Viết hữu, viết vô...

28/07/2013 - 15:42

PNO - PNCN - Trời chiều u ám, nhà cửa tối om không một ngọn đèn, Thủy đi thẳng ra sau nhà, thấy mẹ đang lầm lũi chất mớ củi lên giàn bếp. Căn bếp lạnh ngắt. Bà Mai thấy con gái về, bỗng đánh rơi mớ củi, rồi ngồi thụp xuống đất,...

Chồng chị Ba là con trai một. Cưới nhau được 5 năm, anh chị đã sinh được hai cô con gái. Hai lần sinh con gái, chị không hề biết đến tình thương của nhà chồng. Đứa bé thứ hai vừa ra tháng, chồng chị không chịu được lời ra tiếng vào từ chính ba mẹ và các chị mình, đành bỏ sang Lào làm thợ hồ, một năm hai lần về thăm. Làm ra bao nhiêu tiền, anh gửi hết về cho ba mẹ mình dành dụm, vì “không có con thì phải có của để dành”. Một mình bà Mai quần quật với bốn sào ruộng, mấy thước hoa màu, một bầy lợn mà gánh vác cuộc sống của hai đứa cháu ngoại và ba đứa con. Thủy cố gắng lắm mỗi tháng cũng chỉ phụ mẹ được vài trăm ngàn tiền đi dạy kèm, như muối bỏ biển. Nhà cửa lúc nào cũng trong tình trạng túng thiếu. Mới đây, bé Mốc, con đầu của chị Ba năm lần bảy lượt mang giấy nhắc nộp học phí cô giáo gửi về. Chị đùa: “Nói dì Út treo cái biển trước nhà, rao bán miếng đất sau hè của bà ngoại đặng mẹ lấy tiền nộp học phí”. Con Út học lớp 7 rồi mà dại, nghe chị nói vậy nó lẳng lặng đi viết cái biển, tính ra treo trước nhà thiệt. May chị kịp thấy mà can ngăn. Mỗi lần thấy mẹ đong lúa đi bán, chị tủi thân, lẳng lặng ôm con mà chảy nước mắt. Bà Mai biết chuyện, cứ vỗ về, “mốt tụi nhỏ lớn rồi thì người ta sẽ nghĩ khác đi, mình không làm gì sai thì ráng ngẩng cao đầu mà sống”. Cực mấy bà cũng không oán, chồng chị lạnh nhạt với vợ con, bà an ủi con gái: “Nó vì sinh con gái mà lấy làm tủi hổ, thì đó là cái đáng thương của nó, đừng chấp làm gì”. Có điều, bà luôn dặn chị giữ gìn, đừng ham con trai mà sinh thêm nữa, khổ mẹ, khổ con. Hai tháng trước chồng chị về chơi mấy ngày, bà ngoại hạnh phúc nhìn hai cháu được xúng xính theo ba về nhà nội. Rồi anh đi, đâu lại vào đấy. Mấy hôm nay chị thấy khó ở, đến bệnh viện thì mang về cái “tin vui”, cười ra nước mắt.

Viet huu, viet vo...

Nhìn phụ nữ đầu trên xóm dưới, Thủy… hết muốn có chồng. Với gương mặt hiền lành, hiểu chuyện, lại kín miệng, nên đi đâu Thủy cũng được các chị trút bầu tâm sự. Đi học trên thành phố, cứ mỗi tháng về thăm nhà, Thủy lại nghe người ta truyền tai nhau một câu chuyện nào đó trong xóm. “Chuyện của tháng” mới nhất liên quan đến chị Phượng bán tạp hóa đầu ngõ. 32 tuổi, chị đã có ba đứa con gái. Đứa nhỏ nhất chưa đầy hai tuổi. Bây giờ người ta lại thấy chị mang bầu, bụng ngày càng lớn. Hễ ai hỏi chuyện, chị đều chối biến. Bị hỏi riết, chị bực mình mắng xối xả. Xóm giềng được thể càng đồn dữ. Ai ghé hàng chị mua cân đường, hộp sữa về đều có chuyện kể. Với những người thân quen, chị nhận mình bị… xơ gan, nên trướng bụng. Khổ nỗi, bao nhiêu cách, chị Phượng cũng chẳng giấu được ai khi bụng ngày càng lớn, còn chị thì cứ lấp ló dưới bếp, ai mua hàng thì sai con ra bán.

Hôm Thủy qua mua chai nước mắm, mấy đứa nhỏ đi học hết, chẳng đặng đừng, chị đành bước ra. Thủy ngỡ ngàng, nếu chị mang bầu thiệt, chắc cũng sắp sinh rồi. Bắt gặp ánh mắt Thủy, dường như không ngăn được, chị vỡ òa: “Khổ lắm em ơi! Mang bầu mà phải nín thở giấu, giấu cho tới lúc sinh thôi. Chứ nhỡ lại thất bại, thì mặt mũi đâu mà nhìn người ta?”. Thủy hiểu, với người phụ nữ này, thêm một đứa con gái là thêm một thất bại. Vậy mà chị vẫn lao vào cuộc cá cược này, chỉ vì quá khao khát một đứa con trai để… đẹp mặt chồng. Chị kể, lần mang bầu bé gái thứ ba, chị không dám đi siêu âm. Đến khi sắp lên bàn sinh, chị hồi hộp như đang tham dự cuộc đua một mất một còn. Kết quả là con gái, chị ràn rụa nước mắt, lịm người trên bàn sinh. Lần này mang bầu, chị cũng không dám đi siêu âm, “chỉ mong chờ ông trời ngó nghĩ tới chị”. Thủy hỏi: “Nhỡ lần này…”. Chị không chờ Thủy nói hết câu, nói: “Chị chồng chị trên Sài Gòn khá giả mà không có con, lần này nếu chị sinh được con trai thì thôi, bằng không chị ấy sẽ nhận làm con nuôi, chị chỉ cần vờ như là vừa đi chữa bệnh gan về là được”. Chị nói thêm: “Gái trai gì cũng là con của mình, cũng thương đứt ruột, nhưng thói đời nó vậy, không có con trai là không có gì cả em à!”.

Đến lượt Thủy lịm người. Câu chuyện muôn năm cũ ấy vẫn chưa bao giờ trở thành chuyện “ngày xửa ngày xưa”. Nó vẫn tiếp diễn, người ta phải chứng kiến, phải dự phần, phải tủi hổ trong nó. Những người phụ nữ kia dẫu vẫn ý thức được rằng “gái trai cũng là con, cũng thương đứt ruột”, rằng “mình không làm gì sai”, nhưng chừng ấy chưa đủ. Cái “thói đời” kia và quá khứ tồn tại hàng ngàn thế hệ của nó đổ ập lên những người mẹ trẻ, họ quá bơ vơ để tự cứu lấy mình. Người chồng ích kỷ, thiếu hiểu biết thì chủ động tạo áp lực, anh chồng hiền lành thì “thông cảm” với vợ bằng cách lánh mặt khỏi những lời đàm tiếu, rồi lặng im nhìn vợ loay hoay tìm cách thoát khỏi mặc cảm “thất bại”. Phụ nữ hôm nay vẫn quá thiếu thốn những người chồng hiểu chuyện. Bơ vơ thành ra yếu đuối, bơ vơ thành ra hoài nghi chính mình, họ dễ rơi vào trạng thái thỏa hiệp, nối dài thêm cái vòng đời vốn đã dài dằng dặc của cái “thói đời” kia. Mà rồi, những đứa trẻ được sinh ra sau những tháng ngày “nín thở” phập phồng, không một lần được đến bệnh viện để kiểm tra, thăm khám, nếu “may mắn” được người bố tặng cho một chữ “Y” trong gen di truyền, cũng làm sao đủ khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần để làm mãn nguyện, làm “đẹp mặt” các bậc mẹ cha?

MINH TRÂM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI