Xin bà tha thứ cho những lỗi lầm của tôi!

17/09/2015 - 10:40

PNO - Thực tình bà rất thương ông, nhưng bà thấy bất công cho mình. Vợ chồng chí ít cũng phải tôn trọng nhau, nhưng trong mắt ông, bà như người hầu, kẻ ở.

Xin ba tha thu cho nhung loi lam cua toi!
Ảnh: Shutterstock

Ông sững sờ nhìn tờ đơn ly hôn bà đặt sẵn trên mặt bàn rồi tự hỏi: Chuyện quái gì đang xảy ra thế này?

Ông bốc máy gọi bà nhưng chuông điện thoại lại réo rắt ngay gần chỗ ông ngồi. Bực, ông cáu đổng: “Điên thật!”.

Rồi bà cũng về khi cơn bực tức của ông đã sắp vượt ngưỡng chịu đựng. Vừa nhìn thấy mặt bà ló vào, ông đã đập bàn, quát: “Thế này là thế nào, hả?”.

Khuôn mặt bà không co lại sợ hãi như những lần ông nổi giận trước đó. Bà bình thản:

- Thì ông đã thấy rồi đó. Tôi muốn ly hôn. Kể ra ở cái tuổi này rồi chẳng hay ho gì khi phải làm việc ấy, nhưng tôi muốn được sống những năm tháng còn lại trong sự bình yên, thoải mái, tự do.

Bà vừa dứt lời thì ông gầm lên: - Có giỏi thì bà đi luôn đi, không phải đơn từ, ký tá gì hết.

Nói rồi ông hậm hực vào phòng. Tiếng sập cửa dội ra nhức tận màng nhĩ.

Ông cứ nghĩ là bà dọa, ai dè bà làm thật. Bà mang đồ sang ở bên nhà con gái, để lại ông một mình lủi thủi với căn nhà trống hoác. Hai đứa con gái thương bố nên ngày nào cũng chạy qua chạy lại thăm nom, cơm nước.

Trước mặt con, ông tỏ vẻ không có bà chẳng hề hấn gì: “Nếu mẹ mày muốn thì ở luôn bên đó cũng được”. Nhưng đến bữa, cơm dọn sẵn ông chẳng muốn đụng đũa. Có hôm ra quán ông gọi bát phở, gắp được vài đũa đã đứng lên.

Không có bà, chiếc giường 1,6m trở nên quá rộng. Ông lăn qua lăn lại rồi nằm chờ trời sáng. Ngủ không được, ông đâm ra nghĩ ngợi. Ông nhớ về những năm tháng đằng đẵng mà hai vợ chồng đã đi qua.

Bà về làm vợ ông năm 18 tuổi. Bà ít chữ, ngoài cái quầy hàng và mấy người bạn ở chợ, bà dường như chẳng giao lưu với ai. Ngày ấy, ông mải phấn đấu cho sự nghiệp, học bằng nọ, bằng kia, kinh tế gia đình một mình bà xoay xở.

Rồi khi ông có chút chức quyền, ông bắt bà dẹp quầy hàng về nhà chăm sóc chồng con. Với bà, lời của ông là mệnh lệnh, nên dù không muốn bà cũng phục tùng.

Nghỉ bán hàng, bà chỉ quẩn quanh trong gian bếp nên cũng chẳng hiểu biết gì nhiều về cuộc sống đang thay đổi từng ngày từng giờ ngoài kia. Càng lên chức vụ cao, ông càng thấy bà ở dưới thấp, càng giỏi giang, ông càng thấy bà kém cỏi.

Vậy nên, ông ít trò chuyện với bà, ngay cả khi đang giải quyết việc gia đình, bà có xen vào vài câu, ông cũng chặn đứng: “Bà thì biết gì mà nói”.

Ông cũng không nhớ trong đời mình đã có bao nhiêu cuộc giao lưu, bao nhiêu chuyến dã ngoại, nhưng chưa một lần ông đưa bà đi cùng. Lúc còn làm việc, ông cũng có vài “bóng hồng” ở ngoài, có người bắn tin đến bà, bà mới dò hỏi ông, ông đã cáu ầm.

Bà sợ con cái, xóm làng nghe thấy nên lại rối rít xin lỗi. Cứ thế bao năm qua, bà sống dưới sự thống lĩnh, áp đặt hà khắc của ông.

Thực tình bà rất thương ông, nhưng nhiều khi bà thấy bất công cho mình. Vợ chồng chí ít cũng phải có sự tôn trọng nhau, nhưng trong mắt ông, bà như một người hầu, kẻ ở.

Giờ các con đã trưởng thành, bà muốn giành lại cho mình những cái quyền mà bao năm sống thụ động, lệ thuộc bên ông, bà đã đánh mất, hay bị ông tước đoạt.

Biết ý định của bà, cô em gái khuyên: “Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm trời còn được nữa là. Giờ đã ở bên kia sườn dốc rồi chị lại lật ngửa chuyện hôn nhân làm gì cho rắc rối.”.

Bà cũng nghĩ nhiều lắm, nhưng quyết không lung lay. Bà nhớ khi con gái học xong cấp II, nó thích học vẽ mà bố cứ bắt học đàn, nó đã phản đối bằng cách tuyệt thực.

Đứa con lý sự: “Con không thích bị người khác áp đặt. Ngày nào được sống là chính mình, được làm những việc mình thích mà không phải chịu sự chỉ giáo, trách mắng của ai thì ngày đó mới thực sự ý nghĩa”. Con trẻ nó ý thức về “cái tôi” sớm thế, còn bà, ngộ ra điều đó thì đầu đã hai thứ tóc.

Mất ngủ rồi lại suy nghĩ nhiều, ông lăn ra ốm. Bà tất tả về. Ông nắm lấy đôi tay gầy guộc của bà, hỏi:

- Bà vẫn muốn ly hôn tôi à?

Bà gật đầu. Ông nhìn bà, mắt ngân ngấn nước:

- Nếu không chấp nhận được tôi nữa thì bà cứ ly hôn. Nhưng trước khi ly hôn, tôi muốn cảm ơn bà đã dành cả cuộc đời cho bố con tôi và xin bà tha thứ cho những lỗi lầm, sai trái của tôi, được không bà?

Mắt bà đỏ hoe:

- Thôi, ông đang mệt, đừng nghĩ ngợi nữa. Ông hiểu được thế thì tôi còn muốn đi đâu nữa chứ!

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI