Thư Hạnh Dung: Đối mặt

31/08/2015 - 14:09

PNO - Hãy thử một lần đối mặt với những lời chỉ trích, để thấy rằng thực ra thì chúng cũng không đáng để mình “sống trong sợ hãi”...

Thu Hanh Dung: Doi mat
Ảnh minh họa - shutterstock

Chị chưa bao giờ lo lắng về cuộc hôn nhân của mình, kể cả khi bước vào tuổi trung niên, khi những câu chuyện về tuổi tác, sức khỏe, sự phản bội… bắt đầu chiếm chỗ nhiều hơn trong những lần gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè.

Chị tin, bởi cả hai vợ chồng đều là người có giáo dục, gia đình cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Chồng chị có quyền lực ở công ty, nhưng cũng biết dành thời gian cho gia đình, nâng niu vợ con và biết cái giá phải trả khi gia đình tan vỡ.

Chị nhìn những người đàn bà khổ sở vì chồng ngoại tình, đau đớn, dằn vặt, ghen tuông… bằng con mắt thông cảm nhưng xa lạ, thầm nghĩ trong trường hợp đó mình sẽ thế này, sẽ thế kia, nhưng không bao giờ thảm hại đến như vậy cả.

Tất cả những ảo tưởng về sức mạnh của bản thân đổ sụp khi chồng chị bị một cơn đột quỵ, liệt nửa người. Chị đau đớn nhìn anh trên giường bệnh, xộc xệch méo mó, khác hẳn với người đàn ông phương phi ngày trước.

Chị tự dằn vặt mình, vì trong những tháng, những tuần mòn mỏi đưa anh vô ra bệnh viện tập vật lý trị liệu, chị đã ước mong mình có riêng một buổi sáng bình yên, thong thả và tự do tuyệt đối, không phải vướng bận gì, kể cả đó là anh.

Một năm sau ngày anh bệnh, chị nhận ra, cơ hội phục hồi của anh là khó vô cùng. Mấy tháng nay chị đã cảm thấy không thể hôn anh được, vì một bên khóe miệng bị liệt của anh đã trễ xuống, chảy nước. Chị không còn yêu người đàn ông trong bộ quần áo nhàu nhĩ, ngồi tựa gối nhìn ra cửa sổ ngóng vợ về.

Thậm chí một hôm, trong số những đồng nghiệp cũ ở cơ quan đến thăm anh, có một cô gái đã ôm mặt bật khóc. Chị nhìn cô ấy, dửng dưng như không, trong lòng nguội lạnh nghĩ, nếu như trước kia giữa họ có một tình yêu đi nữa, nay tình yêu ấy cũng đã liệt rồi.

Chị thuê người giúp trông nom, chăm sóc anh. Chị đưa anh đi những thầy thuốc giỏi, nổi tiếng. Chị mua cho anh những viên thuốc bổ đắt đỏ. Buổi tối, chị trả lời điện thoại của các con gọi về hỏi thăm sức khỏe của ba, xong rồi có khi chị khóc một mình khi nghe con bảo có mẹ ở nhà với ba, chúng con yên tâm lắm.

Chị nhận ra cuộc sống của vợ chồng chị đã gói gọn lại trong sự chờ đợi mòn mỏi. Chị không biết mình đang chờ anh khỏi bệnh hay chờ cơn đột quỵ tiếp theo. Cuộc sống nối tiếp như một lối mòn...

Có bao nhiêu người đàn bà như chị, gói bọc đời mình trong một hoàn cảnh không đủ tốt để hạnh phúc, để vui sống, nhưng cũng không đủ xấu để vùng vẫy thoát ra?

Trong thư gửi cho Hạnh Dung, chị viết, thực lòng chị không cảm thấy có gì bức xúc, vì anh không có lỗi gì với chị, anh chỉ đau ốm. Nhưng chị thấy buồn, và sợ nữa, khi nghĩ tới một ngày nào đó biết đâu mình cũng sẽ vướng một cơn đột quỵ hay một chứng bệnh nan y nào đó, rồi lúc đó hai vợ chồng ngồi nhìn nhau sao?

Trong những tháng ngày còn khỏe mạnh, còn đầy đủ, hay thậm chí còn có lúc cảm thấy mình cũng long lanh, cũng rung động, mình lại chẳng làm gì cả, chỉ ráng giữ cho mọi chuyện cân bằng trong một sự an toàn tẻ nhạt, rồi đến lúc không thể còn đủ sức để liều lĩnh làm một điều gì đó, lại tiếc nuối quay quắt: sao ngày xưa mình không thử yêu, thử ghen tuông, thử nêm nếm những gia vị của cuộc sống này?

Lên đường làm một chuyến đi xa, đi chơi, khi chồng mình đang ngồi xe lăn ở nhà, đối với nhiều người phụ nữ, là một trọng tội. Tự các chị thấy mình có nghĩa vụ phải quanh quẩn bên chiếc xe lăn đó, cho dù để cằn nhằn, để chán nản, nhưng vẫn phải làm thế.

Đàn bà đã có gia đình thì không được rời xa nỗi đau khổ của những thành viên trong gia đình, đó có phải là một quy tắc bất thành văn? Rời xa họ là có tội. Nhưng dán chặt quãng đời còn lại của mình vào nỗi đau đó, mình lại đang tự mang tội với chính mình.

Chẳng ai có thể trả lời thư chị, rằng hãy tự cho phép mình được sống, được vui chơi, được hạnh phúc một chút, rồi truyền lại niềm vui sống ấy cho người trên chiếc xe lăn, thay vì cứ để nỗi đau đớn, bất lực từ chiếc xe lăn ấy lây lan sang, giam hãm cả cuộc đời mình.

Hãy thử một lần đối mặt với những lời chỉ trích, để thấy rằng thực ra thì chúng cũng không đáng để mình “sống trong sợ hãi” cho đến ngày cạn kiệt năng lượng sống của mình đâu.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI