Nỗi tủi hổ của các ông chồng lấy phải 'hung thê'

18/03/2017 - 06:00

PNO - Bạo hành gia đình lâu nay thường khiến nhiều người chỉ nghĩ đến nạn nhân là nữ giới, mà quên đi khía cạnh ngược lại.

Góc khuất của bạo hành gia đình cho thấy một thực tế khác, nam giới cũng phải cam chịu cảnh bị hành hạ, bạo hành khổ sở. 

Noi tui ho cua cac ong chong lay phai 'hung the'
 

Luật pháp Trung Quốc dù quy định phụ nữ và nam giới phải được đối xử công bằng trong vấn đề bạo lực gia đình. Thế nhưng, không phải người chồng nào cũng đủ can đảm đứng lên tố cáo rằng mình là nạn nhân của vợ.

Đó là lý do vì sao tỷ lệ các vụ bạo hành mà nạn nhân là đàn ông thống kê được rất ít. Ở tỉnh Tứ Xuyên, tỷ lệ này chỉ khoảng 2% trong tổng số gần 2.000 các vụ bạo hành gia đình mỗi năm. 

Tháng 12/2016, Bắc Kinh ghi nhận phiên tòa đầu tiên bảo vệ ông chồng họ Zhang bị vợ mình thượng cẳng chân hạ cẳng tay, cũng như phải ngậm đắng nuốt cay trước những câu nói chì chiết bạo lực tinh thần từ vợ trong nhiều năm.

Cơ thể người đàn ông này đầy vết trầy xước sau những cơn tức giận thiếu kiềm chế của vợ. Thế nhưng, điều mà anh ám ảnh nhất chính là phải chịu khủng bố tinh thần. 

Tòa án địa phương phải ra lệnh yêu cầu người vợ không được có hành vi ngược đãi tinh thần và thể xác anh Zhang nữa.

Từ khi Luật Chống bạo hành gia đình được áp dụng từ tháng 3/2016, tòa án nhiều tỉnh như Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Quảng Đông cũng đã đưa ra những lệnh cấm tương tự nhằm bảo vệ các nạn nhân nam giới. 

Luật sư Zhang Xinnian cho biết, rất khó nhận diện nạn nhân nam của các vụ bạo hành vì họ phần lớn chịu bạo hành tinh thần nhiều hơn thể xác.

Đó là lý do cảnh sát khó thu thập chứng cứ để bảo vệ những người đàn ông yếu thế trong gia đình. 

Cao Bo, một nạn nhân của bạo hành gia đình mới đây đã dũng cảm công khai trước truyền thông về lý do ly hôn vợ. Anh nói: “Nhiều năm chung sống, tôi sợ hãi đến mức đi đâu, làm gì cũng nghĩ đến những lời lẽ mắng nhiếc nặng nề và màn tấn công không thương tiếc vợ dành cho mình”.

Từ nhỏ, anh được dạy dỗ rất kỹ phải tôn trọng và bảo vệ phụ nữ. Xã hội vốn đã quen với cách nghĩ chỉ có phụ nữ và trẻ em mới là nạn nhân của thói vũ phu. Anh phải sống trong cảnh chẳng ai thấu hiểu nỗi đau của mình. 

Noi tui ho cua cac ong chong lay phai 'hung the'
 

“Đứng lên chống bạo hành gia đình” là chủ đề của diễn đàn do Japan Times thực hiện. Độc giả Mike Anastacio ở thành phố Kashiwa, tỉnh Chiba đã gửi thư chia sẻ câu chuyện cá nhân. Anh nhận mình là nạn nhân của bạo hành gia đình và người mang đến chuỗi ngày kinh hoàng ấy là vợ anh. 

Trong 10 năm đầu hôn nhân, vợ chồng anh dù có cãi vã thì vợ anh cũng không nổi đóa như bảy năm sau đó. Bức bối về tài chính khiến vợ anh ngày càng nóng nảy.

Tất cả những lời không hay chị đều nói trước mặt ba đứa trẻ. Mức độ nghiêm trọng tăng dần khi chị lao vào cào cấu, xé áo, đấm thẳng vào mặt chồng hoặc hủy hoại vật dụng cá nhân của anh. 

Mike Anastacio gồng mình chịu đựng, một mặt trấn an các con, một mặt tự tìm chuyên gia giúp anh lấy lại cân bằng sau những sang chấn tâm lý vì chứng kiến những điều ngoài sức tưởng tượng.

Đó là bí mật anh chẳng thể nói ra với ai vì anh sợ mình bị giễu cợt, nhạo báng. Cuối cùng, anh quyết đâm đơn ly hôn sau 17 năm chung sống, chấm dứt cảm giác mình là người yếu đuối.

Mike Anastacio nói ra câu chuyện của mình không nhằm đổ lỗi cho ai mà muốn xã hội hãy nghiêm túc nhìn nhận thực tế có những người đàn ông đang sống trong sợ hãi vì là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Theo anh, đây không còn là chuyện phiếm. Số liệu thống kê cho thấy, số vụ bạo hành gia đình mà đàn ông là nạn nhân ở Nhật Bản năm 2015 đã cao gần gấp 10 lần so với 5 năm trước đó.

Xu hướng nữ giới giở thói hung hăng với nam giới không chỉ xuất hiện ở các gia đình mà còn lan sang những cặp đôi. Một khảo sát của các nhà xã hội học nước này chỉ ra số đàn ông Nhật Bản bị bạn gái bạo hành chiếm tới 30%.

Khảo sát ở Mỹ chỉ ra 20% nam giới nước này ít nhất một lần trong đời là nạn nhân của bạo hành gia đình. Mỗi năm có đến ba triệu người đàn ông phải sống trong hoàn cảnh bị vợ hoặc người yêu hành hạ thể xác hoặc tinh thần.

Việc xã hội nhìn nhận một cách đúng đắn, đầy đủ về bạo hành gia đình với sự tồn tại những trường hợp nạn nhân là nam giới mới là đích đến cuối cùng của cuộc chiến chống bạo lực gia đình. 

ANH THÔNG (Theo Global Times, People, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI