Du lịch Nha Trang lo bị "Trung Quốc hóa": Chuyện không lạ

30/05/2016 - 18:19

PNO - Người Trung Quốc đến Khánh Hòa bằng visa du lịch, làm trưởng đoàn dẫn khách, nhưng thực chất là những người chủ công ty du lịch ở Trung Quốc

Du lich Nha Trang lo bi
Một gia đình Trung Quốc chuẩn bị xuống tắm biển Nha Trang. Ảnh: Zing

Trung Quốc nắm đằng chuôi

Theo thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa, 5 tháng đầu năm nay, lượng du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa tăng đột biến với 175.000 lượt, xấp xỉ bằng cả năm 2015 (180.000 lượt) và dự báo còn tiếp tục tăng cao.

Điều đặc biệt ở đây là, rất nhiều khách sạn tại Nha Trang đều được các công ty lữ hành đưa khách Trung Quốc đến đây đặt kín chỗ. Điều này khiến cho nhiều công ty du lịch trong nước không đặt được chỗ cho đoàn khách nội địa. Thậm chí có nơi còn đề nghị phải thương lượng với bên trung gian để nhận được phòng.

Trên Tuổi trẻ TP.HCM, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, khách Trung Quốc đến quá đông, họ sang đây thuê trọn khách sạn, nhà hàng đẹp và những cơ sở dịch vụ khác rồi tiến hành quản lý, điều hành luôn những khách sạn nhà hàng ấy.

Một số người Trung Quốc đến Khánh Hòa bằng visa du lịch, làm trưởng đoàn dẫn khách, nhưng thực chất là những người chủ công ty du lịch ở Trung Quốc.

Thông qua chức danh trưởng đoàn này, họ điều hành toàn bộ, từ sắp xếp khách sạn cho khách đến mua sắm ở đâu, tới điểm đến nào mà không cần mở doanh nghiệp hay đăng ký kinh doanh.

Thêm vào đó, có những loại hàng hóa được mang lậu từ Trung Quốc về rồi đóng mác hàng Việt Nam, bán khép kín cho người Trung Quốc.

Những điều này đã đặt ngành du lịch Nha Trang đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc hóa. Một khi người Trung Quốc nắm trọn những cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, vui chơi thì họ có thể dễ dàng thao túng hoạt động du lịch của cả vùng.

Trong khi cơ sở hạ tầng ngành du lịch của Khánh Hòa mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để có được như hiện tại thì người Trung Quốc mặc dù không có đóng góp gì nhưng lại đang trực tiếp thu lời từ đó. Rõ ràng, Trung Quốc đang nắm đằng chuôi trong hoạt động kinh doanh du lịch tại Khánh hòa.

Đã từng xảy ra việc tương tự

Trên thực tế, cách làm này đã từng được người Trung Quốc áp dụng không chỉ xảy ra trong ngành du lịch. Gánh chịu hậu quả nặng nhất là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Cách đây không lâu, vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4, tại một số tỉnh miền Nam, nhiều thương lái Trung Quốc núp bóng du khách, tới Việt Nam thông qua đường Visa du lịch để thu mua thanh long.

Những thương lái này đã tiếp cận và hỗ trợ một phần vốn cho người Việt mở kho lạnh và hứa hẹn sẽ thu mua. Chính vì thế, sản phẩm làm ra sẽ do thương lái Trung Quốc định đoạt giá. Nếu người trồng không bán với giá rẻ sẽ chịu cảnh ế ẩm.

Đối với nhiều loại hàng nông sản như ớt, xoài, thanh long, dưa hấu, Trung Quốc đã từng thu mua giá cao sau đó ngừng thu mua khiến người nông dân điêu đứng vì giá giảm mạnh.

Cụ thể, đối với xoài, có thời điểm giá xoài duy trì ở mức 22.000 – 25.000đ/kg. Rồi giá lại kỷ lục giảm chỉ còn 500 – 600đ/kg do Trung Quốc ngừng mua. Ớt ở Bình Định cũng rơi vào tình trạng tương tự khi phía Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua khiến giá ớt giảm tới 15 lần. Nhiều ruộng ớt đến kỳ thu hoạch mà không có người mua.

Không riêng gì ớt, xoài mà cả dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bị dồn ứ, giá dưa hấu giảm mạnh có những khi chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, dưa hấu phải đổ bỏ cho trâu bò ăn.

Dư luận cho rằng, cần phải có một cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ đối với những hoạt động làm ăn không minh  bạch của người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời, xử lý thật nặng đối với những hành động tiếp tay cho người Trung Quốc kinh doanh trái phép ở nước ta nhằm thu lời bất chính.

Phi Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI