Vua Minh Mạng khuyên phụ nữ phải lấy chồng

16/11/2015 - 07:32

PNO - Minh Mạng là vị vua rất quan tâm đến đời sống nhân dân, thậm chí sâu sát đến độ ban chiếu khuyên phụ nữ phải lấy chồng để có đôi lứa.

Dân gian có câu: “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, việc trai gái đến tuổi trưởng thành kết hôn là điều nên làm, sách xưa có viết: “Lễ hôn nhân là lẽ thường trong thiên hạ… Đạo trời có mặt trời, mặt trăng để chiếu rọi khắp nơi. Đạo người có âm, có dương để định rõ nam nữ. Vì vậy hôn nhân là việc lớn, vợ chồng là đạo thường” (Thiện chính thư).

Đối với vua Minh Mạng, vị hoàng đế thứ 2 của vương triều Nguyễn, người được đánh giá là quân vương nổi tiếng nhất, tài năng nhất và làm được nhiều việc có ích lợi nhất của triều đại này, chuyện hôn nhân của thần dân trong thiên hạ là điều ông rất quan tâm.

Thời xưa quan niệm rằng “gái thập tam, nam thập lục”, nghĩa là con gái đến tuổi 13, con trai 16 tuổi là có thể tính đến chuyện hôn lễ lập gia đình; riêng với con gái, người nào ngoài 25-26 tuổi mà chưa thành hôn đã bị coi là già, là quá lứa lỡ thì. Quan niệm đó khá phổ biến trong xã hội, thậm chí nó còn có ảnh hưởng phần nào đến chính sách của triều đình trong vấn đề này. Theo sách Quốc sử di biên cho biết vào ngày 19 tháng 12 năm Mậu Tý (1828) vua Minh Mạng ban chiếu rằng: “Phụ nữ phải kịp thời lấy chồng, tuổi từ 16 đến 26 đều nên có đôi lứa”.

Vua Minh Mang khuyen phu nu phai lay chong
Trai gái hẹn hò đêm trăng (Tranh minh họa)

Vua Minh Mạng cho rằng việc lớn của đời người là hôn nhân, ông muốn mọi phụ nữ trong độ tuổi son rỗi cần lập gia đình, yên bề gia thất, lấy chồng sinh con, vui nghĩa vợ chồng. Có lẽ trong lịch sử chưa có một vị hoàng đế nào lại quan tâm sâu sát đến vấn đề này như Minh Mạng. Tuy chiếu lệnh của ông không sử dụng từ ngữ có tính bắt buộc mà chỉ mang ý nghĩa khuyên nhủ, nhưng trên danh nghĩa lệnh vua ý vua ban ra, nào ai dám chống, còn thực tế điều này có được người dân, cụ thể là giới phụ nữ nước Đại Nam khi đó thực hiện theo hay không thì sử sách không có dòng nào nhắc đến.

Đó là đối với phụ nữ dân gian, còn với người trong hoàng tộc, sách Minh Mạng chính yếu có đoạn cho biết vào năm Canh Dần (1830), vua “Nhân định lệ thưởng nữ trang khi đi lấy chồng cho các Hoàng nữ, Hoàng tôn nữ và mọi công nữ, nhà vua chỉ dụ cho các quan trong Nội các rằng:

- Những Hoàng nữ, Hoàng tôn nữ và công nữ khi đi lấy chồng, được thưởng cấp được thưởng cấp những đồ giá trang đã có lệ định, nhưng chưa phân biệt kẻ thân người sơ, kẻ lớn người nhỏ, nay châm trước chuẩn định, lấy làm quy pháp để về lâu dài”.

Vua Minh Mang khuyen phu nu phai lay chong
Công chúa hạ giá lấy chồng (Tranh minh họa)

Riêng lễ cưới của công chúa cũng rất tốn kém, tuân theo 6 lễ là: Nạp thái, Vấn danh, Nạp trung, Nạp cáo, Điện nhạn, Thân nghinh với nhiều lễ vật khác nhau. Để có chỗ ở cho con gái và phò mã, nhà vua xuất của kho ra 3.000 quan tiền để mua đất, dựng phủ; lại ban thêm 30.000 quan tiền nữa để sắm sửa tất cả đồ vật, phương tiện ăn ở, sinh hoạt đi lại cho cuộc sống mới của đôi vợ chồng như khay trà, ống nhổ, chén bát, giường tủ, võng kiệu, xe ngựa… và một chiếc thuyền. Chưa kể việc may y phục cưới, triều đình cũng phải xuất một khoản tiền để phò mã sắm áo mão cân cân đai cho mình, còn công chúa được ban mũ có hình 5 con chim phụng bằng vàng gắn hạt trai hoặc san hô quý, một bộ quần áo thêu mây phụng cùng nhiều đồ trang sức quý khác… Sau mấy ngày tổ chức hôn lễ, kết thúc nghi thức, hoàng đế sẽ ban thêm cho con rể (Phò mã) một bộ áo triều Tam phẩm, 4 cây gấm cùng 2 bộ yên cương.

Theo sử sách, vua Minh Mạng có tới 142 người con, trong đó có 64 hoàng nữ (công chúa), như vậy chỉ tính riêng việc chi phí cho 64 công chúa hạ giá kèm theo số nữ trang được thưởng theo định lệ khi đi lấy chồng đã rất lớn, nếu tính cả số nữ trang ban cho các Hoàng tôn nữ và công nữ là con cháu hoàng tộc xuất giá thì chi phí không biết bao nhiêu mà kể.

 Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI