Những người xóa 'đói sách' cho trẻ em

04/06/2015 - 07:57

PNO - PN - Trong khi nhiều ông bố bà mẹ thờ ơ, hoang mang trong việc chọn sách cho con thì có những nhóm, cá nhân yêu sách đang dành không ít thời gian để tiếp lửa đam mê sách cho thiếu nhi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thư viện gia đình của nhà sưu tập sách Phạm Thế Cường (P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM) gây choáng ngợp với hàng chục ngàn cuốn. Phần lớn là sách thiếu nhi được xếp ngay ngắn từng tủ, theo nội dung, chủ đề… Tại đây, hàng ngày có nhiều thiếu nhi đến đọc sách theo giờ quy định, hàng tháng các em được tham gia những buổi tọa đàm văn học, gặp gỡ và giao lưu với các nhà văn mình mến mộ. Ông Cường còn kỳ công lập CLB sách Nguyễn Huy Tưởng dành cho thiếu nhi, hoạt động định kỳ nhiều năm nay.

Nhà văn Lê Phương Liên - người từng tham gia CLB này chia sẻ, đưa sách đến với thiếu nhi là việc đáng trân trọng; kết nối để nhà văn và độc giả nhỏ tuổi gặp nhau thường xuyên là việc khó và rất đáng quý, không chỉ với độc giả mà còn cả với các nhà văn.

Trên mạng internet, trang Sách và trẻ thơ mới thành lập nhưng đã được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm việc chọn sách cho con em. Điều hành trang là nhóm bạn trẻ yêu sách, yêu trẻ. Các thành viên tìm đến tận kho sách của các NXB để chọn sách có giá trị giáo dục, giải trí lành mạnh, mua với mức chiết khấu ưu đãi. Tiền lãi được dùng tiếp vào việc mua sách cho các mái ấm, nhà mở. Nhóm được phụ huynh yên tâm giao toàn quyền chọn sách cho con họ vì các thành viên hầu hết là giảng viên, sinh viên… có chuyên môn tâm lý, giáo dục…, làm việc kỹ lưỡng.

Nhung nguoi xoa 'doi sach' cho tre em

Chị Thu Huyền và nhóm Sách và trẻ thơ giới thiệu sách hay tới các em

Thạc sĩ Nguyễn Thu Huyền, trưởng nhóm chia sẻ, các thành viên phải bỏ nhiều thời gian để đọc sách, viết bài giới thiệu, cảm nhận trên facebook. Đây là công việc thử thách lòng kiên nhẫn và không có lợi gì về kinh tế, nhưng nhóm nhiệt tình làm vì muốn độc giả nhí tiếp cận những đầu sách hay, muốn phụ huynh cảm nhận được giá trị thực sự của sách. Ngoài việc lựa sách cho hàng trăm khách hàng quen, nhóm đã lập được năm phòng đọc sách cho trẻ em ở các mái ấm, nhà chùa…

Tha thiết mang sách đến với thiếu nhi các vùng miền, anh Nguyễn Quang Thạch (Nghệ An) đã theo đuổi dự án Sách hóa nông thôn hơn 15 năm nay. Anh Thạch và các cộng sự đã lập hàng trăm nghìn tủ sách khắp các vùng nông thôn từ Bắc vào Nam. Nhằm đạt 300.000 tủ sách vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh được đọc sách, anh quyết định nghỉ việc, thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt hơn ba tháng nay kêu gọi cộng đồng tham gia dự án. Anh Thạch thực hiện hành trình trong tình trạng một mắt bị bong võng mạc, mỗi khi trở trời gây nhức đến tận óc. Mắt còn lại của anh cũng rất yếu...

Mới đây, chương trình nhận được hàng chục triệu đồng từ các nhân viên của một ngân hàng, để kêu gọi xây dựng tủ sách phụ huynh đặt trong các lớp học. Hiện có tới 100.000 thành viên mạng xã hội quan tâm dự án này. Lượng sách rất lớn của dự án được những người tham gia bỏ công đọc, chọn lựa kỹ lưỡng trước khi đưa tới các em nhỏ.

Nhà sưu tập Phạm Thế Cường chia sẻ, khi làm thư viện sách mà đối tượng phục vụ chính là thiếu nhi, anh đã gặp nhiều câu chuyện cảm động. Một độc giả nhí tên H., vì ba mẹ bỏ nhau nên thường đi lêu lổng, sau lần đến đọc và trao đổi về sách hay ở thư viện đã trở thành độc giả ruột. Cậu bé còn xin phép ông Cường phụ sắp xếp, lau bụi giá sách. Cậu cũng tham gia nói chuyện về những cuốn sách hay.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, H. chuyển sang học bổ túc buổi tối và đi làm kiếm tiền giúp bà nội vào ban ngày nhưng vẫn tiến bộ trong học tập. Sự trưởng thành của H. khiến bà nội cậu bé mỗi lần gặp ông Cường lại nói lời cảm ơn. Từ thư viện gia đình, ông Cường có thêm nhiều người bạn.

Nhung nguoi xoa 'doi sach' cho tre em

Anh Nguyễn Quang Thạch trên đường xuyên Việt đưa sách đến nông thôn

Tuy vậy, công việc đưa sách đến với người đọc vẫn gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Quang Thạch hiện đang tìm kiếm, kêu gọi hỗ trợ địa điểm thí điểm tủ sách cho các khu công nhân. Chị Thu Huyền phải chắt bóp chiết khấu ít ỏi từ các đầu sách mua tận kho, lên chi phí hạn hẹp lập những tủ sách ban đầu…

Tuy có điều kiện hơn, nhưng nhà sưu tập Phạm Thế Cường cũng gặp khó khăn trong việc tìm hiểu người xin sách để lập thư viện ở các địa phương. Trước khi chia sẻ sách, ông Cường tìm hiểu kỹ, đến tận nơi để nắm rõ nhu cầu thực sự của người xin sách. “Cho sách sai địa chỉ, vào nơi người ta không cần hoặc hoạt động không hiệu quả sẽ rất thiệt cho những nơi thực sự cần. Tội cho người mà cũng tội cho sách”, ông Cường bộc bạch.

NGUYÊN THẢO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI