểm. Nhưng vì thái độ các em chưa nghiêm túc nên giám thị mất bình tĩnh.

Cô giám thị buông ra những lời rất khó nghe, không còn tác phong của một nhà sư phạm chuẩn mực. Cô dùng những từ ngữ như: “Mấy người cứng đầu quá, tôi nói hoài không nghe”, “Cô kia, lần này là lần thứ ba, tôi tống cô ra khỏi trường này, mất nết, đi học tóc tai vậy hả”...

Vừa nói cô giám thị vừa có ngôn ngữ cơ thể, động tác, cử chỉ, điệu bộ rất khó coi, khó có thiện cảm… Cô ấy làm tất cả để răn đe, giáo dục học sinh nhưng chắc là những học sinh vi phạm nội quy kia không phục. Tôi thấy các em vừa viết, vừa liếc nhìn, vừa thì thầm gì đó với nhau.

Nói một cách khác, cô ấy không đủ nội lực để chuyển hóa thái độ học trò, cô ấy chỉ gào, mắng, trách và nguýt. Dù cô ấy có thuyết giảng bao điều về kỷ luật, về giáo dục nhưng tất cả như nước đổ đầu vịt, thì cách làm ấy là “vô giáo dục”, “phản giáo dục".

Giao duc va phan giao duc

Sau đó, cô chủ nhiệm của những em nọ, được gọi đến để nhận “những đứa con ngỗ nghịch của mình”. Lúc bấy giờ các em vi phạm được yêu cầu xếp hàng ngang và tiếp tục nghe những lời “giáo dục” trong cơn giận dữ, với các hành vi thiếu tính sư phạm như gọi học trò bằng “mấy người”, “cứng đầu”, “vô kỷ luật”, “quá khứ vàng son như vậy mà còn cứng cổ, cứng đầu”… và nhận ngón trỏ chỉ vào mặt với ánh nhìn dữ tợn, căm tức như đang đối mặt kẻ thù chứ không phải với cái nhìn của một người thầy đầy đủ tình thương và trách nhiệm.

Những “ngôn ngữ cơ thể" ấy, hay thái độ hằn học của người giáo viên làm sao học trò có thể phản ánh, có thể tường thuật hay hội đồng kỷ luật có đủ chứng cứ để kỷ luật giáo viên về việc xúc phạm nhân phẩm học sinh. Nhưng chắc chắn, những lời mắng nhiếc ấy, những cử chỉ, thái độ thiếu sư phạm của những vị kia sẽ đi vào tâm hồn các em. Sau này lớn lên, khi có cơ hội, các em sẽ cho lại đời những gì các em đã nhận ở mái trường.

Dù các em có thể đang vi phạm nội quy nhưng nhân phẩm của các em ấy cần được tôn trọng. Nếu bây giờ các em được tôn trọng nhân phẩm thì khi lớn lên trở thành quan chức, hay viên chức thì các em ấy chắc chắn sẽ biết tôn trọng nhân dân. Còn không, ngược lại hoàn toàn.

Nếu có một cuộc điều tra âm thầm, chỉ để thấu hiểu và tìm ra nguyên nhân khắc phục chứ không để trừng phạt hay lên án, tôi tin chắc tỷ lệ giáo viên mắng nhiếc, chửi rủa học trò khi chúng nghịch, khi vi phạm, khi bị điểm kém, khi nghịch ý giáo viên, là con số không nhỏ.

Chúng ta sẽ thấy môi trường sư phạm hiện nay thiếu lời khen, thiếu tình người, thiếu tính sư phạm rất nhiều vì phần lớn đầu óc của những người đang tham gia giáo dục bị rối loạn đủ điều, còn con tim thì thiếu mẫn cảm.

Theo tôi, nếu có nghiên cứu thì nghiên cứu tại sao giáo viên được học đủ thứ trên đời từ tâm lý học sinh đến bồi dưỡng thường xuyên, từ nghị quyết đến học tập và làm theo lời Bác…, nhưng lại ứng xử thiếu văn minh, hay tiêu cực và tham nhũng trong giáo dục ngày càng nhiều.

Nghiên cứu, điều tra để tìm giải pháp giúp nhau cùng tiến bộ, chứ không phải để trừng phạt phê phán thì tôi nghĩ người trong cuộc sẽ được nói thẳng, nói thật nhiều điều mà không bị “nỗi sợ” mất việc đe dọa.

Còn nếu trừng phạt giáo viên có hành vi xúc phạm nhân phẩm học trò, mà không tìm ra cách giúp họ loại bỏ thói quen, hành vi trên thì vấn đề chỉ giải quyết phần ngọn. Giáo dục thật sự không chỉ dừng ở cung cấp kiến thức, trách phạt mà là chuyển hóa thái độ, chuyển hóa nhận thức, chuyển hóa hành động của một con người.

Thấy những gì diễn ra trong ngành giáo dục hiện nay mà đau đớn lòng. Nhưng đó chính là quả của cái cây đã được gieo trồng không đúng cách từ quá lâu.

Nhân Tiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI