Vượt qua giông bão cuộc đời, mẹ tôi một tay nuôi dạy các con thành người tử tế

20/06/2018 - 09:02

PNO - Cú sốc đầu tiên đến khi mẹ chưa tròn 30 còn ba anh em chúng tôi đứa nhỏ nhất chưa tròn hai tuổi. Đó là cái chết đột ngột của bố tôi sau một buổi chiều uống rượu với hàng xóm rồi mắc mưa trên đường về nhà.

Năm tôi học lớp 12, lớp tôi được cô giáo dạy văn yêu cầu chuẩn bị bài thuyết trình trước lớp về đề tài “người mẹ”. Buổi thuyết trình hôm ấy, tôi đã khóc khi kể về quãng đời cay đắng, vất vả và nghị lực phi thường của mẹ để nuôi dạy chúng tôi thành người.

Các bạn học ngồi dưới, mắt cũng đỏ hoe. Sau buổi học, cô giáo gọi tôi ra một góc, ôm tôi thật chặt và dặn tôi suốt đời này mỗi khi mệt mỏi hay muốn gục ngã, hãy nhớ tới tấm gương lớn nhất cuộc đời, đó chính là mẹ mình.

Quả thực, tôi không cần tìm cho mình một thần tượng siêu phàm hay mạnh mẽ ở đâu xa, bởi mẹ xứng đáng được chúng tôi yêu kính và ngưỡng mộ hơn tất thảy những người anh hùng khác trên đời này.

Cú sốc đầu tiên đến khi mẹ chưa tròn 30 còn ba anh em chúng tôi đứa nhỏ nhất chưa tròn hai tuổi, chưa cai sữa mẹ. Đó là cái chết đột ngột của bố tôi sau một buổi chiều uống rượu với hàng xóm rồi mắc mưa trên đường về nhà. Đêm đó chúng tôi đang ngủ say thì giật thót mình khi nghe tiếng la hét thất thanh của mẹ. Bố qua đời lặng lẽ trong giấc ngủ, mẹ phát hiện khi quay sang định đắp chăn cho bố nhưng thấy bố nằm im không có tiếng thở, tay chân lạnh ngắt. Năm ấy, tôi bảy tuổi, ký ức dữ dội của những ngày tháng ấy luôn in hằn trong tôi. 

Vuot qua giong bao cuoc doi, me toi mot tay nuoi day cac con thanh nguoi tu te
Bằng nghị lực sống mạnh mẽ của mình, mẹ đã gồng gánh tần tảo để nuôi ba anh em tôi nên người suốt những tháng năm tuổi xuân của mẹ (ảnh minh họa).

Tôi nhớ mình đã uất ức đến phát khóc khi chú út em ruột của bố đến, đứng giữa nhà chỉ tay vào mặt mẹ tôi quát lớn: “Chị là đồ rắn độc, chính chị đã giết chết anh tôi!”. Tôi nhớ mẹ đã van xin ông bà nội cho phép mời bác sĩ của bệnh viện tỉnh làm giám định pháp y để chứng minh cái chết của bố hoàn toàn tự nhiên, không phải do mẹ gây ra, nhưng vô ích. Bà nội gào khóc nói không ai được đụng vào xác bố, ông nội nhìn mẹ tôi căm phẫn, còn mấy đứa con chú hai lảnh lót chạy tới chạy lui, miệng nhắc đi nhắc lại mấy từ “quân giết chồng”. 

Sau đám tang của bố, ông bà đuổi bốn mẹ con tôi ra khỏi nhà – ngôi nhà được xây bằng những đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi nước mắt của bố và mẹ, trên nền đất ông bà nội cho trước đây. Số tiền trước đây ông chia cho bố tôi, vẫn nằm trong sổ tiết kiệm đứng tên ông, giờ tất cả thuộc về chú út. Chỉ có chúng tôi, những đứa trẻ sống trong mái nhà của cha mẹ, mới biết bố mẹ mình từng yêu thương nhau thế nào. Nhưng làm sao chúng tôi hiểu được lòng dạ và toan tính của những người lớn ích kỷ và tham lam. Chú thím tôi còn đi khắp chợ rêu rao rằng mẹ tôi âm mưu giết chồng để chiếm đoạt ngôi nhà và dễ dàng hú hí với “người tình”. 

Miệng đời bạc bẽo và cay nghiệt, những người trước kia từng quý mến mẹ tôi, thậm chí ngưỡng mộ tình yêu của bố mẹ tôi, nay quay sang dè bỉu, ngấm nguýt, nhìn mẹ tôi bằng ánh mắt khinh bỉ. Không chịu nổi nỗi oan ức tày trời, mẹ dắt ba anh em tôi đi biệt xứ. Nhưng cũng từ biến cố đó, tôi mới biết sức mạnh của một người phụ nữ khi bị dồn đến đường cùng là vô hạn. 

Vuot qua giong bao cuoc doi, me toi mot tay nuoi day cac con thanh nguoi tu te
Bỏ quê nghèo ra đi, mẹ đưa chúng tôi vào Tây Nguyên. Mẹ hái cà phê thuê và làm đủ mọi việc để kiếm sống và cho chúng tôi được đến trường (ảnh minh họa).

Từ một huyện nghèo ở Yên Bái, mẹ đưa chúng tôi vào Nam, lên vùng Tây Nguyên nắng gió, khô cằn. Mẹ tìm được một căn lều nhỏ bỏ không, đó là chỗ anh em tôi trú ngụ. Mỗi ngày, mẹ đi hái cà phê thuê, chúng tôi ở nhà tự trông nhau, đứa lớn nấu cơm, chắt nước cơm pha đường đút cho đứa nhỏ. Mẹ làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mà chỉ ăn một bữa duy nhất là bát cơm nguội khô khốc với chút canh rau trước khi rời khỏi “nhà”, cứ thế suốt nhiều tháng liền bởi mẹ quyết tâm kiếm đủ tiền cho tôi và đứa em kế có thể quay lại trường học.

Rồi chúng tôi cũng được đi học lại sau một năm nghỉ ở nhà trông em. Còn đứa em út, mẹ mang theo đến những vườn cà phê, vườn tiêu nơi mẹ thu hoạch. Buổi tối, mẹ nhận đan giỏ bèo và làm đủ thứ việc gia công khác. Tôi vẫn nhớ hồi ấy hầu như chẳng bao giờ thấy mẹ ngủ. Ngày bố tôi còn sống, mẹ nặng khoảng 50kg, thân hình vừa vặn, tóc dài mượt đen óng. Giờ mẹ gầy rộc, da sạm đen vì nắng, tóc cắt ngắn, xơ xác. 

Hai năm sau, mẹ dẫn anh em tôi xuống Sài Gòn vì nghe người ta mách đất thành thị dễ sống hơn, miễn là chăm chỉ. Ở đó, mẹ đi dọn vệ sinh, giúp việc nhà, nấu ăn, khi có chút vốn mẹ tranh thủ bán xe dừa, xe trái cây rồi nấu chè, cháo lòng... đẩy xe đi bán rong khắp hang cùng ngõ hẻm. Biết bao lần vì thương mẹ làm việc sáng đêm chẳng ngơi tay, tôi đòi nghỉ học phụ mẹ bán vé số. Những lần ấy, mẹ nghiêm khắc nhìn tôi rồi nói giọng chắc nịch: "Chỉ có học thật giỏi mới là thương mẹ, con đừng bao giờ quên điều đó". Tôi không dám trái ý mẹ, lại cắm đầu vào học. Thương mẹ vất vả nên anh em tôi dù còn nhỏ nhưng rất ngoan, đứa nào cũng biết nấu cơm, rửa chén, giặt đồ từ khi bé tí, ngoài giờ học thì đi nhặt vỏ lon, chai nước về cho mẹ bán ve chai.

Vuot qua giong bao cuoc doi, me toi mot tay nuoi day cac con thanh nguoi tu te
Xuống Sài Gòn, mẹ lại tất bật làm thuê đủ mọi việc, từ dọn nhà, nấu ăn đến trông trẻ. Rồi mẹ kiếm thêm bằng những xe bán dừa, trái cây, chè, cháo lòng... (ảnh minh họa).

Cuộc sống của bốn mẹ con tôi khi ấy tuy vất vả nhưng đầm ấm, vậy mà ông trời nỡ giáng thêm gánh nặng lên đôi vai gầy của mẹ. Một buổi chiều đi nhặt vỏ lon cùng nhau, tôi mải bới rác không để mắt tới đứa em út, trong tích tắc em chạy ra phía đường lớn và bị xe tông phải. Giây phút hãi hùng khi em lịm đi với gương mặt bê bết máu, tôi không bao giờ quên được. Suốt những tuần lễ em nằm cấp cứu và điều trị trong bệnh viện, mẹ tôi không rơi một giọt nước mắt nào. Tất cả sức mạnh của mẹ dồn vào việc kiếm thêm tiền cứu em và vực dậy tinh thần của chúng tôi. 

May mắn mỉm cười khi cô con gái của ông bà chủ nhà tốt bụng nơi mẹ giúp việc theo giờ biết chuyện, cho mẹ vay khoản tiền lớn. Em tôi dần khỏe mạnh trở lại. Ngày em xuất viện, cô ấy dẫn chị chồng tới chỗ chúng tôi trọ, người chị ấy ngỏ lời xin nhận em út tôi làm con nuôi vì bị vô sinh. Họ hứa vẫn cho mẹ và chúng tôi thăm em hàng tháng, còn cho mẹ tôi một số tiền rất lớn đủ để mua cả một mảnh đất ngoại thành ở thời điểm đó. Nhưng mẹ tôi từ chối ngay không cần suy nghĩ. Mẹ bảo, dù rau cháo nuôi nhau mẹ cũng nhất định phải giữ các con bên mình. 

Phần cảm động, phần thấy mẹ tôi chăm chỉ và nhanh nhẹn, cô ấy ngỏ ý đưa mẹ tôi về Long Thành, Đồng Nai làm quản lý một trại gà của cô, công xá dành một phần trừ dần vào số tiền mẹ nợ. Cô hứa lo chỗ ở lâu dài cho bốn mẹ con và giúp chúng tôi ổn định việc học. Thế là chúng tôi chuyển về trang trại của cô. Mẹ tôi vẫn thế, làm việc không ngơi nghỉ. Hai bàn tay mẹ chai cứng lại, gót chân nứt toác, gương mặt đầy nếp nhăn, tóc điểm bạc dù chưa đến 40. Nhưng mẹ không đau ốm (hay không cho phép mình đau ốm) dù chỉ một ngày. 

Vuot qua giong bao cuoc doi, me toi mot tay nuoi day cac con thanh nguoi tu te
Giờ con cái đã trưởng thành, mẹ có chút thời gian thư thả cho mình, thỉnh thoảng đi đây đi đó. Nét mặn mà, xinh đẹp của mẹ lại hiển hiện sau chuỗi ngày lam lũ vì các con (ảnh tác giả cung cấp).

Sau nhiều năm tích cóp, cách đây bốn năm mẹ tôi nghỉ làm ở trại gà và sang lại được một quán tạp hóa trong con hẻm nhỏ, phần sau quán tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm chỗ ở cho cả nhà. Mẹ xông xáo, xởi lởi nên khách mua ngày một đông. Khu chúng tôi ở đông dân cư đặc biệt là công nhân nên mẹ lại nấu thêm xôi bán đồ ăn sáng. Tôi và em gái giữa lần lượt đậu đại học, nay tôi đã tốt nghiệp còn em gái sắp ra trường, em trai cũng sắp tốt nghiệp phổ thông.

Anh em tôi đi làm thêm từ năm nhất, dành tiền mang về phụ mẹ nhưng mẹ không dùng mà bỏ vào con lợn đất và ghi tên từng đứa, bảo sau này làm vốn dựng vợ gả chồng cho các con. Mua gì cho mẹ mẹ cũng mắng không nhận, chỉ bắt chúng tôi ăn uống cẩn thận và giữ gìn sức khỏe. 

Có lần, tôi hỏi mẹ, mẹ có oán hận chú tôi không, có tiếc số tài sản mà lẽ ra anh em tôi cũng được chia phần? Mẹ bảo, chưa bao giờ mẹ nghĩ về số tiền ấy. Vì các con là con của mẹ, mẹ phải chăm sóc, nuôi nấng là điều đương nhiên chứ không thể trông chờ ai khác. Còn những điều sai quấy chú đã làm, mẹ đã quên từ lâu, bởi lẽ điều quan trọng hơn hết là chúng tôi hiểu và tin tưởng mẹ, bố trên trời cũng chứng giám cho mẹ. Vậy là đủ.

Nghị lực sống mạnh mẽ và ý chí sẵn sàng buông bỏ sân si, thù hận của mẹ có lẽ là điều chúng tôi mãi mãi phải học theo.  

Đinh Hiếu (Đồng Nai)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI