NS Ái Như: Lớn lên với kịch miền Nam

04/05/2014 - 03:10

PNO - PNCN - Khởi nghiệp diễn viên (DV) trên Sân khấu Nhỏ 5B Võ Văn Tần (nay là Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TP.HCM) khoảng cuối thập niên 1980 bằng những vai diễn trẻ con trong các vở Hào quang bóng tối, Elena thân yêu, Sân ga tình người… lần...

edf40wrjww2tblPage:Content

DV Ái Như khi ấy được khuyên nên đổi giọng. Và sau đó, suốt bao nhiêu năm qua, gần như không còn mấy khán giả biết DV Ái Như là người gốc Huế, từng phát âm rặt giọng Huế khi đã gần 30 tuổi. Chị là vậy, một khi đã làm gì sẽ làm với quyết tâm cao nhất. Dường như chị không bao giờ chịu khuất phục, lùi bước trước khó khăn.

Không chỉ khẳng định tên tuổi của mình bằng các vai diễn tính cách đa dạng trên SK Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TP.HCM, Idecaf, Ái Như còn được công chúng yêu mến trong vai trò đạo diễn (ĐD) hay đồng tác giả với NSƯT Thành Hội (Hoàng Thái Thanh) ở hàng chục vở diễn: Khúc nhạc lòng của vị mục sư, Đùa với tình yêu, Bay trên cô đơn, Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cám ơn mình đã yêu em, Đèn không hắt bóng…

Thời học phổ thông, chưa bao giờ Ái Như tham gia vở kịch nào của lớp, nhưng năm 1980, ngay lần đầu thi tuyển vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Ái Như đã vượt qua gần 800 thí sinh để trở thành một trong 20 học sinh của khóa học. Chưa học được nửa năm, Ái Như bị mẹ bắt buộc phải nghỉ để xuất cảnh theo gia đình. Nhưng chị quyết định ở lại Việt Nam và bươn chải với đủ nghề để mưu sinh, và cũng từ đó, chị hiểu mình yêu SK như chính cuộc sống.

Trong mắt đồng nghiệp, Ái Như là một nghệ sĩ rất chịu khó và cũng rất… khó chịu. Không bao giờ chấp nhận kiểu làm nghề qua loa, đại khái, chị luôn đặt mục tiêu tất cả phải hoàn hảo nhất trong khả năng có thể. Ngược lại với vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, chị luôn thể hiện sự quyết liệt cả trong vai trò ĐD lẫn DV.

NS Ai Nhu: Lon len voi kich mien Nam
Ái Như vai bà Hai Sa trong vở Sông dài

* Là một nghệ sĩ thành danh tại TP.HCM, tình cảm chị dành cho mảnh đất này như thế nào?

- Tôi không phải sinh ra ở TP.HCM mà ở Huế, nhưng tôi vào thành phố này sinh sống trước ngày đất nước thống nhất. Nếu nhìn nhận một chặng đường dài và nói về sự phát triển, tôi cho rằng thành phố đã có những thay đổi đáng kể về nhiều mặt, nhất là về kinh tế, nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại điều đáng lo về cách ứng xử của một số người vô cảm, ích kỷ. Còn nói về cảm xúc cá nhân thì Huế là nơi tôi nhớ đến, nhưng TP.HCM mới là nơi tôi gắn bó.

* Vậy là chị yêu thành phố này hơn chị tưởng...

- Thì tôi có nói là mình ghét thành phố này đâu (cười), chỉ cần xa TP này vài ngày là tôi lại nhớ, lại muốn quay trở về. Năm tôi hai mấy tuổi, cả nhà tôi ra nước ngoài nhưng tôi chọn ở lại, dù quyết định đó làm tôi ray rứt vì mẹ tôi rất buồn. Nhưng tôi ở lại vì mê SK và muốn được sống với SK.

* Mới đây, Sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng lại Đèn không hắt bóng, giao cho toàn bộ DV trẻ. Phải chăng chị đã hoàn toàn tin tưởng vào lớp học trò mình đã dày công dạy dỗ?

- Trước đây, chúng tôi từng dựng vở này với tên Mùa đông cuối cùng, còn vở được dựng lại với tên gọi Đèn không hắt bóng cũng đã diễn được một thời gian. Với lần trở lại của Đèn không hắt bóng, lý do giao hoàn toàn cho dàn DV trẻ, anh Thành Hội đã có đôi lời với khán giả trong hôm giới thiệu đầu tiên. Các em đã đi cùng chúng tôi rất nhiều năm, đã đến lúc các em cần có một cơ hội lớn hơn. Chúng tôi mong khán giả chấp nhận các em như từng chấp nhận một Ái Như, Thành Hội của cách đây mấy chục năm. Về phía các em, đây là một thử thách, buộc các em dấn thân hơn nữa, cố gắng hơn nữa. Việc làm này, với chúng tôi là không dễ chút nào, nhưng nếu bây giờ không làm, trong khi thế hệ DV của chúng tôi đã lớn và không còn bao lâu nữa sẽ không thể đứng trên SK, vài năm tới sẽ còn ai phục vụ khán giả?

NS Ai Nhu: Lon len voi kich mien Nam
Vai Út Trâm trong vở Chuyện bây giờ mới kể

* Nhưng, đó không chỉ là bài toán về DV mà còn là bài toán về kinh tế, DV tên tuổi thì khả năng “kéo” khán giả đến rạp sẽ nhiều hơn, doanh thu cao hơn… Chị không lo lắng sao?

- Nói thật là hiện tiền đầu tư của chúng tôi vẫn một đi không trở lại. Không chỉ DV trẻ, ngay cả DV tên tuổi cũng thế thôi, chúng tôi vẫn chưa thể lấy lại vốn đầu tư cho Hoàng Thái Thanh. Ngay từ đầu chúng tôi đã tự “lừa dối” mình là thôi đừng quan tâm đến con số đầu tư ban đầu nữa, coi như bỏ lại số tiền đó ở “bên kia sông”, chỉ tính sao để mỗi lần sáng đèn chúng tôi có đủ kinh phí chi cho điện đóm, cát-sê… đêm đó. “Lừa dối” mình như thế để toàn tâm lo cho chất lượng từng vở diễn. Năm đầu tiên, số vé thấp nhất của một suất diễn tại Hoàng Thái Thanh là 26 vé, năm sau số vé thấp nhất khoảng 60 vé và bây giờ số vé tối thiểu đã nhiều hơn rồi. Mỗi suất diễn tôi đều đến, xem mình bán được bao nhiêu vé, tìm hiểu xem tăng giảm là do đâu. Ở SK chúng tôi, việc phải trả lại vé cho khán giả là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng mỗi năm vẫn có hai-ba lần như thế. Mỗi lần như vậy chúng tôi đều gọi điện xin lỗi và trình bày lý do với khán giả.

* Chưa thu được kinh phí đầu tư, giờ SK lại sắp bị thu hồi do Nhà Thiếu nhi phải xây dựng lại, khó khăn đang chồng khó khăn...

- Biết làm sao được, điều đó nằm ngoài dự liệu của chúng tôi. SK của chúng tôi nằm trong khuôn viên của Nhà Thiếu nhi, giờ Nhà Thiếu nhi phải xây lại, ngay cả hoạt động của Nhà Thiếu nhi cũng phải “dời” đi trong vòng hai năm. Sau hai năm, chúng tôi cũng sẽ được quay về, vấn đề là trong hai năm đó chúng tôi sẽ ở đâu? Hiện các địa điểm khác cho Hoàng Thái Thanh đang được chúng tôi tìm hiểu nhưng chưa có kết quả.

NS Ai Nhu: Lon len voi kich mien Nam

* Lại nói về khán giả, khi việc xã hội hóa SK ở TP.HCM gặt hái nhiều thành công cũng là lúc nhiều người cho rằng “gu” xem kịch của khán giả TP.HCM rất dễ dãi, chị nghĩ thế nào?

- Theo quan sát của tôi thì ngược lại, khán giả TP.HCM rất tinh tế. Có điều gì không hài lòng hay thắc mắc là họ phản biện, đặt câu hỏi ngay, với từng chi tiết nhỏ trong vở kịch. Nhiều người gặp tôi hỏi thẳng, một số người khác thắc mắc qua email, điện thoại… Điều quan trọng mà chúng tôi có được là khán giả xem chúng tôi như người thân, thậm chí đến cái toilet bị trục trặc cũng gọi điện góp ý.

Tôi thường xuyên đi xem vở diễn của các đoàn khác, vùng miền khác. Nhận định khán giả TP.HCM dễ dãi tôi cũng nghe nhiều, nhưng sau khi xem các đoàn khác, tôi biết được mình có gì.

* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Võ Hà (thực hiện)

Từ khóa Ái Như
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI