Vợ chồng như y phục: Suy nghĩ tạo ra bi kịch

27/11/2014 - 16:48

PNO - PNO - Đọc câu chuyện “Người vợ bất nhân” trên PNO, nói về người đàn bà bạc bẽo bỏ rơi chồng mình trong cơn bệnh nặng, tranh chấp tiền bạc với chồng con,ngay từ đầu tôi đã thấy xót xa cho người chồng bất hạnh. Nhưng khi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi tự hỏi, với suy nghĩ của anh như vậy thì trong cuộc sống vợ chồng, anh đã từng đề phòng và “lo xa” về vợ anh như thế nào để có ngày anh trắng tay trong hôn nhân như thế?! Câu nói “từ lâu tôi vốn không tin vì vợ chồng là ăn đời ở kiếp”… nghe sáo rỗng quá và như là sự trù trừ rào đón. Nếu anh thật sự tin rằng vợ chồng không phải là y phục, anh đã không nói ra như thế. Có hàng ngàn cách nói, cớ sao lại nói ra một câu bất nhân không kém như thế?! Những người đàn bà đang làm vợ, và những người đàn ông đang làm chồng khi đọc câu nói đó có thông cảm cho anh được hay chăng? Đành rằng người vợ rất đáng chê trách và không một ai có thể đứng về phía chị, nhưng khi anh thốt lên được câu nói đó thì chính anh lại là kẻ đáng trách.

Vo chong nhu y phuc: Suy nghi tao ra bi kich
 

Ở đời, đâu thiếu gì những người vợ bất nhân như vậy, cũng chẳng hiếm những ông chồng bất nghĩa, càng không thiếu những người anh chị em bất hảo. Nhà anh thì xảy ra cảnh vợ “bất nhân”, đã bỏ mặc chồng trong hoạn nạn, còn vô tình cả với những đứa con do chính mình dứt ruột đẻ ra. Nhà khác thì có cảnh anh em chém giết lẫn nhau chỉ vì tí đất đai cha mẹ để lại. Nhà thì rơi vào cảnh cha mẹ và con cái kiện tụng nhau vì tranh chấp tài sản. Hay có cảnh nhà người chồng đánh đập vợ con, lấy hết tài sản mang đi sống cùng người tình… Suy cho cùng, đó là do phúc phận của mỗi người. Khi một người không may gặp phải kẻ không ra gì, đừng vội vơ đũa cả nắm là ai cũng thế. Với những kẻ có suy nghĩ “Anh em như thủ túc, vợ/chồng như y phục”, thiết nghĩ họ đừng nên lập gia đình mà hãy sống với “thủ túc” của mình. Vì chính suy nghĩ đó của họ đã tạo nên những bi kịch gia đình, góp phần tạo nên nhiều vấn đề khác như giấu giếm nhau về tiền bạc, ngoại tình, ly hôn...

Có những bậc cha mẹ sợ con trai mình khi lấy vợ sẽ không còn biết đến gia đình, không còn lo cho cha mẹ, anh chị em nên đã dạy con mình cái điều không thuộc “điều hay lẽ phải” ấy. Thế thì, họ nghĩ gì nếu con dâu/con rể của họ cũng mang suy nghĩ đó khi bước vào cuộc hôn nhân với con họ? Nếu bạn dạy con bạn coi vợ/chồng như y phục và nhà bên kia cũng dạy con họ như bạn thì rốt cuộc, cuộc hôn nhân của con cái bạn sẽ thành ra thế nào? Người bạn đời -người đi cùng ta trên mọi chặng buồn vui sướng khổ, cùng chia vinh sẻ nhục - mà có thể coi là “y phục” ư!? Một khi coi người bạn đời là chiếc áo có thể mặc vào, cởi ra dễ dàng… thì còn chi là tình nghĩa để mà sống cùng với nhau?

Tôi từng đọc được một câu chuyện thế này: Một người đàn ông được người thầy của mình trao cho một danh sách với đầy đủ những mối quan hệ cùng với yêu cầu: “Hãy chọn ra 1 người quan trọng nhất trong cuộc đời em?”. Đầu tiên, anh ta gạch bỏ bớt những người bạn bình thường, rồi đến những đồng nghiệp, rồi sau đó là những người láng giềng và họ hàng, kế tiếp là người bạn thân. Rồi anh mím môi gạch bỏ những người anh chị em. Bấy giờ trong danh sách chỉ còn lại bố mẹ, vợ và con. Cảm giác dường như đây không còn đơn thuần là một trò chơi nữa rồi. Người thầy bình tĩnh nói tiếp: "Em hãy xóa thêm một tên nữa!". Anh chần chừ, rất khó khăn mới đưa ra được sự lựa chọn… anh đã gạch đi dòng chữ “bố mẹ”. "Hãy gạch một cái tên nữa đi!", người thầy nói.

Vo chong nhu y phuc: Suy nghi tao ra bi kich
 

Anh sững lại, rồi từ từ và kiên quyết gạch bỏ tên của đứa con trai. Và anh bật khóc thành tiếng, dáng điệu vô cũng đau khổ. Lúc đó người thầy mới nói: “Lẽ ra người thân thiết nhất với em phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ là người sinh thành và dạy dỗ em nên người, đứa con là máu thịt của em, còn vợ thì có thể tìm người khác thay thế được, vậy tại sao người vợ lại là người mà em khó rời xa nhất?". Câu trả lời của anh là: Theo thời gian, cha mẹ sẽ là bỏ em mà đi, con cái khi trưởng thành cũng chắc chắn sẽ rời xa em, người luôn ở bên, làm bạn với em suốt đời, thực sự chỉ có vợ!".

Nói thế để nhìn nhận cuộc sống một cách đa diện chứ không phải để đề cao vai trò của người vợ/người chồng hay bất cứ ai. Bởi vì, cuộc sống là sự pha trộn những sắc màu và dung hòa các mối quan hệ. Thế nên, đừng cố đặt các mối quan hệ ấy vào thế mâu thuẫn và loại trừ lẫn nhau. Nói theo cách của người chồng trong bài viết “Người vợ bất nhân”: Người đời nói rằng anh em như thủ túc, vợ chồng như y phục… cũng là một hành động “bất nhân”. Người đời ở đây là ai? Và những “người đời” ấy có hạnh phúc viên mãn với cách sống đó hay chưa?

Vun đắp tình cảm cũng là một sự đầu tư, mà đã là đầu tư thì có nên cho tất cả những quả trứng vào cùng một rổ? Nếu chỉ nghiêng về một phía, khi có rủi ro thì bạn sẽ mất trắng. Tình cảm không phải là một học thuyết kinh tế hay sự cân phân tính toán, nhưng nó cần sự rõ ràng và có sự đầu tư đúng mức cho từng “hạng mục”. Cho đến lúc chúng ta nghiệm thu cuộc đời mình, chính những gì chúng ta đầu tư, trân trọng nhất mới mang lại cho chúng ta giá trị cao nhất.

Vo chong nhu y phuc: Suy nghi tao ra bi kich
 

Tất nhiên, trong cuộc sống không ai bắt bạn phải lựa chọn hoặc người này, hoặc người kia một cách thẳng thớm, rạch ròi như thế. Và lẽ dĩ nhiên, một con người cần có tất cả những mối quan hệ với một sự hài hòa nhất định giữa họ. Không ai có thể sống vui vẻ, hạnh phúc trọn vẹn nếu thiếu gia đình lớn, thiếu bè bạn, con cái và người bạn đời. Tuy nhiên, nếu chỉ nghiêng về một phía nào đó sẽ khiến chúng ta chênh chao mất thăng bằng và mất đi một phần hạnh phúc.

HẢI THƯ
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI