Thương mà "kiếm chuyện"

15/08/2016 - 21:34

PNO - Tôi biết mẹ trở tính từ đôi ba năm nay, nhưng khó đến độ này thì chưa nghĩ tới. Những lần điện thoại cho tôi, mẹ cũng kêu cha thế này thế khác, toàn ba chuyện lặt vặt.

Sáng ra, mẹ điện “Có bận gì không, mày về mẹ có chuyện”. Giọng mẹ rất nghiêm trọng. Tôi vội gác mọi việc, tất tả chạy xe về. Đôi chục cây số thôi mà lòng rối như tơ vò. Trong đầu hình dung ra đủ thứ. Mẹ dạo này đổi tính, mấy anh chị em ai cũng than phiền mẹ ngày càng khó. Hẳn bệnh người già bắt đầu tới lui với mẹ?

Đón tôi chỉ có mình mẹ. Căn nhà ngăn nắp, sạch sẽ. Mẹ bảo: “Đấy, tao dọn dẹp cả ngày, ông ấy không phụ thì thôi về đến nhà còn mang nguyên cả đôi dép bẩn vào. Biết mẹ đau đầu, lúc nào ở nhà cũng mở ti vi ồn ã không mong tao chết sớm đi là gì? Cả ngày khoanh chân ngồi nước chè với đánh cờ bên mấy nhà hàng xóm, cờ quạt gì mà cả ngày? Không ăn phải bùa phải bả nhà người ta thì ông ấy có đi thế không? Sáng ra cũng giở chứng, đi thể dục rồi ăn sáng ở ngoài luôn… Đấy mày xem, ai mà chịu được, không nhẽ tao bỏ cho rồi?”.

Thuong ma
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Sau một tràng kể tội, mẹ khóc. Tôi ớ ra, chưa kịp vào nhà, chưa kịp hiểu chuyện thì đã thấy nước mắt mẹ lã chã. Hẳn là mẹ khổ tâm lắm rồi. Xưa, mẹ yêu chồng thương con là thế, cả một đời tần tảo, hiền hậu, đâu có chấp nê chuyện gì. Sao giờ ba cái chuyện này lại ám ảnh trong đầu mẹ?

Cũng hẳn là mẹ suy nghĩ rồi nên mới điện cho con gái út chứ không phải bất cứ anh chị nào khác. Mà tôi thì biết giải quyết thế nào. Đành vỗ về mẹ “Để rồi con nói chuyện với bố”. Chẳng ngờ không làm dịu được lòng mẹ, câu nói của tôi còn làm mẹ khóc: “Mẹ góp ý chút thì ông bảo mẹ mày nhiều chuyện, suốt ngày cằn nhằn. Lại còn bảo bà khó tính vậy chẳng ai ở chung được đâu. Đấy, cả đời tao hy sinh, giờ muốn phụ là sao?”.

Tôi nhìn mẹ. Trời ơi, sao giờ mẹ hệt đứa trẻ. Mẹ hơn bảy mươi rồi, trở nên khó tính cũng là điều dễ hiểu. Nhưng sao mẹ suy diễn nhiều quá chừng. Tôi bỗng nổi quạu “Thì mẹ cũng phải nín để con tính chứ”. Vậy mà mẹ im như chưa hề có chuyện ban nãy. Tôi hỏi “Cha đâu?”, “Ai biết! Thì chắc lại cờ quạt đó. Cạnh chỗ mấy ổng, có con mẹ đâu đó chuyển về, người đâu mà cười nói với đàn ông vô duyên. Ổng còn bảo phụ nữ phải nhẹ nhàng vậy, chứ như bà về quàu quạu tôi muốn đi luôn”.

Mẹ làm một hơi. Vậy là hiểu rồi, suýt nữa thì tôi bụm miệng cười. Mẹ ghen hệt như bọn trẻ. Tôi tìm cha, hỏi “Tình hình sao căng vậy cha?”.

Ông quạu: “Mày tính ở nhà không càm ràm cái này thì cáu kỉnh cái kia. Lúc nào cũng bắt ne bắt nẹt hệt đứa trẻ. Tao đi đánh cờ thôi mà bảo tao có bồ. Nói mãi có hiểu đâu. Mày thấy bả cằn nhằn chưa? Thấy ớn…”.

Tôi biết mẹ trở tính từ đôi ba năm nay, nhưng khó đến độ này thì chưa nghĩ tới. Những lần điện thoại cho tôi, mẹ cũng kêu cha thế này thế khác, toàn ba chuyện lặt vặt. Cũng vì bận việc và nghĩ là đơn giản nên tôi gạt đi, không nghĩ mẹ cứ tích tụ để thành một mớ bòng bong đến hôm nay.

“Mẹ, có lẽ chuyện này cũng lớn phải không, để con kêu mấy anh về họp gia đình”. Mẹ vội xua tay: “Không, không!”. “Vậy mẹ tính sao, không ở được thì bỏ chứ gì?”, “Mày sao vậy con kia, mày xúi bố mẹ mày bỏ nhau hả?”. “Là con thấy mẹ cũng bắt nẹt cha toàn những chuyện đâu đâu. Mẹ bảo cha có bồ, mẹ có bắt được không? Ngày nào cha cũng chơi cờ với mấy ông, đâu có chơi một mình.

Chuyện ăn sáng thì cha đi thể dục rồi ăn ngoài cho đỡ mẹ, cũng ổn chứ sao. Chuyện sinh hoạt gia đình mẹ cũng bắt bẻ cha như con nít ai chịu được?”. “Mày dạy tao nữa hả?”, “Không, chỉ là con góp ý. Nếu mẹ không ở được thì lên ở với con hoặc anh Hai”. “Tao đi làm sao được, còn nhà cửa, cơm nước cho ông, ai lo?”, “Đấy, vậy là mẹ còn thương cha, còn lo cho cha. Vậy mẹ phiên phiến đi. Sống khó vậy, cha chịu không thấu”. “Kệ tao!”.

Mẹ bỏ ra sân. Tôi nháy mắt với cha, thế là mẹ đuối lý rồi. Đúng là tình già, còn thương nhau mà cứ kiếm chuyện gây nhau.

Đinh Thùy Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI