Tiết kiệm tiền bạc, thời gian và công sức khi ly hôn

13/04/2017 - 09:56

PNO - 'Đừng cố gắng cứu vãn việc đã rồi. Không đáng đâu!'. Đó là một lời khuyên đáng ngạc nhiên từ người bạn luật sư của tôi.

Ngạc nhiên, không chỉ vì nó khá lạ đối với vấn đề ly hôn mà tôi đang thổ lộ. Ngạc nhiên hơn là vì cô luật sư này chuyên xử lý các vụ ly hôn, mà tôi cứ nghĩ, hẳn là các luật sư như vậy luôn muốn có việc để “kiếm cơm”.

Tiet kiem tien bac, thoi gian va cong suc khi ly hon
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 “Tuyên, chị có thấy cái đống giấy này không?” - bạn tôi chỉ vào cái tháp hộp giấy khổng lồ bên bàn làm việc của cô ấy. “Đấy là một vụ ly hôn mà mình thụ lý, đang có tranh chấp trong hai năm qua. Hai năm cơ đấy! Chị có biết họ bỏ ra bao nhiêu tiền cho vụ này không? Hơn 100 triệu đồng! Đừng làm thế, chị không đáng phải trải qua điều đó”.

Có thể bạn tôi nói thế để giải tỏa bực dọc, nhưng tôi rất biết ơn về lời khuyên này. Cuộc hôn nhân của tôi đã ở cái mức không cứu vãn được. Dù tôi vẫn phải trải nghiệm cuộc hành trình đầy trắc trở của ly hôn, nhưng việc không tìm cách cứu vãn nó đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều, lại còn tạo điều kiện để tôi hồi phục.

Hơn thế nữa, lời khuyên này giúp tôi cảm thấy mình đã làm chủ được tình huống trong một thời kỳ vô cùng rối ren.

Tiết kiệm tiền bạc và công sức

Những cặp vợ chồng trong giai đoạn ly hôn dành rất nhiều thời gian tranh chấp hầu hết những thứ lặt vặt. Luật sư cực kỳ thích những thứ như thế, các vị này sẽ cố gắng thúc giục các thân chủ của mình tiếp tục đấu tranh. Càng kéo dài thì luật sư càng được lợi.

Các cặp đang trong quá trình ly hôn thường nghĩ rằng thôi thì cuộc hôn nhân đã mất, giành giật được chút quyền lợi nào thì càng đỡ chút nấy. Tệ hơn, nhiều cặp mang theo suy nghĩ đấu tranh với người kia, xem việc giành được cái gì đó trong ly hôn là một thắng lợi đáng ăn mừng.

Tiet kiem tien bac, thoi gian va cong suc khi ly hon
 

Dĩ nhiên, có những thứ rất cần thiết để đấu tranh, như quyền nuôi dưỡng con cái, những tài sản lớn, nợ nần... Những thứ nhỏ nhoi khác thì không đáng để tranh giành. Tôi từng thấy có người giành được cái ghế sofa cũng ăn mừng, thắng được quyền giữ con dịp tết Tây cũng vui sướng. Sướng bởi ta “thắng” được bên kia. Khổ nỗi, mỗi "chiến thắng" nhỏ nhặt như vậy đều phải tốn tiền.

Đó là tiền tư vấn pháp lý tính theo giờ, rồi luật sư còn tính phí tùy theo giá trị tài sản. Chẳng mấy ai có tiền để chi trả phí này, thế là họ dấn vào khoản tiền tiết kiệm, thậm chí bán những tài sản mà họ “thắng” được từ cuộc ly hôn.

Bạn phải chấp nhận rằng đã ly hôn thì ta chắc chắn sẽ mất tài sản, mất quyền lợi. Chúng không đáng để hy sinh tiền bạc và công sức để cứu vãn, mà cũng không đáng để phải “thắng” bên kia. 

Theo lời khuyên của người bạn luật sư, chúng tôi đã tự thỏa thuận với nhau. Tốn vài chục cái email giận dữ, thêm vài chục cuộc gọi điện thoại cãi vã, nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng chia tài sản một cách ổn thỏa mà không tốn mấy.

Để ta có dịp hồi phục

Phải mất nhiều năm, tôi mới hiểu được lời khuyên “từ bỏ để còn hồi phục” đến từ những người bạn thân đã từng trải qua tình huống tương tự như tôi.

Đừng vội nói rằng tôi “bàn lui”. Nếu bạn thật sự tin rằng việc ly hôn của bạn có thể được cứu vãn, hay bạn có thể tìm được thắng lợi lớn nếu tranh chấp, thì cứ tự nhiên mà theo đuổi. Nhưng tôi nói thật là, càng nhanh chóng thỏa thuận xong việc phân chia tài sản, quyền nuôi con, và ký xong giấy tờ... thì sẽ càng tốt cho cả hai bên. 

Nói dễ hơn làm, việc đàm phán và thủ tục ly hôn tốn rất nhiều thời gian, nhất là với các vụ ly hôn rắc rối. Nhưng nghĩ kỹ thì bạn sẽ thấy, bạn ly hôn là vì bạn đang đau khổ, không chịu nổi trình trạng cuộc hôn nhân của mình.

Bạn bị tổn thương, giận dữ, hối hận. Rồi bạn đẩy những cảm xúc đó vào các quyết định tranh chấp trong ly hôn, để có thể “trả đũa” được bên kia. Điều đó chỉ kéo dài thêm thời gian bạn phải chịu đựng tình cảnh khốn khổ này. Tại sao không né tránh cuộc tranh chấp này sớm, để bạn có thể tìm đến cách tha thứ cho nhau, quên đi các việc đã rồi, và tìm đến các cơ hội mới trong tương lai?

Với cách này, không chỉ chính bạn là người duy nhất được lợi. Con cái của bạn cũng sẽ thoát khỏi thời kỳ rối ren, căng thẳng của cuộc ly hôn. Cảm giác thở phào nhẹ nhõm khi ta thoát khỏi cái mớ bòng bong của cuộc hôn nhân tan nát kia quý giá hơn bất kỳ tài sản nào.

Làm chủ tình hình

Cuối cùng, đây là lời khuyên chân thành của tôi: “Tranh chấp không phải là cách bạn làm chủ tình hình. Tránh khỏi những căng thẳng mới chính là giải pháp đúng đắn”. Những ai đã trải qua ly hôn chắc sẽ hiểu, ly hôn là một việc xé nát tâm hồn bạn, bởi nó chứng tỏ rằng bạn đã mất đi khả năng điều khiển cuộc sống của chính mình.

Cái viễn cảnh của cuộc hôn nhân mà bạn đã mong đợi, tình hình tài chính mà bạn tin tưởng, tình yêu mà bạn đã đặt niềm tin vào... đã bị phá hủy tan nát, để lại cho bạn cảm giác trơ trọi, bất lực. Nhiều bạn sẽ nhảy vào vòng đấu tranh pháp lý, giành giật từng chút một bởi đây là cách bạn vớt vát quyền làm chủ tình hình.

Nhưng như thế thật là sai lầm. Chính việc né tránh khỏi “cạm bẫy” của những việc tranh chấp mới là hành động mạnh mẽ nhất để bạn làm chủ tình hình. Không để những cuộc cãi cọ, thời gian lòng vòng trong phòng luật sư... níu kéo bạn, thì bạn sẽ có thời gian và công sức để đặt ra các quyết định cho chương tiếp theo của cuộc đời mình.

Cuộc hôn nhân của bạn đã thất bại, chẳng có lý do gì để tiếp tục ngoái lại nhìn vào nó. Hãy nhìn về phía trước với các thử thách và cơ hội mới.

Con đường để vượt qua cuộc ly hôn không dễ tí nào. Đã có lúc tôi để tình cảm nắm giữ mình, chút nữa là đã bỏ qua tất cả mọi lời khuyên để theo đuổi những tranh chấp vớ vẩn. Nó đã là một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội, nhưng nhìn lại thì những lời khuyên trên đã giúp tôi vô kể.

Những tiền bạc mà tôi tiết kiệm được đã có thể chu cấp cho cuộc sống mới. Tôi đã có thể bước tiếp nhanh chóng hơn, lấy lại sự tự tin và cảm giác làm chủ mà tôi đã mất. Tôi mong rằng bạn cũng làm được như thế.

Ngọc Tuyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI