Vợ dọa 'nhảy lầu', chồng vẫn tỉnh bơ

23/04/2019 - 14:00

PNO - Đôi khi tôi thấy mình bất nhẫn, vợ dọa “nhảy lầu” mà mình ngồi tỉnh bơ. Nhưng quả thật tôi cũng không biết cách nào khác.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Chúng tôi cưới nhau đã 3 năm. Vợ tôi đang mang thai con đầu lòng. Chúng tôi không cách biệt nhau lắm về tuổi tác, tình cảm cũng rất đậm đà, vậy mà cuộc sống chung vẫn nhiều bế tắc. Vợ tôi là con gái út, trên có ông anh đã lấy vợ và ở riêng. Tôi có nhà trước khi lấy vợ, nên sau khi cưới, chúng tôi ở nhà của tôi, không đụng chạm gì với ai. Nhưng vợ tôi có một tính xấu là rất hay giận chồng.

Vo doa 'nhay lau', chong van tinh bo
Ảnh minh họa

Ngày trước, cô ấy giận thì khóc lóc, nhịn ăn, không cơm nước hay dọn dẹp nhà cửa suốt mấy ngày liền, rồi thôi. Nhưng bây giờ, mỗi lần giận, cô ấy nâng cấp lên mức đe dọa, từ dọa “tôi về nhà tôi ở” (tức là về nhà ba má cổ), đến dọa sẽ “méc anh Hai”, dọa bỏ đi, dọa nhịn ăn tới chết. Khi có bầu, cổ chuyển sang dọa sẩy thai, dọa “mẹ con cùng chết cho anh coi”, dọa đẻ con xong ôm con đi nơi khác… Lời hăm dọa ly hôn là thường xuyên nhất.

Hồi đầu, tôi rất sợ, nhất là sau vài lần cổ ôm đồ về nhà ba má ở thiệt, tôi phải qua năn nỉ cổ mới về. Nhưng giờ thì tôi “chai” rồi, dọa gì tôi cũng kệ. Đôi khi tôi thấy mình bất nhẫn, vợ dọa “nhảy lầu” mà mình ngồi tỉnh bơ. Nhưng quả thật tôi cũng không biết cách nào khác.

Bảo Huy (TP.HCM)

Anh Bảo Huy thân mến, 

Vợ anh mà đọc được thư này, Hạnh Dung dám chắc, cổ sẽ không bao giờ dùng chiêu “dọa chồng” nữa đâu, vì vừa không hiệu quả, vừa khiến mình bị coi thường, lại còn khiến trái tim anh ngày một chai sạn.

Phụ nữ hay hành xử theo thói quen. Có lẽ thói quen dọa dẫm này bắt nguồn từ đâu đó trong quá khứ. Lúc nào đó, anh thử nói chuyện với ba má vợ, coi hồi ở nhà cô ấy có hay dọa mọi người vậy không; hay anh thử nhớ lại thời yêu nhau, có phải anh cũng thường chiều ý mỗi khi cô ấy giận dỗi, “dọa” anh chuyện gì đó. Khác nhau là, cái “dọa” của ngày còn thơ ấu, còn vô tư, nó trong trẻo, dễ thương; còn cái dọa của thiếu phụ U30 bây giờ khiến người ta bực mình, bất chấp. Nếu hiểu được thói quen của vợ, anh có thể giúp cổ dần tránh bớt.

Ví dụ, anh có thể đáp lại lời hăm dọa nặng nề của vợ bằng thái độ khôi hài nào đó; hoặc “dĩ độc trị độc”, hôm nào đó, anh thử “dọa vợ” một phen, không cần nghiêm trọng, nhưng để cô ấy có trải nghiệm nhất định trong chuyện này. Điều cần nhất là anh đừng chỉ trích hay thách vợ theo kiểu “làm thử coi”. Đàn bà dễ bị cảm xúc chi phối, nhiều khi “làm nư” quá tay, hư bột hư đường, đổ bể gia đình, thiệt người thiệt của.

Anh cũng nên coi lại chút, sao vợ hay giận mình vậy. Có thể, do “chai” với lời đe dọa của vợ, nên anh mặc kệ, không thèm xem xét nguyên do. Ví như hôm trước vợ giận anh vì về trễ, đã hăm dọa rồi, hôm sau, hôm sau nữa, anh vẫn tiếp tục về trễ, lời đe dọa được nâng cấp lên mức cao hơn. Giảm bớt những nguyên nhân cũng là cách để vợ bớt giận dỗi, bớt đe dọa, để hai bên đồng cảm với nhau. Chúc gia đình anh luôn thuận hòa, hạnh phúc.

 Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về: hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI