Vợ mê karaoke

08/04/2018 - 15:46

PNO - Người ta hay phàn nàn vợ nói nhiều, khó chịu. Gia đình tôi thì ngược lại, rất khổ tâm vì vợ nói ít, chỉ tập trung vô… hát mà thôi! Vợ tôi là "ca sĩ karaoke" vô địch trong nhà ngoài xóm.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Người ta hay phàn nàn vợ nói nhiều, khó chịu. Gia đình tôi thì ngược lại, rất khổ tâm vì vợ nói ít, chỉ tập trung vô… hát mà thôi! Vợ tôi là "ca sĩ karaoke" vô địch trong nhà ngoài xóm. Chị tưởng tượng trong nhà có một ca sĩ ngoài 50 tuổi, hát suốt ngày đêm, hễ giờ nào rảnh là bắt micro ngồi hát. Lúc mở ti vi hát trong phòng, chồng con nói sao ồn ào quá, thì bả đóng cửa lại hát một mình. Lúc nấu ăn, quét nhà, lau cầu thang, bả cũng hát, không cần lời nhạc, không cần micro, chỉ cần nhớ ra bài nào là bả hát. Đủ thứ bài hát, dòng nhạc. Nghe một hồi, không điên mới lạ.

Vo me karaoke
Ảnh minh họa

Vợ tôi không chỉ ham hát trong nhà, mà còn hát ngoài xóm nữa. Hễ trong xóm nhà nào vang lên tiếng loa karaoke, là chắc chắn có bả trỏng. Mấy bà chị trong xóm cũng rảnh, không có tiệc tùng gì cũng rủ nhau ngồi lại hát cho… vui. Hồi đầu tôi nghĩ chuyện sớm muộn gì cũng qua, hát một hồi ngán thì thôi. Nhưng từ hồi tôi nghe lời vợ mua dàn karaoke về nhà, là sáu năm rồi, vợ tôi ngày càng mê hát. Bây giờ có điện thoại di động, micro không dây, bệnh hát càng trầm kha khó chữa. Có cách nào cho vợ tôi ngưng hát một thời gian không chị? 

Đình Diệu (TP. HCM)

Anh Đình Diệu thân mến,

Trước tiên thật lòng chúc mừng anh, vợ anh không ốm đau, không buồn bực, nên chị ấy mới “hay hát”. Mê hát karaoke là một chuyện, nhưng cũng có người mê mà hát không nổi, vì trong người mệt mỏi, trong đầu bức bối, gan ruột rối tung làm sao mà hát được. Vậy nên, anh đừng quá ác cảm. Rất khó để một người từ khó chịu, ốm yếu trở thành người vui vẻ, khỏe mạnh, trong khi đó, việc xếp “sô” hợp lý cho ca sĩ gia đình thì dễ hơn nhiều. 

Giải pháp vật lý là anh có thể đề nghị chị giảm âm lượng: đóng cửa phòng, vặn nhỏ volume vừa đủ nghe, hoặc cũng có người đã mua cái phone về gắn vô tai để mình hát mình nghe thôi. Hạnh Dung đã có lần thử, cái phone để mình nghe mình hát này cũng… rất hay, nên chấp nhận được. Tiêu cực hơn, cũng có người sắp sẵn “âm mưu”, cái dàn karaoke hư không sửa, để chị nhà tự mình mang đi sửa, xót tiền nên… bớt xài phí giai điệu! Giải pháp vật lý là tương đối dễ, chỉ cần đầu tư chút tiền bạc là được.

Vo me karaoke
Hãy thiết kế "căn phòng hát" cho vợ. Ảnh minh họa

Tiếp theo là giải pháp tâm lý, cái này hơi khó hơn nhưng tác động lâu dài và tích cực nên cũng rất đáng cân nhắc đầu tư. Muốn tiến hành giải pháp này, cần nhất là không được chỉ trích người hát, kiểu như “giọng như vịt đực mà hát hoài”, “bà hát như tra tấn lỗ tai người nghe”, “chương trình ca nhạc theo yêu cầu người hát”. Chỉ trích vậy dễ làm tổn thương tinh thần lao động nghệ thuật của chị nhà, khiến chị bất hợp tác với anh, gia đình mất vui.

Nguy hiểm hơn, có khi khiến chị đi hát bên ngoài, “tầm sư học hát” tốn kém thời gian, tiền bạc. Vậy nên, đầu tiên và luôn luôn phải nhớ là đừng chỉ trích. Lâu lâu, anh đưa vợ đi chơi, coi ca nhạc, nghe nghệ sĩ thứ thiệt hát. Lâu lâu, anh tìm tặng vợ những bài hát thật hay để chị được lắng nghe người khác hát. Lâu lâu, anh cùng chị đi du lịch vài ngày, rời xa cái loa và cái micro của dàn karaoke, tới những vùng đất mới, những thắng cảnh chỉ có thiên nhiên im lặng, để chị nghe được âm thanh tĩnh tại của đất trời.

Lâu lâu, nhà ai đó trong xóm mở loa karaoke quá lớn, anh cùng chị tính cách “chống đỡ”, đóng cửa phòng cho bớt ồn, dễ ngủ, nói chuyện về các loại “ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm tiếng ồn” mà bà con xứ mình chưa quen thuộc, vẫn đang ngày ngày hành hạ nhau. Lâu lâu, anh khen chị hát không có micro nghe tình cảm hơn, hay hơn, nhất là khi chỉ cho mình anh nghe thôi. Đó, rất nhiều giải pháp, dần dần thành một nếp văn hóa gia đình. Chỉ cần anh yêu vợ, thương vợ, “khi thương củ ấu cũng tròn”. Chúc anh chị vui và hạnh phúc. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI