Những 'bài học xanh' đắt giá nhất trên thế giới

06/06/2017 - 12:56

PNO - Ngày nay, không ai còn nghi ngờ tầm quan trọng của không gian xanh trong quy hoạch đô thị đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Các đô thị trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, cũng không thoát khỏi khuynh hướng ngày càng nhiều hơn các tòa nhà và con người.

Nhung 'bai hoc xanh' dat gia nhat tren the gioi
Công viên Hyde Park ở London, Anh

Các thành phố "đáng sống nhất”, trong đó có một số thành phố nổi tiếng nhất thế giới, được biết đến nhờ vào không gian ngoài trời với những mảng xanh thiên nhiên của nó.

Có thể kể đến London (Anh) với Hyde Park, New York (Mỹ) với Công viên trung tâm, Singapore với Khu bảo tồn thiên nhiên Bukit Timah hay Dublin (Ireland) với Công viên Phoenix, tất cả đều hấp dẫn cư dân cũng như du khách.

Cây xanh đô thị là chìa khóa bảo vệ môi trường tự nhiên, cung cấp không gian xanh cho thành phố và  “lá phổi” cho sức khỏe của người dân.

Nhưng bảo vệ không gian xanh cũng trở nên một thách thức, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi có áp lực về không gian, nguồn lực và phát triển.

Nhung 'bai hoc xanh' dat gia nhat tren the gioi
Central Park tại New York, Mỹ

Theo khảo sát dân số của LHQ, đến năm 2050 Ấn Độ có thể sẽ có 700 triệu người nghèo nông thôn di chuyển đến các thành phố.

Với 45.000 loại cây trồng và gần 90.000 loài động vật, Ấn Độ được xem là một trong những quốc gia có nền tảng đa dạng nhất thế giới.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng tăng trưởng dân số đô thị ở nước này tất yếu dẫn đến thiệt hại lớn về đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn được xem là chưa có những nỗ lực quy hoạch đô thị “nghiêm túc” để giải quyết tác động của đô thị hóa lên môi trường.

Trung Quốc, Indonesia và Nam Phi - ba nước đang phát triển khác cũng đang phải đối mặt với tình huống tương tự, khi các nhà quy hoạch đô thị chưa tích hợp thích đáng môi trường vào phát triển.

Nhung 'bai hoc xanh' dat gia nhat tren the gioi
Thành phố xanh Curitiba ở Brazil

Tuy nhiên, đó không phải là tình hình ở tất cả các nước đang phát triển. "Thành phố xanh" Curitiba ở Brazil đã chứng minh rằng quy hoạch đô thị có thể thân thiện với môi trường.

Thành phố 2 triệu dân này có 16 công viên, 14 khu rừng và hơn 1.000 khu vực công cộng nhiều cây xanh ở các khu dân cư.

Singapore là một ví dụ khác về cách con người trân trọng cây xanh trong thành phố.

Một trong các biểu tượng của Singapore là những “siêu cây” trong khu vườn rộng 250 mẫu Anh (khoảng 1km2) bên bờ vịnh biển.

Nhung 'bai hoc xanh' dat gia nhat tren the gioi
Những “siêu cây”, một biểu tượng của Singapore trong khu vườn bên bờ vịnh. Các khu vườn theo chiều dọc này chứa hơn 150.000 cây sống - Ảnh: INSTITUTE

Đây là các cấu trúc công nghệ có độ cao 24-48m để thu thập năng lượng mặt trời tạo ra một chương trình ánh sáng ban đêm.

Tuy nhiên, các “siêu cây” quý ở chỗ chúng là những khu vườn thẳng đứng nuôi dưỡng 150.000 cây sống.

Singapore tự gọi mình là Garden City (thành phố vườn) và nước này đã làm rất tốt để xứng với danh xưng đó.

Một đô thị có diện tích chỉ bằng nửa thành phố London của Anh và tiếp tục phát triển, Singapore phải chọn cách đi riêng của mình.

Những phát triển mới ở đây phải bao gồm cuộc sống thực vật dưới dạng những mái nhà xanh, những vườn tầng theo chiều dọc và những bức tường phủ cây xanh.

Nhung 'bai hoc xanh' dat gia nhat tren the gioi
Công viên Bishan rộng hơn 600 mét vuông tạo cân bằng môi trường và đô thị ở Singapore - Ảnh: INSTITUTE

Từ năm 2008, việc “xanh hóa” được đẩy mạnh trong xây dựng ở Singapore, và việc xây dựng tòa nhà xanh trở thành yêu cầu bắt buộc.

Đáng chú ý, phần lớn tầm nhìn để giữ cho Singapore bền vững và đáng sống xuất phát từ một nữ kiến trúc sư kiêm nhà quy hoạch đô thị kỳ cựu - bà Cheong Koon Hean, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan phát triển đô thị của Singapore.

Kinh nghiệm của Singapore trong việc “đối xử” với cây xanh có thể được nhân rộng ra nhiều thành phố, đặc biệt là ở Châu Á, nơi có mật độ dân số cao.

Nhung 'bai hoc xanh' dat gia nhat tren the gioi
Vành đai Công viên Rừng phía bắc khu thể thao Olympic ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AP

Với đặc điểm đất rộng người đông, Trung Quốc phát triển đô thị theo hướng tạo ra các “vành đai xanh” tạo bóng râm và là nơi dạo chơi, nghỉ ngơi bên cạnh các khu dân cư cao tầng có mật độ cao.

Tháng 1/2015, Bộ Đất đai và Tài nguyên của Trung Quốc thông báo, trong vòng 2 năm tới các thành phố lớn trên toàn quốc theo quy định phải có vành đai xanh bên ngoài khu vực đô thị.

Những năm trước, các sự kiện quan trọng như Thế vận hội Bắc Kinh 2008, World Expo ở Thượng Hải năm 2010, và Diễn đàn Fortune toàn cầu ở Thành Đô năm 2012 đã đặt ra yêu cầu bảo vệ đất trồng cây xanh.

Nhưng sau khi sự kiện kết thúc, chính quyền địa phương lại tiếp tục bán đất để làm dự án, bất chấp việc này có phù hợp với kế hoạch phát triển tổng thể của thành phố hay không, và cuộc chiến giữa nông thôn với thành thị tiếp tục bất phân thắng bại.

Nhung 'bai hoc xanh' dat gia nhat tren the gioi

Đáng khâm phục là một thành phố Trung Đông bị bom đạn hủy hoại đến 80 % như thủ đô Beirut của Lebanon vẫn có quy hoạch xanh trong phát triển đô thị.

Không gian xanh chiếm chưa đến 2% diện tích Beirut, tức diện tích cây xanh chỉ đạt 0,8 mét vuông/người, chưa đến 1/10 đề xuất 9 mét vuông/người cho mỗi cư dân đô thị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hầu hết các công viên của thành phố này nằm ở các quận trung tâm và bị hoang phế trong chiến tranh.

Kỹ sư xây dựng Hamad và kiến trúc sư Abourizk, phó chủ tịch hội đồng thành phố, đã đưa ra một kế hoạch trị giá 50 triệu USD mang tên "Beirut kỳ diệu” để khôi phục hơn một chục công viên trong thành phố.

Sáng kiến ​​này lấy cảm hứng từ Dự án xanh Beirut, do một nhóm do các nhà hoạt động địa phương soạn thảo tháng 6/2010, để nêu bật tình trạng thiếu cây xanh trong thành phố.

Cẩm Hà (Theo Healthy Parks Healthy People, National Geographic, Next City)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI