Chàng trai có bạn gái là tiếp viên hàng không tiết lộ những điều "cực khổ" về nghề sang chảnh

06/09/2016 - 06:52

PNO - Tâm sự của một chàng trai có người yêu là tiếp viên hàng không khiến người đọc có cái nhìn khác về một công việc mà nhiều bạn trẻ đang mơ ước.

Với lớp vỏ hào nhoáng, tiếp viên hàng không là một nghề sang chảnh, lương cao, được nhiều người mơ ước. Nhưng sau khi đọc xong những dòng tâm sự của một chàng trai có bạn gái là tiếp viên hàng không này, rất nhiều người đã thay đổi suy nghĩ.

Anh là Trần Hưng - một họa sỹ, sống và làm việc tại Hà Nội. Mặc dù không hoạt động trong lĩnh vực hàng không nhưng qua những câu chuyện thực tế, tình yêu của anh dành cho người con gái anh yêu thương đã khiến anh hiểu rõ hơn bao giờ hết nỗi vất vả đặc thù công việc của một nữ tiếp viên hàng không.

"Sau này có yêu ai, em chừa ra, đừng có yêu tiếp viên hàng không"

Anh Hưng bắt đầu câu chuyện: "Hồi trước, mình có một người chị gái từng làm tiếp viên hàng không. Hai chị em chơi thân, đi làm về, chuyến nào có thời gian, đều đi café, chuyện vui chuyện buồn đi bay, chị không thể tâm sự được với ai trong nhà nên đi café với mình, chị nói ra hết.

Hồi đó chỉ biết nghe thôi, chứ không biết phải động viên chị như nào. Sau đấy, vì lý do sức khỏe mà chị bệnh nặng rồi mất. Lúc cuối, chị chỉ bảo mình đúng một câu “Sau này có yêu ai, em chừa ra, đừng có yêu tiếp viên hàng không”.

Sau nhiều bôn ba cuộc đời, cuối cùng mình lại yêu một nữ tiếp viên hàng không.

Thực sự, cuộc sống của tiếp viên hàng không nhìn từ ngoài vào nhiều người nghĩ là sướng, được đi nhiều, đi làm có xe đưa rước, lương cao. Nhưng nếu đi sâu vào rồi thì mới hiểu, tiếp viên hàng không chỉ là một nghề mà cái hư danh, cái hào hoa thì nhiều, còn bề chìm bên dưới, không ai thấy được hết những vất vả của nghề này, trừ chính những người đã và đang làm tiếp viên hàng không rồi thì mới có thể thấu hiểu được.

Nếu bạn đi chuyến bay đầu tiên trong ngày, bạn sẽ phải lên sân bay sớm trước giờ bay 2 tiếng để làm thủ tục, tiếp viên hàng không cũng vậy. Nếu đi chuyến đầu tiên, các bạn ấy cũng phải đi vào lúc 3h sáng để làm các thủ tục bình thường nhất của một chuyến bay. Chuyến nào bay về muộn, bị delay nhiều, đến 12h đêm, 1h sáng mới đáp thì các bạn ấy cũng phải về muộn như những hành khách trên chuyến bay ấy.

Còn những chuyến bay đêm, các hành khách lên máy bay là được chợp mắt nghỉ ngơi, tiếp viên thì không, hầu hết tranh thủ thay nhau nghỉ ngơi rồi đi “chăm sóc” các hành khách. Đi đường trung và đường dài, sang đến bên nước bạn, lệch múi giờ, rồi phải tranh thủ ngủ bù sau một chặng đường dài, ngủ dậy lo ăn uống, nghỉ ngơi rồi lại xách vali ra sân bay bay về.

Bản thân mình là một hành khách. Lên máy bay chặng ngắn, ngồi một chỗ chừng 1 tiếng là thấy chồn chân rồi, vì trong cái không gian nhỏ hẹp như vậy, tầm nhìn chỉ là khoảng trời ngoài kia nếu ngồi ghế bên cạnh cửa sổ máy bay, còn không cũng chỉ là cái tựa lưng ghế của người đằng trước. Mình là hành khách còn như vậy huống hồ các bạn tiếp viên, ngày ngày cũng chỉ có mỗi chừng đó không gian, đi lên và đi xuống. Nhìn quanh nhìn lại thì cũng chỉ có cái không gian nhỏ hẹp đó, và những hàng ghế.

Đấy là chưa kể đồ ăn trên máy bay có sao thì các bạn ấy ăn vậy. Mình cũng từng đi hạng C, đồ ăn hạng C nói thật vẫn chỉ là đồ ăn sẵn, theo tiêu chuẩn hạng C của hãng không thôi. Nhớ hồi đầu đi công tác mình còn ăn, sau này nhìn đi nhìn lại vẫn chỉ mấy món như thế, lên máy bay chỉ muốn ngủ. Còn tiếp viên, họ phải ăn như vậy quanh năm suốt tháng. Muốn thay đổi cũng không được. Nếu là các bạn khác, các bạn có ăn riết được 1 vài món triền miên ngày này qua ngày khác không?

Ngày trước, chị gái mình nói chuyện thì biết phần nào, nhưng khi yêu rồi mới hiểu hơn nhiều điều khác nữa. Áp lực công việc, thực sự chỉ là một phần. Làm tiếp viên hàng không không khác gì làm dâu trăm họ. Lên máy bay, khách đi máy bay mà có ý kiến gì, khiếu nại gì, phàn nàn gì về chất lượng phục vụ của chuyến bay đấy thì mọi tội vạ đều đổ lên đầu tổ tiếp viên bay chuyến đó.

Thậm chí, có những sự cố khách quan thuộc về phần kỹ thuật của máy bay nhưng ảnh hưởng đến chuyện gì đó của hành khách, tổ tiếp viên cũng là những người đầu tiên đứng mũi chịu sào, vì họ là người trực tiếp thực hiện dịch vụ của chuyến bay đó. Nguyên tắc công việc ở Việt Nam bao giờ cũng thế, chẳng ai chịu nhận trách nhiệm về sự cố cả nên những người ở phần trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chính là những người phải chịu trách nhiệm của công việc ấy.

Còn nhớ nhiều năm trước, mình từng đọc về tiêu chuẩn sức khỏe và áp lực nếu trở thành phi công. Thực sự, mình phải công nhận, những người đi bay là “siêu anh hùng”. Vì mình nhìn bảng đánh giá sức khỏe, mình thấy nể. Nhưng phi công áp lực một, tiếp viên áp lực hơn 5-7 lần. Vì tiếp viên còn phải bao quát hết hơn trăm hành khách, hay nói chính xác, khi lên trời,máy bay là một thế giới riêng mà ở đó, họ như bảo mẫu, như một nhà quản lý, như một bác sỹ, như một nhà tâm lý, … Họ phải kiêm rất nhiều nghề trên cùng một chuyến bay trong khi vốn dĩ, họ chỉ được đào tạo duy nhất nghiệp vụ trở thành tiếp viên hàng không chứ không phải trở thành một “siêu anh hùng” như vậy.

Chang trai co ban gai la tiep vien hang khong tiet lo nhung dieu
Trên máy bay, tiếp viên hàng không như một nhà quản lý, bác sĩ, nhà tâm lý,... (Ảnh minh họa)

Ai đó từng nói với mình rằng, tiếp viên hàng không được đi nhiều, có điều kiện mua sắm nhiều thứ đồ mà trong nước không mua được. Vâng, hầu hết các bạn mới vào nghề đều háo hức là được đi nhiều, còn những ai đi làm lâu rồi thì đi đường trung - đường dài đều tranh thủ ngủ cho lại sức rồi sau đó, họ tranh thủ đi mua sắm. Nghe từ “mua sắm” rất là sung sướng, nhưng kỳ thực, họ đi chợ, họ mua đồ hộ người này người kia để kiếm thêm tiền ship. Vào nghề đi rồi sẽ hiểu, lương tiếp viên hàng không là bao nhiêu một tháng?

Mình phải khâm phục những bạn nữ làm tiếp viên hàng không, vừa sắp xếp được công việc, vừa phải hoàn thành xuất sắc công việc ấy, vừa tự chăm sóc sức khỏe bản thân, vừa chăm lo gia đình, chồng con, vừa phải suy nghĩ kiếm thêm đồng ra đồng vào cho gia đình.

Còn cuộc sống thường nhật, gia đình các bạn ấy nhiều khi chỉ biết con cái mình, anh chị em mình đi sớm về khuya, rồi được làm công việc mà trong xã hội nhiều người thấy là vip, là sang chảnh, lương cao, chứ mấy ai hiểu được những áp lực ngầm bên dưới của công việc ấy.

Đi làm về, áp lực có khi chỉ dám tự mình giảm tải, tự mình tìm cách xả stress mà không dám chia sẻ với bố mẹ, với anh chị em vì sợ mọi người lo lắng, sợ mọi người suy nghĩ nhiều. Và cứ thế, lâu dần thành một thói quen, tự mình nghĩ, tự mình gánh vác,… Ai hiểu được, thông cảm được thì người ta cũng chỉ được vài ba lần ở bên cạnh để chia sẻ. Và còn là câu chuyện có đi có lại nữa, khi bạn làm chỗ dựa tinh thần cho một người bạn thân là tiếp viên hàng không, vậy khi bạn cần, người ta lại đang ở một phương trời xa xôi nào đó, và rồi, lâu dần, bạn cũng không làm chỗ dựa mãi thế được. Tình bạn chỉ là lúc vui, lúc rảnh, … ở bên nhau mà thôi.

"Yêu tiếp viên hàng không khổ 1, làm chồng tiếp viên hàng không khổ 100 lần"

Mình không biết các chàng trai khác yêu các bạn nữ tiếp viên hàng không như thế nào. Nhưng mình từng biết, có những chuyện không biết nên khóc hay nên cười khi có bạn gái, vợ là tiếp viên hàng không. 28 Tết, cô vợ xách vali đi làm, anh chồng nghe xong, im lặng không nói câu nào hết, ức chế vì đã hẹn với bố mẹ là hai vợ chồng về ăn cơm cuối năm, giờ vợ lại đi làm, cả năm không sao, nhưng ngày Tết thì … Mùng 2, vợ đi làm về sau một chuyến bay đường dài, gọi điện cho chồng đến đón, chồng dỗi không nghe máy, cũng không đi đón, im lặng luôn. Và còn nhiều câu chuyện khác nữa …

Bạn gái mình cũng là một nữ tiếp viên hàng không. Ngay khi mình thông báo cho vài người bạn, vài anh chị quen thân là mình xác định con đường phía trước sẽ đi cùng một người như vậy. Hầu hết mọi người đều cản, thậm chí còn gạt đi, chỉ duy nhất một người anh, sau khi nghe xong chỉ nói đúng một câu “nếu xác định rồi thì đừng có làm sai, không sau này bỏ nó, tội nó, tội con cái mình”.

Cũng có vài người bạn nói “yêu tiếp viên hàng không khổ 1, làm chồng tiếp viên hàng không khổ 100 lần”. Mình nghe chỉ cười thôi, vì mình chỉ nghĩ, các bạn nữ làm tiếp viên cũng đã thiệt thòi nhiều thứ, chẳng nhẽ họ không có quyền được hưởng những hạnh phúc bình dị như những người phụ nữ làm công việc khác.

Từ khi còn nhỏ và cả sau này nữa, mình vẫn giữ suy nghĩ, tiếp viên hàng không là những người đại diện cho bộ mặt của một quốc gia. Vậy họ mang trong mình trọng trách lớn lao ấy, tại sao họ lại phải chịu thiệt thòi hơn người khác. Công việc càng áp lực thì càng cần có người bạn để sẻ chia, để nói chuyện, để tâm sự giảm tải áp lực chứ. Và người bạn ấy không hơn gì chính là bạn trai, là người chồng của họ.

Đương nhiên, làm bạn trai, rồi làm chồng của một nữ tiếp viên hàng không là phải đồng hành với các bạn nữ tiếp viên, từng chút một, buồn vui, cảm xúc thăng trầm đều phải sát cánh, sẽ có nhiều lúc, các bạn đi làm, người chồng ở nhà phải kiêm nhiệm những việc mà vốn dĩ người phụ nữ phải làm, quán xuyến việc trong nhà, lo cho con cái, đưa đón con đi học, rồi chuyện hai bên gia đình.

Khi xác định yêu, mình đều tìm hiểu thêm những gì một nữ tiếp viên hàng không phải trải qua. Nghe các chị đã đi làm nói chuyện, các bạn đang đi làm, rồi đọc báo, rồi đọc nhiều sách tâm lý, và cuối cùng, mình hiểu được những gì mà người bạn gái của mình phải trải qua. Tết xa nhà, những ngày lễ mà đáng lẽ các đôi được hẹn hò đi chơi với nhau thì lại phải xa nhau, đi làm về tranh thủ gặp nhau, đi ăn đi uống, rồi lại để cô ấy về nghỉ ngơi, … Nhiều hôm biết cô ấy mệt nhưng vẫn tranh thủ chạy sang, ôm một cái rồi đi về. Cái nắm tay thật chặt, cái ôm thật chặt những lúc mệt mỏi, áp lực, … quả thật giúp cho cô ấy rất nhiều để vực tinh thần lên chuẩn bị tốt cho một chuyến bay dài.

Thời hiện đại, may mắn công nghệ thông tin phát triển, có điện thoại smartphone, có các ứng dụng điện đàm, nhắn tin, ở xa nhau nhưng vẫn biết tin nhau. Mỗi lần cất cánh, đọc tin nhắn của người ở nhà chúc chuyến bay an toàn và vui vẻ là người đi làm cũng thấy tiếp thêm nghị lực. Mỗi lần đáp, người đi làm nhắn một câu “Em đáp rồi”, người ở nhà cũng thấy giảm bớt lo âu, bớt những áp lực đợi chờ - nhớ nhung.

Mỗi chuyến đường trung – đường dài, sang đến bên nước bạn, cũng chỉ tranh thủ nhắn vài câu rồi cô ấy lại lo ngủ với nghỉ ngơi, nhiều hôm nhìn món ăn mà cô ấy gửi qua viber mà nghẹn lòng. Vì chuyến nào đi cũng chỉ có bằng ấy thứ, chẳng thay đổi được gì khác. Có những hôm mệt, stress, thậm chí còn chỉ có uống sữa, ăn vài miếng bánh quy, bánh mỳ, làm 1-2 trái cây rồi ngủ, …, biết như thế, thấy đắng trong lòng mà không biết làm gì hơn. Điều duy nhất chỉ biết động viên cô ấy cố gắng lên, về nhà mình sẽ đưa đi ăn thay đổi món, hoặc sẽ vào bếp nấu vài món cho cô ấy ăn.

Bây giờ yêu thì vậy, sau này lấy nhau rồi, người ở nhà sẽ còn nhiều điều khác nữa phải chia sẻ, phải gánh vác với người đi làm. Nhưng nhìn cô ấy ăn, nhìn cô ấy lấy lại tinh thần và vẫn cười tươi tự tin, rạng ngời là lại thấy vui và ấm áp trong lòng. Nhiều hôm ở nhà trời trở gió, rồi trời mưa, lại mở lịch ngồi xem mấy giờ cô ấy đáp, đi về có lạnh không, có mưa ướt không,…

Mình biết, nhiều người bạn nghĩ mình công tử, thiếu gia này nọ, xưa giờ con nhà chỉ biết an nhàn hưởng thụ, … nên chắc không thể chấp nhận và vượt qua được những vất vả của nghề tiếp viên hàng không. Nhưng thực sự, mình chỉ tâm niệm một điều, nữ tiếp viên hàng không cũng là phụ nữ, mà đã là phụ nữ thì cũng có quyền được hưởng hạnh phúc và sự bình yên như bao người phụ nữ bình thường khác.

Riêng với bạn gái mình, không phải với cá nhân mình, mà nhiều lúc trong các câu chuyện với bạn bè, với gia đình, với bố mẹ, mình cũng chỉ nói một điều rằng, “chỉ cần cô ấy đi làm có thể cười tự tin và rạng ngời thì hy sinh như vậy hay như nào nữa có đáng gì, cô ấy là hình ảnh của một đất nước, tại sao lại không đáng chứ? Cô ấy xứng đáng nhận được hạnh phúc và sự bình yên”. Mình tự hào khi có bạn gái là một nữ tiếp viên hàng không.

*Tên tác giả bài viết đã được thay đổi

Trần Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI