Chia sẻ kinh nghiệm “tay hòm chìa khóa”

05/09/2013 - 06:53

PNO - PN - Vai trò của Hội trong việc vận động, hướng dẫn phụ nữ mua sắm, tiêu dùng cho gia đình là chuyên đề vừa được Hội LHPN TP.HCM tổ chức, thu hút nhiều hội viên phụ nữ (HV PN). Giữa “mê trận” hàng gian - hàng giả, thực phẩm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Không còn là buổi báo cáo chuyên đề, chương trình đã trở thành diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm “tay hòm chìa khóa”. Hơn 1.000 lượt PN đủ thành phần, từ cán bộ Hội, HV PN, tiểu thương đến các nữ doanh nghiệp, nhân viên văn phòng… đều tranh thủ đến sớm, chuẩn bị giấy bút sẵn sàng.

Chị Lê Thái (HV PN chung cư Bình Thới, Q.11, TP.HCM) hào hứng: “Mỗi lần đến chợ mình thường mua rất nhiều món, nhưng về kiểm tra lại thì thấy nhiều thứ không cần thiết. Chỉ sau hai giờ đồng hồ nghe chương trình, mình “vỡ” ra, muốn “hãm” tật mua sắm vô tội vạ rất đơn giản, chỉ cần đem tiền vừa đủ, bắt tay với khuyến mãi đúng lúc, sáng suốt với quảng cáo tại chỗ… Bên cạnh đó, Hội còn giúp xây dựng bữa ăn tiết kiệm mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Nhẩm tính, nếu áp dụng đúng hướng dẫn, mỗi tháng mình tiết kiệm được hơn 10% tiền chợ”.

Có lẽ mỹ phẩm là mặt hàng được chị em quan tâm nhiều nhất. Trong khi đó, thị trường mỹ phẩm rất khó lường: hàng trôi nổi, hàng giả, kém chất lượng, hàng lậu… với đầy đủ các tiếng Tây, Tàu khiến chị em không biết phải lựa chọn thế nào. “Tại sao không chọn hàng có tiếng Việt để ai cũng đọc được, biết được tác dụng của mỹ phẩm”, chị Trần Thanh Loan (bán hàng mỹ phẩm chợ Bà Chiểu, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) đặt vấn đề.

Chị Võ Thị Thanh Nhàn (25 tuổi, nhân viên văn phòng) không ít lần “mếu máo” khi mua hàng trên mạng. Chia sẻ của chị lập tức nhận được nhiều hiến kế hay: Bạn hãy lựa chọn công ty uy tín; đừng ham của rẻ; xem kỹ hình ảnh mô tả sản phẩm… Mỗi người góp một ý khiến hội trường càng lúc càng sôi nổi. Chị Bùi Thị Hạnh - Hội LHPN H.Cần Giờ tiếc nuối: “Nhờ chương trình, tôi hiểu rõ hơn về những quyền lợi của người tiêu dùng; cập nhật nhiều thông tin về các hàng hóa kém chất lượng để thông báo với chị em địa phương. Tuy nhiên do thời lượng chương trình khá ngắn nên nhiều chị em có nhiều tâm tư, thắc mắc vẫn chưa kịp hỏi. Mong sao chuyên đề được tổ chức hàng quý, có thêm nhiều chuyên gia tư vấn, “gỡ rối” cho chị em nội trợ”.

Chia se kinh nghiem “tay hom chia khoa”

Nhiều bà nội trợ nhờ tham gia chương trình tư vấn của Hội PN mà không còn "đau đầu" mỗi khi ra chợ

Thực ra, việc hướng dẫn HV PN cách chi tiêu tiết kiệm thời “bão giá”, cách lựa chọn thực phẩm an toàn… đã được Hội cơ sở chủ động triển khai từ lâu. Ví dụ: Hội LHPN Q.10 thành lập các mô hình, CLB liên quan đến mua sắm, tiêu dùng ngay tại chợ; huấn luyện tiểu thương thành đại sứ hàng Việt; lập các gian hàng kiểu mẫu, an toàn để bà nội trợ yên tâm khi đến chợ; Hội LHPN Q.Gò Vấp, Hội LHPN Q.11… năm nào cũng tổ chức tập huấn, chia sẻ bí quyết “trở thành bà nội trợ thông minh” dành cho PN trong và ngoài Hội; những cửa hàng Hội PN với hàng chất lượng, giá bình ổn đã có mặt ở khắp các phường xã thuộc 24 quận/huyện. Chị Vũ Thế Vân, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Q.3 bộc bạch: “Người nội trợ thông minh là người biết tính toán chi tiêu hợp lý, biết bảo vệ gia đình trước nguy cơ hàng kém chất lượng, biết cách “nói không” với hàng hóa khi cần thiết… Đó chính là những điều Quận Hội muốn trang bị cho HV”.

Theo nhiều HV PN, các chương trình tư vấn của Hội rất hữu ích, cung cấp nhiều kiến thức cần thiết cho chị em. Tuy nhiên, nhiều chương trình vẫn bó hẹp theo kiểu tuyên truyền “chay” nên chưa hấp dẫn. Chị Nguyễn Thị Phương (HV PN xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) bày tỏ: “Chuyên gia phân tích hàng thật - hàng giả rất hay nhưng nếu có nhiều hình ảnh minh họa cụ thể sẽ hiệu quả hơn là nói suông. Theo tôi, Hội có thể phối hợp thêm các chuyến tham quan tại chợ, cửa hàng để so sánh các sản phẩm”.

 Lê Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI