Tọa đàm: Ai cũng sợ làm dâu?

12/03/2018 - 09:58

PNO - Tôi không muốn làm dâu. Câu tuyên bố thẳng thừng trên sóng truyền hình của một cô gái trẻ, với một thái độ 'cứng cựa', đã khiến hàng ngàn người nhảy vào bình luận khi đoạn clip lan truyền trên mạng.

Lê Văn Thảo (đạo diễn): Người trẻ cần hiểu giá trị gia đình

Tôi đã xem đoạn clip cô gái tuyên bố không muốn làm dâu. Suy nghĩ của tôi là cô ấy còn quá trẻ, quá nông nổi và bồng bột khi phát biểu như vậy. Những người trẻ như cô, theo tôi, chưa kịp hiểu những lam lũ, tần tảo nuôi con của các bậc cha mẹ, chưa hiểu được giá trị thực sự của gia đình. Họ lớn lên trong những điều kiện thuận lợi và cho rằng, yêu ai thì chỉ cần người đó là đủ; cha mẹ, anh em, dòng họ đều không quan trọng, không cần thiết.

Toa dam: Ai cung so lam dau?
 

Cũng có những người lớn lên trong môi trường gia đình không thuận hòa, êm ấm, nên họ không hiểu tình cảm của các bậc cha mẹ dành cho con cái. Tuổi trẻ, sức khỏe, sắc đẹp cũng khiến họ trở nên ngông cuồng, muốn chứng tỏ mình bạo dạn, dám phát biểu chính kiến... Ngoài ra, tôi thấy cũng có phần lỗi ở truyền thông, phim ảnh, báo chí khi luôn nói về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu rất xấu xí, khiến lớp trẻ sợ hãi, định kiến.

Tôi cũng đã từng gặp những cô gái như vậy. Khi trò chuyện, họ thẳng thừng là không muốn làm dâu, mặc dù mẹ tôi cũng chưa bao giờ muốn ai làm dâu. Các anh chị tôi lập gia đình là bà cho ở riêng ngay và giúp đỡ từng đứa cho đến khi tự lập được hoàn toàn. Nhưng tôi không lấy điều đó ra để lôi kéo những cô gái sợ làm dâu. Tôi tìm cách “giáo huấn” họ về tình cảm gia đình, về tình yêu. Tôi giải thích cho họ rằng, người đàn ông nào, khi chọn vợ, cũng lấy hình ảnh mẹ mình ra làm chuẩn (số đông) với tỷ lệ ít nhất là 30-40% giống mẹ mình. Đàn ông ít nói, nhưng đều hiểu sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Chê bai và tránh xa mẹ chồng cũng chính là phủ nhận tình cảm với chồng. Tôi khuyên họ mở lòng cho đi để nhận lại, coi mẹ chồng như mẹ mình để được yêu thương.

Khi đến với gia đình họ, tôi cũng đối xử chân tình, thân thiết; để họ hiểu tôi coi trọng giá trị gia đình, bất kể bên nào. Nếu tôi đã cho thời gian để suy nghĩ và thay đổi mà không có tác dụng thì tôi... lẳng lặng bỏ đi. Tôi nghĩ, nếu họ vẫn suy nghĩ như vậy, cách sống như vậy, không sớm thì muộn sẽ có vấn đề. Ngưng lại là tốt nhất. 

Mai Ngọc Hà (Công ty Stella Communications): Tôi không muốn làm dâu kiểu truyền thống

Tôi chưa lập gia đình, nên chia sẻ quan điểm về việc làm dâu, sống chung với mẹ chồng có vẻ không thực tế lắm. Thật lòng mà nói, tôi không muốn làm dâu. Không phải vì tôi sợ mẹ chồng khó tính hay nghiêm khắc. Tôi đã lấy chồng đâu mà biết. Nhưng cuộc sống và công việc hiện tại khó cho phép tôi làm tròn trách nhiệm của con dâu. Nói như thế không có nghĩa là tôi trốn tránh hết. Tôi sẽ cố gắng làm tròn bổn phận trong khả năng của mình.

Toa dam: Ai cung so lam dau?
 

Còn nếu tôi bắt buộc phải làm dâu? Nếu gia đình chồng chung một thành phố thì cũng không phải là vấn đề lớn. Mong muốn của tôi chỉ là mẹ chồng có suy nghĩ thoáng, đừng bắt tôi làm dâu theo kiểu truyền thống, vì tôi còn đi làm; và chồng phải hiểu vợ, chia sẻ với vợ, hễ có vấn đề xảy ra thì không được nghiêng về phía nào, dù là bên tôi hay bên mẹ. Nhưng nếu khác thành phố và tôi phải thay đổi công việc, chỗ ở, thì tôi sẽ trao đổi thẳng thắn với mẹ chồng để tìm giải pháp phù hợp với cả hai bên. 

Nguyễn Văn Hòa (giáo viên): Có thể “ra riêng”, nhưng không bỏ bê mẹ

Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu là câu chuyện dài không bao giờ kết thúc. Nếu không có sự thông cảm, chia sẻ và nhường nhịn nhau thì tất yếu sẽ gây ra mâu thuẫn dai dẳng; thậm chí không thể sống chung một mái nhà. Nhiều bà mẹ chồng, nhiều nàng dâu, nhiều cặp vợ chồng trẻ khốn đốn khi mối quan hệ ấy không hóa giải được. Câu hỏi đặt ra đối với người đàn ông là làm sao giải quyết hài hòa giữa chữ tình và chữ hiếu. Đây là điều cực kỳ tế nhị và cũng hết sức khó khăn.

Toa dam: Ai cung so lam dau?
 

Đối với những cặp chuẩn bị kết hôn, bên cạnh những vấn đề về tài chính, việc làm, môi trường sống… thì chuyện mẹ chồng - nàng dâu là thứ họ rất quan tâm. Có những nàng dâu, khi biết mẹ chồng tương lai “khó tính”, họ không chấp nhận, ra điều kiện: “Người ấy và em, anh phải chọn”. Tình huống này là cực khó đối với đàn ông. Nếu là tôi, trong hoàn cảnh như vậy, tôi sẽ cố thuyết phục cả hai người phụ nữ (mẹ và người yêu), chứ làm sao mà chọn một trong hai được.

Mẹ và người vợ tương lai có sự chênh lệch về tuổi tác, quan niệm, cách nhìn nhận cuộc sống, nên trong quá trình tiếp xúc qua lại, người vợ tương lai cảm thấy không phù hợp nên mới quyết định như thế. Tôi sẽ cố thuyết phục, giúp cô ấy hiểu tính cách, cuộc sống, sinh hoạt, sở thích, ước muốn… của mẹ; đồng thời cũng động viên mẹ hiểu và thông cảm cho tâm lý của những nàng dâu thời hiện đại. Nếu thật sự cô ấy yêu mình, cô sẽ chấp nhận.

Khi về sống chung, tiếp xúc, va chạm hằng ngày, mâu thuẫn gay gắt giữa mẹ chồng - nàng dâu có thể xảy ra. Nếu mâu thuẫn không thể dung hòa được, tôi sẽ chọn cách ra sống riêng, để đảm bảo “an toàn” mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu - con trai. Dù ra sống riêng, vợ chồng chúng tôi vẫn phải có trách nhiệm đối với mẹ (quan tâm, chăm sóc cả về vật chất và tinh thần trong điều kiện tốt nhất có thể). 

Hoàng Vân Khánh (kinh doanh): Mẹ chồng - nàng dâu có thể thương nhau chứ

Ngày yêu nhau, tôi không nghĩ rằng mình sẽ phải làm dâu, vì chồng tôi có đến năm anh chị em, chưa ai lập gia đình và chồng tôi không phải là con trai duy nhất. Những ngày đến chơi với gia đình anh, tôi thấy yên tâm vì anh em trong nhà rất thương yêu nhau. Quan trọng nhất là ấn tượng về mẹ chồng tương lai của tôi rất tuyệt vời: bà chịu thương chịu khó, đã hy sinh cả tuổi xuân để chăm lo cho các con. Sau khi cưới, chúng tôi có thời gian sống chung với gia đình, đến khi có điều kiện ra riêng.

Toa dam: Ai cung so lam dau?
 

Một năm sau khi chúng tôi ra riêng, mẹ chồng tôi buồn lắm. Tôi quyết định bán nhà, về ở chung với mẹ chồng, nói nôm na là về làm dâu thật sự. Và chúng tôi đã chung sống với mẹ được 15 năm hòa thuận và yêu thương nhau.

Tôi nghĩ, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu rất cần có sự hiểu biết nhau, biết cư xử với nhau. Mẹ chồng thì đừng quá xét nét, áp lực con dâu. Con dâu thì nên biết nhìn trước, ngó sau. Cả hai cùng biết điều với nhau là sẽ ổn. Mẹ chồng tôi biết tôi bận rộn việc kinh doanh, đi sớm về khuya, nên chẳng bao giờ mặt nặng mày nhẹ với tôi những khi tôi không đủ thời giờ chăm sóc gia đình. Còn tôi đi đâu, thấy gì ngon, đẹp cũng mua về cho mẹ. Dù chưa thể nũng nịu, gối đầu lên chân hay ôm mẹ như mẹ ruột, nhưng tình cảm của tôi và mẹ chồng thật sự là tình mẹ con. 

Anh Lê Đình Minh (kinh doanh):
Mẹ tôi khá khó khăn, hay xét nét. Mẹ với chị dâu cả không hòa thuận, dù chị dâu tôi cũng đã cố gắng nhiều và anh em chúng tôi cũng cố trò chuyện với mẹ. Cho nên khi người yêu tôi nói không muốn làm dâu, tôi hoàn toàn thông cảm với cô ấy. Chúng tôi quyết định thuê người giúp việc ở với mẹ 24/24. Anh em chúng tôi thường xuyên về thăm. Tôi thấy giải pháp này ổn cho cả hai bên.

Bà Nguyễn Mai Hạnh (hưu trí):
Tôi về hưu đã bảy năm, nhưng còn sức khỏe và còn thích tham gia công tác xã hội nên cũng chẳng muốn sống chung với con. Bọn trẻ bây giờ có cách sống khác. Không hợp nhau tý thì mang tiếng mẹ chồng - nàng dâu. Thôi, xa mỏi chân, gần mỏi miệng. Tôi chọn mỏi chân cho hai bên cùng khỏe.

Chị Liên Hoa (nhân viên văn phòng)
Ai mà không thích độc lập, tự do. Nhưng nếu chồng tương lai là con một, nếu mẹ anh đã hy sinh cả đời cho anh thì tôi không thể ích kỷ dành anh cho riêng mình. Sau này, biết đâu chính mình cũng sẽ mất con như thế.

 Song Văn (thực hiện) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI