Thì thầm bình đẳng

06/03/2015 - 17:29

PNO - PN - Ngày 8/3, mỗi người đàn bà đều có chút thời gian, ít ra là một khoảnh khắc, để nhớ mình là phụ nữ. Thế mà trong rất nhiều những hoa, quà và lời chúc hạnh phúc, Hạnh Dung nhận một bức thư có phần lạc lõng. Như hầu hết...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Thỉnh thoảng tôi tự nghĩ rằng nếu như tôi không phải là phụ nữ, chắc tôi cũng đã yêu N. Cô ấy xinh đẹp, nhỏ nhắn và dịu dàng như một con gà con. Lớn lên cùng nhau suốt một thời thiếu nữ, tôi chứng kiến đã bao nhiêu anh chàng xiêu đổ vì cái vẻ gà con chiêm chiếp của cô ấy. Tôi đã biết, trong lòng cô ta là một biển toan tính. Cô ta đâu có dễ thương ngây thơ như cái vẻ bề ngoài kia. Như một sự trớ trêu của số phận, chúng tôi cùng yêu một người.

Lẽ đương nhiên là anh ấy chọn N. Chúng tôi ra trường cùng lúc, về dạy chung một trường, khi cô ấy và người đàn ông tôi thầm thương nhớ sóng bước lên xe hoa, tôi đau đớn tự mình băng bó lấy vết thương trong góc phòng trọ. Cô ấy sinh con, đứa bé gái xinh như thiên thần. Tôi vẫn lận đận tình duyên, độc thân hờn tủi. Cô ấy lên làm tổ trưởng, rồi làm hiệu phó chuyên môn. Sao số phận chỉ mỉm cười với cô ấy mà lạnh lùng quay mặt với tôi? Cho đến gần đây, khi tôi bắt gặp ánh mắt của anh - chồng của N., người tôi yêu đơn phương suốt một thời thiếu nữ, tôi mới thấy hình như cao xanh kia còn “ngó lại” mình.

Thi tham binh dang

Anh nói, sống với N. bao năm, bây giờ anh mới hiểu bản chất của con người ấy, mới quý cái chân tình mộc mạc của tôi. Tôi như được bù đắp, lao vào cuộc tình ấy, nhưng thỉnh thoảng cũng thấy mình tội lỗi. Trong cái ham hố mà chúng tôi dành cho nhau, hình như cả tôi và anh đều có phần hả hê vì đã cùng trả thù được N. Có lần, tôi bắt anh phải bỏ N. để cưới tôi. Anh đồng ý. Nhưng sau đó nhìn thấy anh chở N. và con gái đi ngoài đường, tôi chùn lại, bàng hoàng nhận ra sự đố kỵ, ganh ghét trong lòng mình hình như đã đẩy mình đi quá xa…”.

Người ta hay nói đến sự bất bình đẳng nam nữ trong xã hội, song thực sự có một sự bất bình đẳng lớn hơn rất nhiều - bất bình đẳng giữa những người phụ nữ với nhau. Chính đây mới là sự bình đẳng quan trọng và khó đạt được hơn cả. Phụ nữ hay so sánh hơn chị kém em, càng ở gần nhau, sự so sánh này càng thường xuyên, càng gay gắt. Một chiếc áo đẹp, một cơ hội tốt, một sự quan tâm của ai đó, một tài lẻ, một lời khen không đều không khéo… tất cả đều có thể trở thành lý do cho xích mích, tị hiềm. Huống hồ là chuyện cùng yêu chung một người đàn ông! Chị em mình hay hỏi: cô ta hơn mình cái gì? Tại sao cô ta được ưu ái mà mình thì không? Và hàng trăm câu hỏi khác.

Sự hơn thua với đàn ông không làm chị em mích lòng, khổ sở như sự hơn thua giữa phụ nữ với nhau. Hình như với phụ nữ, việc thua kém đàn ông đã được ngầm mặc định, do đó dễ chấp nhận hơn. Trong lòng nữ giới, sự bình đẳng và chân thành, thực sự tôn trọng nhau khó thiết lập hơn. Tuy nhiên, cũng thường khó nhận ra đặc điểm này, bởi đây là điều được giấu kín. Mà càng giấu kín, tác hại của nó càng lớn. Một người đàn bà ganh tị với hạnh phúc của người đàn bà khác luôn bị dằn vặt bởi thường xuyên quan sát đối phương và so sánh.

Thi tham binh dang

Hạnh phúc của người ta lớn bao nhiêu, nỗi dằn vặt khổ sở trong lòng mình cũng lớn bấy nhiêu, thậm chí có khi còn hơn nữa. Phụ nữ vốn dễ mặc cảm, dễ tủi thân, dễ mủi lòng. Khi nghĩ về bản thân mình trong cảm giác bị thua thiệt, cái tủi thân thương cảm này trở thành nguồn năng lượng tiêu cực cho những toan tính trả đũa, những trò chơi xấu “dìm hàng” lẫn nhau, mà không nghĩ đấy là chính chị em mình, đấy là người chung cảnh “sinh ra làm phái yếu” trong thiên hạ.

Hạnh Dung viết thư trả lời người phụ nữ ấy, rằng chị hồi tâm nghĩ lại xem thực ra người đàn ông ấy có đáng để chị yêu từ lúc còn con gái cho đến khi trở thành đàn bà. Kẻ nói xấu vợ mình là kẻ hèn. Mà thực ra, có chắc gì chị đã yêu người đàn ông ấy đến thế. Chẳng qua vì cảm giác một món đồ yêu quý đã bị người khác lấy mất, tiếc, xót, ghen tức nữa, nên khi có cơ hội, chị hăm hở giành lại ngay. Người đàn ông ấy trở thành một công cụ thỏa cái tính “ghen ăn tức ở” của chị, lớp trẻ bây giờ hay gọi đùa là GATO đấy thôi. Không khéo rồi thì lấy về vài ngày, mình đã thấy chán ngấy, lại không thể rũ đi, vì cũng chính cái tính GATO ấy ngăn cản không cho mình nhìn nhận cái sai lầm của mình. Hãy công bằng với cô ấy và đừng quá ưu ái người đàn ông kia - kẻ đã hưởng trọn tình yêu của cả hai người đàn bà. Lẽ nào anh ta không có lỗi?

Vậy nên, xin dành sự bình đẳng đầu tiên cho phụ nữ chúng mình, sự bình đẳng giữa những chị em mình với nhau, sự bình đẳng không được tung hô, không được tặng hoa, không có những thang bậc tiêu chuẩn cụ thể rõ ràng, nhưng vô cùng quan trọng. Xin được dành một phần ngày 8/3 cho mình, dù biết đây chỉ là lời thì thầm giữa chị em mình với nhau mà thôi…

HẠNH DUNG 
(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI