Thời kỳ đẹp nhất của đời người: Được sống cho mình

31/01/2017 - 11:21

PNO - Ba năm sau khi về hưu, chị xuất hiện nhiều trên facebook, tươi tắn, trẻ trung, rực rỡ với váy áo, với những chuyến đi chơi, những buổi cà phê cùng bạn bè.

Tiễn chị về hưu, cả cơ quan cảm thấy… ngậm ngùi thương cảm. 55 tuổi, cao 1m56, nặng 67 ký, mắt đã bắt đầu mờ, lưng hơi khòm, dáng đi tất tả, nghiêng nghiêng, vội vàng vì lúc nào cũng sợ trễ giờ vào quẹt thẻ, trễ giờ về nhà lo cơm nước. Nụ cười của chị khi lên nhận quà kỷ niệm của đồng nghiệp như mếu, nhất là khi chị rưng rưng bảo: từ ngày mai, sáng thức dậy, không biết có quên được thói quen đến cơ quan?

Ba năm sau khi về hưu, chị xuất hiện nhiều trên facebook, tươi tắn, trẻ trung, rực rỡ với váy áo, với những chuyến đi chơi, những buổi cà phê cùng bạn bè. Cứ như có cây đũa thần chạm vào chị. Có ai hỏi, chị cười vang và bảo cây đũa thần ấy chính là “về hưu”.

Được làm những gì từng mong ước

Cũng giống như nhiều người về hưu khác, chị Minh An lại tiếp tục… đi làm. Vì sao? Mỗi người một lý do. Có người vẫn cần có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và lo phụ con cháu, nhưng cũng có người vì sợ buồn, sợ trống thời gian, thậm chí vì… sĩ diện với mọi người rằng bây giờ mình là người về hưu.

Thoi ky dep nhat cua doi nguoi: Duoc song cho minh
Chị Nguyễn Minh An trong một chuyến đi

Làm được một thời gian, chị Minh An bỗng nhận ra rằng mình vẫn tiếp tục chịu mọi căng thẳng, áp lực đã phải chịu đựng hàng chục năm qua. Trong khi đó, một năm cuối trước khi nghỉ, chị từng mơ cảnh tự do, thảnh thơi, được đi đây đi đó. Thế là một ngày đẹp trời, chị quyết định xin nghỉ việc. Kể từ hôm đó, facebook của chị Minh An trở thành nhật ký hình ảnh ghi lại những kỷ niệm của các chuyến đi.

Chẳng phải chỉ có bạn bè đồng trang lứa mà ngay những người trẻ mê đi phượt cũng phải ngưỡng mộ, trầm trồ với sức đi, sự đam mê của người phụ nữ ấy. Kỷ lục khiến chị được mọi người trầm trồ nhất là những cột mốc đánh dấu: bốn đỉnh đèo cao nhất của Việt Nam chị đều đã leo, ba cực của đất nước chị đều đã tới, chỉ còn một cực duy nhất, A Pa Chải ở cực Tây là chị chưa đến vì đường sá quá gian nan, khó đi với đôi chân của một phụ nữ đứng tuổi. Không phải là người có nhiều tiền, chị đi bằng mọi phương tiện có thể, kể cả lội bộ, đi xe gắn máy. 

Chính ở vào cái tuổi nghỉ hưu nhàn tản, chị Minh An cảm thấy cuộc sống của mình ngày càng phong phú bởi những chuyến đi. Được nhìn thấy đất nước, non sông mình quá tươi đẹp, được thấy cuộc sống vô cùng ấm áp, được kết bạn với hàng chục, hàng trăm con người mới trong những chuyến đi, với chị đó là những tài sản vô giá nhận được khi về hưu.

Không cùng ước mơ đi nhiều như chị, có nhiều phụ nữ khi về hưu đã bắt đầu học những thứ mình đam mê từ thời còn trẻ, nhưng vì cuộc sống mà bỏ quên đâu đó. Tại Trung tâm âm nhạc Phaolo (Q.11, TP.HCM), có rất nhiều phụ nữ về hưu ngồi tập chơi piano, học hát. Chị Hoàng Nhã, một cán bộ thuế về hưu, kể: “Từ hồi còn nhỏ, tôi đã mê chơi đàn. Nhưng thời đó, tiền đâu mà mua đàn, tiền đâu mà học. Đi làm ráng nhịn gom góp, mua cho con gái được cây đàn, dồn tiền cho nó học, đêm đêm nghe nó đánh đàn, vẫn chưa thỏa.

Giờ về hưu, tôi muốn tự mình chơi được, dù chỉ một bản nhạc. Mời thầy về nhà với giá 250.000đ/giờ thì mắc quá. Tôi canh khi trung tâm khuyến mãi, mua coupon học, ba tháng chỉ đóng 600.000đ. Lần mò hai - ba khóa, đánh được năm, sáu bài thật vững là cũng đủ thỏa đam mê”.

Phát hiện những điều mới mẻ ở chính mình

Năm 1997, Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang nghỉ hưu. Năm 1999, chị bắt đầu đến với hội họa. Lúc đầu, đó chỉ như một hình thức giải khuây, như để lấp vào chỗ trống của những ngày tháng đầu rời xa điện ảnh. Trong một lớp học gồm nhiều phụ nữ cũng lớn tuổi như mình, chị tìm được những người bạn trò chuyện, chia sẻ. Lớp học sau đó được chuyển về căn hộ chung cư mà chị dành làm phòng vẽ của mình. Chị đảm trách thêm nhiệm vụ chăm chút bàn ghế, nước nôi cho những người bạn đang có chung một niềm vui.

Thoi ky dep nhat cua doi nguoi: Duoc song cho minh
NSND Trà Giang với đam mê hội họa

Thế giới màu sắc ngày càng cuốn hút chị. Trà Giang coi vẽ như một cách để trút tâm sự riêng, như một cách thiền nhẹ nhàng, tĩnh lặng nhưng không kém phần rộn rã với sắc màu. Giống như cuộc sống của chị, một phụ nữ dịu dàng, đằm thắm, nhân hậu, các bức tranh của Trà Giang đa phần là tranh hoa, một ít là tranh phong cảnh; màu sắc của tranh nhẹ nhàng, trong trẻo, bình yên.

Thỉnh thoảng, chị cũng nhớ lại những kỷ niệm ngày làm phim, những nơi mình đã đi qua và vẽ những bức phong cảnh để lưu giữ kỷ niệm ấy cho mình. 16 năm qua, Trà Giang đã vẽ hàng trăm bức tranh. Làm chủ được cây cọ, sắc màu, thể hiện những gì mình nhìn thấy và cảm nhận nó bằng đôi mắt của mình, với nghệ sĩ Trà Giang là một khám phá mới về bản thân.

Tháng 6/2016, chị mở cuộc triển lãm tranh lần thứ hai chủ đề tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ngắm tranh của chị, không thể không cảm nhận được không khí xuân dịu nhẹ, bình yên và đẹp đẽ tỏa lan trong đời một người đang ở vào tuổi thu đông.

Với chị Nguyễn Thị Hà, một phụ nữ sinh hoạt tại Câu lạc bộ khiêu vũ Saga Dance (Q.3, TP.HCM) thì khiêu vũ mang đến cho tuổi hưu của chị những điều hết sức bất ngờ. Chị bảo ngày mới nghỉ việc, chị hết sức buồn bã, cô độc trong cảnh ru rú ở nhà, không biết đi đâu. Có người quen rủ đi tập khiêu vũ, chị hết sức ngại ngùng.

Rồi một lần chị rụt rè hỏi ý kiến của con, ai dè, chị lại được các con ủng hộ hết mình. Thế là chị bắt đầu đến lớp tập, rồi khi lớp chuyển ra công viên, chị lại phải vượt qua sự lo lắng “không biết người ta nhìn mình thế nào, đánh giá mình ra sao vì lớn tuổi rồi mà còn… ham vui”. Thế nhưng, ra sân một hai lần, chị chẳng thấy ai “dòm ngó” hay chê cười, thế là cứ dạn dần cho đến khi khiêu vũ trở thành một niềm đam mê của chị.

Thoi ky dep nhat cua doi nguoi: Duoc song cho minh
Chị Nguyễn Thị Hà trong một điệu nhảy

Hơn sáu, bảy năm tập luyện các bước nhảy với thầy, với bạn nhảy, chị nhận ra một điều bất ngờ: khiêu vũ không chỉ như một bộ môn thể thao rèn luyện sức khỏe, giúp chị thoát khỏi những cơn chóng mặt của rối loạn tiền đình, giảm đau thắt lưng, giữ vóc dáng, cân nặng ổn định mà còn giúp chị từ một người vốn nổi tiếng là hay nhăn nhó, cáu kỉnh, trở thành người nhẹ nhàng, bình yên, vui vẻ.

Vẫn là người có ích cho cuộc sống

Từ thời còn trẻ, chị Võ Thị Thùy đã là một phụ nữ hết sức năng động, mạnh mẽ và đặc biệt luôn hướng về những công việc mang tính xã hội, phục vụ cộng đồng. Trước khi về hưu, chị từng là hiệu trưởng của các trường mầm non chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Nghỉ hưu, ý định ban đầu của chị cũng là rời khỏi cuộc sống sôi động nhưng không kém phần nặng nề và mệt mỏi.

Thế nhưng, một người bạn khi ấy có hai con bị tự kỷ đã năn nỉ chị về giúp anh mở trường dành cho trẻ tự kỷ, bởi nếu không có người có chuyên môn, được đào tạo chính quy như chị thì trường không thể được cấp giấy phép. Cảm thông tấm lòng của một người cha, chị nhận lời với suy nghĩ chỉ giúp bạn một thời gian rồi sẽ rút lui.

Thế mà từ đó tới nay đã sáu năm, chị hàng ngày hai lượt chạy từ huyện Củ Chi về ngôi trường Khai Trí ở quận Bình Thạnh để chăm sóc, dạy dỗ hàng trăm đứa trẻ. Có lúc thấy chị mệt mỏi, chồng chị cằn nhằn bảo nghỉ đi, về hưu rồi thì thảnh thơi để dưỡng sức, lo cho mình. Thế nhưng, chẳng những không nghe lời anh, chị còn thuyết phục được anh biến miếng đất ở Củ Chi của mình thành một cơ sở thứ hai của trường để cho trẻ có chỗ học hành, sinh hoạt được thoáng đãng, tiện lợi hơn.

Thoi ky dep nhat cua doi nguoi: Duoc song cho minh
Chị Võ Thị Thùy với những đứa trẻ của mình

Nhắc đến câu đùa của bạn bè, rằng người ta nghỉ hưu có nhiều loại: “hưu ngựa” là đi chơi, “hưu chó” là chăm cháu nội cháu ngoại, còn như chị là “hưu trâu” vì cực như con trâu, chị chỉ cười. Chị bảo mỗi năm đưa được vài chục trẻ tự kỷ ra hòa nhập cộng đồng là niềm vui vô cùng lớn. Nhìn những đứa trẻ khi bước vào trường không biết nói, không biết giao tiếp; khi ra khỏi trường có thể học đọc, học viết, biết chơi với bạn bè, trò chuyện với cha mẹ, chị cảm thấy tuổi hưu của mình thật có ích.

Trở lại chuyện người bạn trên facebook. Nghỉ hưu rồi, chị cũng vất vả một thời gian ngắn chăm cháu, đi làm thêm kiếm tiền, nhưng hơn một năm nay, chị nghỉ việc và cũng yêu cầu các con đưa cháu đi gửi nhà trẻ, còn bản thân thì tham gia đủ thứ hoạt động vui chơi mà bạn bè “lôi kéo”. Cái gì chị cũng có một chút, từ thể thao, khiêu vũ, học đàn, học tiếng Anh đến đi du lịch.

Chị nhận ra thời gian sau nghỉ hưu có thể là thời kỳ hạnh phúc, sung sướng nhất của đời người. Đó là khi mình đã hoàn thành mọi nghĩa vụ với con cháu, với cha mẹ ông bà, hoàn thành mọi nghĩa vụ với cuộc sống và thảnh thơi bước vào giai đoạn sống cho mình. Hãy cố gắng tận dụng tối đa những ngày tháng hạnh phúc của mình, tận hưởng những niềm vui.

                                                                                                            Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI