Yêu nhưng… sợ đẻ

05/07/2018 - 15:00

PNO - Kết hôn, sinh con là điều mong ước của hầu hết đôi lứa yêu nhau. Thế nhưng, có những trường hợp chỉ muốn yêu thôi, chứ không hề muốn đẻ.

Đó là tình trạng của những người từng qua một lần đò, đã có con ở cuộc hôn nhân đầu tiên. Sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, họ có “đối tượng” mới, cũng tìm hiểu, yêu thương, muốn chung sống lâu dài nhưng không muốn có thêm đứa con nào nữa.

Yeu  nhung… so de
Ảnh minh họa

Anh Khiêm là giám đốc một công ty, đã ly hôn 10 năm nhưng vẫn chưa tái hôn, dù quen biết khá nhiều người đẹp. Bị đánh giá là trăng hoa, không muốn ràng buộc để tự do ong bướm, anh Khiêm chỉ im lặng. Chỉ khi ngồi với người thân, anh mới thật lòng tâm sự: “Quen ai, người ta cũng đòi đẻ. Có cô còn muốn sinh ba bốn đứa nữa vì rất yêu trẻ con. Có cô thì nhất định ít nhất phải có một con chung để tạo mối ràng buộc. Còn với tôi, muốn kết hôn thì không đẻ, muốn đẻ thì chia tay”. Anh giải thích thêm, vợ chồng anh ly hôn, con gái nay theo mẹ, mai về với ba, không có niềm vui trọn vẹn. Chưa kể, cháu còn chịu những tổn thương khác. “Việc tôi có thêm đứa con nữa chắc chắn là cú sốc lớn đối với con gái tôi. Biết đâu chừng, con gái tôi sẽ vì chuyện ấy mà có những hành vi nông nổi. Sau đổ vỡ, tôi lại mất niềm tin vào hôn nhân, nếu có con nữa, rủi vợ chồng không thể chung sống tiếp, lại thêm một đứa con của tôi rơi vào cảnh ngộ ấy. Tôi không muốn như vậy”.

Chị Tuyết Lan - chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ - đã có hai con ở cuộc hôn nhân đầu, cũng vì không muốn có thêm con mà phải chia tay với người tình mới. Anh đã ly hôn vợ, có một con gái, tha thiết đề nghị chị sinh một đứa con trai để “nối dõi tông đường”. Chị nói: “Nếu tôi cũng sinh con gái thì sao? Mà thực sự, tôi không muốn sinh thêm đứa con nào nữa. Chăm sóc, nuôi dạy hai con đã quá sức của người phụ nữ, bởi tôi còn phải kiếm tiền. Có chồng để chia sẻ vui buồn là đủ, sinh thêm con là tạo thêm gánh nặng cho cả hai”. Rồi chị quen người nữa, lại thêm người nữa, ai cũng muốn phải có một con chung. Giờ chị cười buồn: “Thôi, thà ở vậy cho xong. Có cho tôi cả gia tài, tôi cũng không đẻ nữa”.

Có trường hợp “rổ rá cạp lại” nhưng không trao đổi trước, kết hôn rồi anh mới ngớ người khi chị quyết định sinh thêm một đứa con chung. Anh kiên quyết không đồng ý vì anh đã 45 tuổi, còn chị đã 43. Anh nói: “Sở dĩ tôi không đề cập chuyện này khi yêu nhau vì tôi nghĩ cô ấy đã lớn tuổi, chắc không sinh nở gì nữa nên khỏi phải bàn. Ai ngờ cô ấy quyết liệt bảo phải có con chung mới có sợi dây ràng buộc bền chặt cho vợ chồng”. Dù anh né, nhưng cuối cùng chị cũng dính bầu. Đứa bé sinh ra bị thiểu năng trí tuệ. Anh chán nản lao vào rượu chè, chị phải thuê người chăm sóc đứa con chậm phát triển trí tuệ nên giá khá cao, ngân sách gia đình thâm hụt dần, dẫn đến vợ chồng cãi vã dữ dội. Anh bỏ nhà đi trốn. Chị đau khổ, vật vã đi tìm, nhưng gặp rồi, anh cũng không về. Thế là chị lên Facebook mạt sát anh không tiếc lời, khiến vợ chồng bít lối quay lại với nhau. 

Người ta vẫn ví von đứa con là nhịp cầu hạnh phúc, là sợi dây kết nối tình nghĩa vợ chồng. Tuy nhiên, từ cuộc hôn nhân thứ hai trở đi, nếu đã từng có con riêng, các cặp đôi cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định có con chung. Bởi, trẻ cần được chăm sóc toàn diện, phát triển toàn diện. Cần phải tính toán sao cho con riêng, con chung đều được yêu thương, chăm sóc bình đẳng, đủ đầy. Nhất là với các cặp đôi có thu nhập vừa phải, việc lo cho con riêng cùng lúc với lo cho gia đình mới sẽ là một gánh nặng. 

Từ việc quan sát những người bạn tuổi trung niên như mình, tôi nhận ra, khi hôn nhân tan vỡ, nếu đi bước nữa, người ta vẫn có thể hạnh phúc và bên nhau trọn phần đời còn lại mà không cần có con chung, nếu họ thực sự yêu và có cuộc sống chung an vui, đầy đủ. 

Trần Kim Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI