Thoát ngục

23/07/2016 - 19:14

PNO - Mắt ráo hoảnh khi chị kể lại những đoạn đời bi đát, tối tăm của mình. Sau một hành trình hôn nhân đau khổ, nước mắt chị như đã khô cạn.

Nhìn cảnh nhiều người phụ nữ vẫn chìm ngập trong vũng lầy hôn nhân như mình ngày xưa, gạt qua mọi ngại ngần, chị trút nỗi lòng. Chị nói không phải để kể tội người cũ hay để lôi kéo sự cảm thương của xã hội… mà như đưa cánh tay lay tỉnh những người vợ đang đau khổ kia.

Thoat nguc
Ảnh minh họa: Internet

Phóng viên: Dễ dàng vứt bỏ nghĩa tào khang hay cam chịu để níu giữ hôn nhân đều đưa đến đoạn kết tiêu cực, để lại cho người trong cuộc những nuối tiếc. Đâu là “ngưỡng buông” cho một cuộc chung sống không hạnh phúc, thưa chị?

Diễn viên Kiều Trinh: Vì tình yêu dành cho người đàn ông quá lớn, người phụ nữ có 1001 lý lẽ để bào chữa cho anh ta, kể cả với những hành động bạo lực, nguy hiểm. Đó là khi người phụ nữ đặt trọn đời mình vào người đàn ông, kỳ vọng anh ta cải sửa để xây đắp gia đình. Với lòng bao dung và một chút ảo tưởng, quỹ thời gian chờ đợi này cứ được gia hạn và gia hạn... mãi không dứt. Từng nghe nhiều lời khuyên nên “thanh lý cuộc tình”, nhưng vì tình yêu ngu muội, tôi cứ chống chế kiểu: “Các người không hiểu chi đâu!”.

Tùy hoàn cảnh riêng, tùy ý chí của mỗi người, thật khó nói đâu là giới hạn để quyết định rời xa nhau. Với tôi, ngưỡng buông đó là ngưỡng-cửa-sinh-tử. Tôi đã bị đẩy đến sát miệng vực, chỉ nửa bước nữa thôi là không còn tôi để mà nuối tiếc. Chia tay để giữ mạng, đó là điều đáng sợ nhất. Một lần bị chồng đánh chấn thương đầu, cộng thêm những biến cố dồn dập như mẹ mất, bị lừa tiền trắng tay… tôi quẫn trí và cùng lúc mất luôn cả sợ hãi - yêu thương. Sống trong không khí bạo lực, chịu đựng chất chồng, tôi căng thẳng, ức chế, đập phá nhà cửa, chửi mắng đánh đập con.

Thoat nguc
Con cái là động lực sống, là nguồn năng lượng kỳ diệu của diễn viên Kiều Trinh

Tại sao tôi lại như vậy? Tại sao tôi không kiểm soát được hành vi của mình? Tại sao con tôi lại phải bị đánh và ngày ngày chứng kiến cảnh mẹ bị hành hạ? Tại sao hai mẹ con phải ăn chung gói mì hay nhịn ăn dành tiền mua hộp sữa cho con trai? Tại sao mẹ con lại phải sống trong chuỗi ngày nơm nớp lo sợ? Đó có còn là sống không? Tự chôn mình là chôn luôn cả các con vào địa ngục! Tự nghiệm ra điều khủng khiếp đó, tôi thấy cam chịu chỉ làm mình lún sâu. Tôi bắt đầu có tiếng nói phản kháng, bật dậy, làm tất cả để đổi lấy sự sống đúng nghĩa. Dù rất yêu nghề, tôi cũng chấp nhận bỏ, chấp nhận làm chạy bàn, phục vụ, trở lại nghề may trước đây hay làm bất cứ công việc gì để kiếm tiền nuôi con.

Chị Trần Thị Minh Hải (50 tuổi, làm nghề buôn bán, ngụ ấp 7, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM): Có những cặp đôi mới chung sống đã đưa nhau ra tòa ly hôn, người ngoài nhìn vào có thể cho rằng đó là quyết định vội vàng. Nhưng không, có những bi kịch mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Đó có thể là sự tổn thương thể xác, tinh thần, tình dục… hoặc tất cả cộng lại, bóp nghẹt cuộc hôn nhân. Tôi không tin có ai đó có thể dễ dàng vứt bỏ. Họ chỉ quyết định khi nhận ra bản chất của người kia. Chỉ có thể tha thứ cho lỗi lầm của người kia khi nó là hiện tượng, còn đã là bản chất, lặp đi lặp lại và trở thành phương cách hành xử thì bó tay. Chung sống không hợp, không còn yêu nhau, không hạnh phúc trong thời gian dài thì chia tay, giải thoát cho nhẹ lòng.

Thoat nguc
Chị Minh Hải du lịch Nhà máy thủy điện Trị An - tỉnh Đồng Nai

Chúng tôi đến với nhau không có tình yêu. Nếu chồng đối xử tốt, có thể khiến tình cảm phát sinh, nhưng ông ấy chỉ áp lên tôi sự ràng buộc, chiếm hữu. Nhiều lần ông ấy tưởng tượng, ghen tuông vô cớ rồi thẳng tay đánh đập. Tôi đòi ly hôn, ông ấy bảo viết đơn, sẽ ký. Tôi đưa đơn, ông ấy không ký mà lại đánh, hăm dọa: “Thà tao giết mày chết chứ không ly hôn!”. Mấy lần tôi định thoát ra nhưng sợ đem con theo ảnh hưởng việc học, rồi thì mẹ con ở đâu, bao giờ tôi tìm được việc làm ổn định để nuôi con? “Chắc kiếp trước tôi mắc nợ ông ấy nên kiếp này phải trả cho xong” - tôi mượn ý nghĩ tâm linh đó để tự an ủi, tiếp tục chịu đày đọa.

Khác với số đông các bà vợ, tôi gắng gượng duy trì cuộc hôn nhân không phải để mong cải thiện tình hình mà chỉ do hoàn cảnh không cho phép bước ra ngay được. Tôi dự định sẽ ly hôn khi đứa con trai duy nhất thi đậu đại học nhưng kế hoạch đó buộc phải sớm hai năm vì biến cố. Năm năm trước, vào tối mùng Một tết, chỉ vì tôi lu bu, chậm mắc mùng cho ông ấy ngủ mà ông ấy đánh tôi. Ông ấy còn dắt xe ra định đốt, tôi kéo xe lại thì tiếp tục bị đánh.

Tôi biết, sức chịu đựng của mình đã cạn. Tôi rùng mình nghĩ đến những thảm cảnh đáng tiếc và quyết định phải sớm tách ra. “Sáng mai mình phải thoát khỏi căn nhà này”. Nhân cơ hội con trai đang về quê ngoại Tây Ninh ăn tết, tôi lén về theo, cương quyết cắt liên lạc dù ông ấy lục tung họ hàng bạn bè để tìm kiếm; hăm dọa, khống chế, rêu rao, dụ dỗ đủ kiểu. Những ngày đó, tôi làm giúp việc nhà để có tiền nuôi con ăn học và có nơi nương náu.

Phóng viên: Chị đã làm những gì trong khoảnh khắc đầu tiên được hít thở không khí tự do?

Chị Minh Hải: Gian nan lắm tôi mới ly hôn được vì ông ấy cố tình gây khó. Cuối năm 2014, ở tòa án Bình Chánh, run run cầm tờ quyết định ly hôn của tòa, tự dưng tôi như hiểu ra cảm giác của những người tù nhận được lệnh ân xá. Tử hình, chung thân, giờ được giảm án xuống còn 20 năm là đây. Lâng lâng, sung sướng. Nhưng tôi đã không còn giọt nước mắt nào để khóc. Hiện tại, căn nhà chung để lại cho ông ta sống một mình, dù mẹ con tôi ở trọ, chật vật “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nhưng cuộc sống an lành, hạnh phúc. Tôi hy vọng vào tương lai khi chỉ còn một năm nữa con tôi tốt nghiệp cao đẳng. Giờ tôi thích gì làm nấy, tự làm chủ mình.

Tôi đã theo học lớp bảo mẫu, tuổi 50 cũng không quá muộn và vì tôi yêu trẻ con. Tôi đã có thể ung dung đi chợ, ghé chọn cái áo, cái nón, ngắm hàng hoa mà không phải lo chạy về như ma đuổi vì sợ trễ, sợ bị chồng đánh chửi như ngày xưa. Những điều đó, khi tôi kể ra, chắc nhiều người không cho là hạnh phúc. Hai mươi năm tôi chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân thiếu tình yêu dư thừa nắm đấm thật uổng phí. Tuổi trẻ qua đi không lấy lại được, không ai có thể trả cho tôi và đáng lẽ tôi không phải bị mất.

Diễn viên Kiều Trinh: Khoảnh khắc đầu tiên được tự do với tôi không phải là vui vẻ, thoải mái mà là ngổn ngang lo âu. Sợ bị đánh, sợ chồng bắt mất con… Rồi tôi cũng không tránh khỏi sự thật phũ phàng ấy. Biết điểm yếu của người mẹ là đứa con nên người đàn ông đó khống chế, làm áp lực, làm tôi thất điên bát đảo. Một thời gian, tôi không tiếp tục lao theo tìm con hay gào thét vì mẫu tử chia lìa mà giả vờ nói ngang nói càn kiểu: “Giờ nó sống chết gì tôi mặc kệ, tôi lo cho thân tôi”. Nhờ thế mà con tôi được trở về với mẹ. Mãi hơn một năm sau chuyến đi “lịch sử”, tình hình tạm ổn, tôi mới bắt đầu dám gỡ bỏ chiếc khẩu trang khi đi đường, yên tâm hít thở khí trời, đôi lúc thấy vui khi người đi đường nhận ra: “A, diễn viên Kiều Trinh”.

Phóng viên: Chị có thông điệp nào cho những người vợ “bất hạnh tự nguyện” như mình đã từng?

Diễn viên Kiều Trinh: Ngàn lời muốn nhắn gửi, tôi xin gói gọn trong câu “Giải thoát không bao giờ là muộn! Bạn hãy yêu bản thân và yêu bản thân ngay từ đầu”. Đừng để như tôi, giờ đây cuộc sống đơn thân nuôi ba con tạm ổn nhưng đã phải trả giá quá đắt, nhất là những di chứng đối với sức khỏe. Vì những điều tốt đẹp cho tương lai của tôi và con, tôi sống chậm hơn để đi được đường dài.

Sáu năm trước, tôi mới sinh con thứ hai được một ngày đã phải xin bác sĩ về nhà vì mẹ hấp hối. “Con phải lo cho bản thân khỏe để lo cho hai con”, mẹ tôi dặn dò và trút hơi thở cuối cùng vào hôm sau. Hai chữ “bản thân” trong lời trăng trối của mẹ nghe nghẹn lòng.

Ngày nay, các cô gái trẻ được tiếp cận thông tin nhiều hơn, có nhiều lớp học tiền hôn nhân, có nhiều lời sẻ chia, nhiều “bí kíp” kỹ năng bỏ túi. Còn tôi khi xưa bước vào hôn nhân như một tờ giấy trắng, bị chồng tát ngay lúc còn đang mặc áo cô dâu cũng chẳng biết ứng xử thế nào, cứ sợ mình nông nổi, quá tay. Định cuốn đồ bỏ đi thì rụt lại ngay khi nghe nói: “Đi dễ khó về nghen con!”. Khi cần một giải pháp tích cực để đòi lại công bằng và tôn trọng, cần một sự tỉnh táo, cần thể hiện quan điểm một cách mạnh mẽ thì tôi lại lặng câm, cam chịu, cho qua.

Tôi đã dạy con gái ở ngưỡng cửa bước vào đời rằng đừng để bạo lực xảy ra lần đầu tiên vì nó sẽ không dừng lại ở con số một. Nếu người đàn ông muốn con cắt đứt tất cả các mối quan hệ thì anh ta không có tình yêu và con sắp có nguy cơ bước vào ngục tối. Tôi cũng nhắc con luôn giữ gìn, xây dựng những mối quan hệ sẽ là điểm tựa cho con trong cuộc sống, tiếp sức mạnh để bất cứ sự chọn lựa nào cũng là lối thoát.

* Xin cảm ơn hai chị về những chia sẻ chân tình.

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI