Tôi không chịu nổi tiếng khóc và cả cách khóc vô lý của con

19/12/2016 - 06:30

PNO - Sáng dậy không thấy mẹ là khóc. Mẹ kêu đi chà răng cũng khóc. Mẹ nói tự soạn quần áo đi học, giữa một đống áo đầm, cháu không biết chọn cái nào cũng khóc. Có nhiều cái cháu khóc mà tôi không thể hiểu nổi.

Con gái tôi năm nay học lớp Lá, không biết vì cháu nhõng nhẽo hay vì tôi không biết cách dạy con mà… đụng cái gì cháu cũng khóc. Sáng dậy không thấy mẹ là khóc. Mẹ kêu đi chà răng cũng khóc. Mẹ nói tự soạn quần áo đi học, giữa một đống áo đầm, cháu không biết chọn cái nào cũng khóc. Bị anh giành đồ chơi, hay chơi không hòa thuận với chị, cháu khóc đã đành. Đằng này có nhiều cái cháu khóc mà tôi không thể hiểu nổi.

Tôi nóng tính, chỉ cần thấy con ứa nước mắt, bắt đầu khóc là nổi giận xung thiên. Tôi không chịu nổi tiếng khóc, và cả cách khóc vô lý của cháu. Bình thường cháu là đứa nói chuyện ra vẻ hiểu biết, vậy tại sao cháu không nói cháu muốn gì cho khỏe, mà cứ khóc như vậy cho mẹ nổi giận quát nạt, làm nhà cửa rối loạn.

Chị có cách nào giúp tôi chuyện trò dễ dàng hơn với cháu, cũng như thuyết phục cháu nói lên ý của mình thay vì khóc như vậy không? Cảm ơn chị.

Nguyễn Ngọc Lục Bảo (Q.Tân Bình, TP.HCM)

Toi khong chiu noi tieng khoc va ca cach khoc vo ly cua con
Ảnh mang tính minh họa. Shutterstock

Chị Lục Bảo mến,

Theo thư chị, tôi hình dung bé là con gái út trong nhà, trên bé còn có anh và chị. Chị chưa chia sẻ về cha của cháu nên không rõ anh ấy cưng chiều bé hay cũng nghiêm khắc, dễ nổi nóng với bé. Và còn ai sống chung nhà với gia đình chị không, người ấy có ảnh hưởng lên bé như thế nào, như ông bà hay người giúp việc chẳng hạn.

Hiện tượng khóc nhiều của cháu là biểu hiện bên ngoài của một tâm tư bên trong, trong đời sống tình cảm của cháu. Có thể cháu đang tổn thương vì bị sự bắt nạt của anh chị hay tổn thương vì những cơn giận của chị. Có thể cháu được nuông chiều nên lấy tiếng khóc để làm nư với ai đó. Có thể cháu luôn bị ức chế vì không ai nghe cháu nói nên cháu chỉ biết khóc, lâu dần thành thói quen vì thiếu các kỹ năng ứng xử khác nhau trong các tình huống giao tiếp gia đình… Trường hợp của cháu, tôi chỉ tạm giả thuyết như vậy.

Qua thư, tôi xin chia sẻ với chị vài ý gợi mở. Trước hết, chị cần kiểm soát cảm xúc nóng giận của mình khi cháu khóc, bình tĩnh giúp cháu cân bằng và hạn chế dần cảm xúc tiêu cực. Tôi hiểu cảm xúc nóng giận của chị, vừa thương con, vừa giận con… Cháu còn rất nhỏ, non nớt như một mầm cây, vì vậy rất cần mọi người bao dung, nâng đỡ.

Bằng con mắt yêu thương và bao dung, chị hãy quan sát và lắng nghe tâm tư của con, xem con đang khóc vì những tổn thương nào để giúp đỡ con. Quát nạt sẽ càng làm cháu sợ sệt, càng làm cháu khóc nhiều hơn, dễ mủi lòng hơn. Cháu cần được lắng nghe và thấu hiểu, cháu cần những cử chỉ nhẹ nhàng, âu yếm, thương yêu ân cần từ mẹ. Khi cháu cảm thấy được hiểu, được thương, cháu sẽ cảm thấy an toàn, từ đó tự tin nói ra những gì mình nghĩ, bớt dần sự ấm ức… và sẽ bớt khóc.

Chị có thể quản lý cảm xúc bằng cách thay đổi cách nhìn hình ảnh con khóc. Con khóc không phải con đang mè nheo mà là con đang cần mình quan tâm. Con khóc là con đang tìm cách giãi bày tâm trạng, khóc được sẽ làm con nhẹ lòng hơn. Đứa trẻ bị tổn thương không khóc sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm trạng về sau, thậm chí sẽ trở nên thu mình, bất cần, ương bướng, chống đối. Những cha mẹ khi con khóc bắt con im, không được khóc, khóc sẽ bị đánh… sẽ chỉ càng làm cho vấn đề của trẻ ngày càng trầm trọng hơn, khó dạy hơn, và trẻ bất an hơn.

Khi chị thấy mình sắp nổi nóng chị có thể hít thở sâu, đi uống nước, đi rửa mặt, hoặc đơn giản là tránh không nhìn con lúc đó, nhờ ai đó giải quyết giùm, hay cho bé ở yên một mình trong phòng, khi nào bình tĩnh chị sẽ quay lại để cùng con giải quyết rắc rối. Chỉ khi cha mẹ bình tĩnh mới có thể có cách giao tiếp với con hợp lý nhất.

Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI